ẤN ĐỘ PHẬT GIÁO NGHI CHẾ

Phật Quang Đại Từ Điển

Sau khi đức Phật thành đạo, nói pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc dã độ cho năm vị tỉ khưu Kiều trần như, đó là dấu hiệu báo trước sự hình thành Tăng đoàn Phật giáo. Trong Tăng đoàn, đức Phật đã định ra phương thức sinh hoạt lí tưởng cho các tỉ khưu, tức lấy Tứ y pháp làm chuẩn tắc sinh hoạt:

1. Thường hành khất thực, mỗi ngày, trước giờ ngọ, đi xin ăn một lần để nuôi thân.

2. Trước phẩn tảo y, mặc áo may bằng những mảnh vải bị vứt bỏ nhặt được tại các nơi nghĩa địa, rừng xác và đống rác.

3. Y thụ hạ tọa, ngồi dựa gốc cây.

4. Dụng trần khí dược, trần khí dược, chỉ thuốc được chế bằng các vật đã bài tiết, hoặc chỉ các dược liệu người ta đã vứt bỏ, làm thuốc dùng mỗi khi tỉ khưu đau ốm. Tỉ khưu Phật giáo tu hành theo bốn pháp trên, khiến cuộc sinh hoạt yên vui, không tham ái, không chấp trước.

Nhận xét qua Tứ y pháp, thì biết sự phân phối kinh tế trong Tăng đoàn lúc bấy giờ, căn bản lấy sự bình đẳng cùng có lợi, cùng được cùng chia làm nguyên tắc, cái gọi là lợi hòa đồng quân, tức là trong Tăng đoàn không phân biệt trên dưới, cao thấp, mà nhất loạt bình đẳng, chia lợi đồng đều. Về sau, sau khi đức Phật độ cho Da du già đồng tử, người cha của đồng tử bèn thỉnh Phật cúng dường và dâng y, đức Phật nhận lời, lại tiếp nhận sự cúng dường Trúc viên của vua Tần bà sa la, cho phép cư sĩ xây dựng nhà giảng, phòng tăng, dâng ruộng đất và vườn v.v…, bởi thế, sự sinh hoạt của Tăng đoàn lúc đầu đi xin ăn, nay diễn biến thành nhận lời thỉnh mời, nhận sự cúng dường, và từ việc mặc áo phẩn tảo diễn thành sự nhận áo, v.v… Về những qui định sinh hoạt đoàn thể trong Tăng già, trong Kiền độ có nói tường tận, tức sau khi đức Phật nhập Niết bàn, các vị Trưởng lão trong Giáo đoàn đem những nghi thức tác pháp về các việc thụ giới, bố tát, an cư trong Tăng đoàn và các qui định trong sự sinh hoạt hàng ngày mà phân loại, chỉnh lí. Trong đó, có ba thứ nghi thức tương đối trọng yếu là:

1. Tiến cụ tác pháp, là nghi thức qui định xuất gia thụ giới pháp Cụ túc.

2. Bố tát nghi thức, Bố tát là vào những ngày cố định, các tỉ khưu sống chung phải tập họp ở một nơi, hoặc họp tập ở nhà Bố tát (Phạm:uposathàgàra), lễ thỉnh vị tỉ khưu tinh thông luật pháp, tụng niệm toàn bộ Ba la đề mộc xoa (nếu trong hoàn cảnh gặp nạn thì chỉ tụng một bộ phận cũng được), để phản tỉnh hoặc có lỗi thì sám hối trước chúng tăng, khiến các tỉ khưu đều có thể ở trong tịnh giới, nuôi lớn pháp lành, tăng thêm công đức.

3. An cư, ở Ấn độ, hàng năm vào mùa hạ, trời mưa suốt ba tháng, Trong ba tháng ấy, tỉ khưu xuất gia, không được đi ra ngoài mà phải tập trung ở một nơi dốc sức tu hành, gọi là an cư. Sở dĩ như thế, là vì mùa mưa nếu đi ra ngoài sẽ dẫm đạp lên các loại côn trùng, những mầm non của cây cỏ mà bị người đời chê cười, cho nên, trong thời gian an cư, chế định các nghi thức Bố tát, Tự tứ và Ca hi na y v.v…

Ngoài ra, để phòng ngừa những hành vi xấu ác có thể xảy ra trong Tăng đoàn, để duy trì trật tự và sự phát triển của Tăng đoàn khiến Phật pháp trường tồn, mà đức Phật đã chế giới, đặt luật. Về chế độ giới luật trong Tăng đoàn, đã được chép rõ trong tạng Luật, song vì các bộ phái bất đồng nên luật cũng có năm bộ khác nhau, duy tinh thần cơ bản thì không ngoài mười nghĩa, gọi là Kết giới thập nghĩa. Cứ theo Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì nại da quyển 1 chép, thì mười nghĩa ấy là:

  1. Nhiếp thủ trong tăng,
  2. Khiến tăng vui mừng,
  3. Khiến tăng ở vui,
  4. Hàng phục phá giới,
  5. Người biết hổ thẹn được yên,
  6. Không tin thì khiến tin,
  7. Tin rồi thì thêm lớn,
  8. Dứt hữu lậu hiện tại,
  9. Dứt hữu lậu vị lai,
  10. Khiến Phạm hạnh lâu dài.

Lại giới luật tùy theo các đối tượng thụ trì khác nhau mà chia thành: giới tỉ khưu, giới tỉ khưu ni, mười giới sa di, sa di ni, sáu pháp giới thức xoa ma na, giới ưu bà tắc, ưu bà di tại gia (Tam qui, Ngũ giới, Bát quan trai giới), giới Bồ tát v.v… [X. luật Tứ phần Q.1, Q.32, Q.41; luật Ngũ phần Q.1; luật Ma ha tăng kì Q.1; luật Thập tụng Q.39; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ mục đắc ca Q.7, Q.9]. (xt. Bố Tát, An Cư, Phật Giáo Giáo Chế, Giới, Thụ Giới).