ẤN ĐỘ HỌC

Phật Quang Đại Từ Điển

(印度學) (INDOLOGIE) Sự nghiên cứu tổng hợp về văn học, nghệ thuật, lịch sử, triết học, ngôn ngữ, khảo cổ học và tôn giáo v.v… trong nền văn hóa Ấn độ, thì gọi chung là Ấn độ học. Cùng với Hán học cũng là một bộ môn của Đông phương học. Các nước Tây Âu tìm hiểu văn hóa Ấn độ, có thể truy đến thời đại cổ Hi lạp. Về sau, cũng có các nhà truyền giáo, vì mục đích truyền giáo mà phương tiện nghiên cứu văn hóa Ấn độ.

Nhưng, phải đợi đến sau thế kỉ thứ XVIII thì người ta mới nghiên cứu văn hóa Ấn độ với một thái độ khách quan và có hệ thống. Bấy giờ, để củng cố quyền thống trị thực dân địa, người Anh bèn đặt kế hoạch nghiên cứu văn hóa Ấn độ. Từ đó về sau, các nhà triết học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, lịch sử học v.v… của các nước cũng không ngừng theo đuổi việc nghiên cứu Ấn độ học và thành tích cũng khá rõ rệt. Về phương diện nghiên cứu ngôn ngữ học và Phật học, tại các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Ấn độ, Hà lan, Đan mạch, Mỹ và Nhật v.v… đã xuất hiện rất nhiều học giả trứ danh về tiếng Phạm, tiếngPāli, và phát triển thành một môn ngôn ngữ học tỉ giảo đặc thù, và nhờ đó lại tiến đến nghiên cứu Phật giáo. Cuối thế kỉ XVIII, các học giả nước Anh, như Hà cát lâm (B.H. Hodgson), Chung sĩ (Jones, William), Kha nhĩ bá lỗ khắc (Colebrooke, Henry Thomas) v.v… đầu tiên phiên dịch nguyên điển tiếng Phạm ra tiếng Anh và xuất bản. Hà cát lâm sưu tập rất nhiều kinh điển Phật bằng tiếng Phạm, đồng thời, nghiên cứu, phiên dịch, đưa đến việc nghiên cứu Phật giáo thịnh hành tại các nước Tây Âu.

Chung sĩ sáng lập hiệp hội Á tế á tại Gia nhĩ các đáp (Calcutta), đồng thời, năm 1878, trong khi diễn giảng, đã nêu ra nhiều chỗ giống nhau giữa tiếng Phạm, tiếng Hi lạp và tiếng Lạp đinh (Latin), do đó, tạo thành phong trào nghiên cứu tiếng Phạm tại các nước Anh, Pháp, Đức và các nước khác ở Âu châu. Kha nhĩ bá lỗ khắc cũng trứ tác Luận trường (Miscellaneous Essays) ba quyển. Đại vệ tư (Rhys Davids) thành lập Hiệp hội Thánh điểnPāli tại Luân đôn, ấn hành ba tạngPāli bằng chữ La mã và xuất bản từ điểnPāli -Anh. Ngoài ra, cũng phiên dịch ba tạngPāli ra các tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga để ấn hành. Giáo sư Đại học Bách lâm (Berlin) người Đức là Vi-bá (Weber, Albrecht Friedrich) biên tập Ấn độ nghiên cứu (Indische Studien) mười tám quyển, là tiên khu trong việc nghiên cứu Kì na giáo.

Cách lạp tư nạp phổ (Helmuth von Glasenapp) và Tô bá lâm (Walther Schubring) kế tục mở rộng sự nghiên cứu. Nhà học giả người Đức quốc tịch Anh là Mục lặc (Muller, Friedrich Max) chú thích nguyên điển Lê câu phệ đà, đã khai sáng ra môn tôn giáo tỉ giảo học; đồng thời, trông nom việc biên dịch các Thánh điển Đông phương (Sacred Books of the East) gồm năm mươi mốt quyển. Nhà học giả nghiên cứu Phật học trứ danh là Áo đăng bách cách (Oldenberg Hermann), chỉnh lí và xuất bản một lượng lớn kinh điểnPāli, rồi cùng với Hách liệt bá nam đặc (Hillenbrandt, Alfred) đẩy mạnh việc nghiên cứu Phệ đà. Nhà ngữ học người Pháp là Bá-nặc-phu (Burnouf, Eugène) đã có những cống hiến rất lớn cho việc nghiên cứu nguyên điển Phật giáo bằng tiếng Phạm, ông đã viết Ấn độ Phật giáo sử tự thuyết (Introduction à l’histoire du Buddlisme Indien), và cộng tác với học giả người Đức là Lạp lâm (Lassen, Christian) cùng viết Pāli ngữ luận (Essai sur lePāli); ngoài ra, ông còn cộng tác với Bá đặc ninh cách (Bohtlingk, Otto Von) hoàn thành bộ đại từ điển tiếng Phạm. Nhà học giả Phật giáo là Tư nạp nhĩ (Senart, Émile Charles Marie) tinh thông tiếng Phạm, tiếngPāli, đã hiệu đính và xuất bản Đại sự (Mahàvastu) ba quyển, trứ tác Phật-đà truyện luận (Essai sur la légende bu Buddha), và các luận văn khác, đồng thời, ông đã giúp công rất nhiều vào việc nghiên cứu những văn bia của vua A dục. Lai duy (Lévi, Sylvain) dốc sức nghiên cứu kinh sách Phật qua các bản dịch chữ Hán, chữ Tây tạng, rồi so sánh đối chiếu với nguyên điển tiếng Phạm, lại cùng với Cao nam thuận thứ-lang người Nhật, xem xét sửa chữa bộ từ điển Phật giáo Pháp bảo nghĩa lâm (Hobogirin), ông còn có nhiều tác phẩm nữa. Đồ cát (Guiseppe Tucci) viết Ấn độ và Tây tạng (Indo – Tibetica IV) là tác phẩm trọng yếu trong việc nghiên cứu tranh tượng vẽ của Đại thừa. Nhà học giả Phật giáo người Nga là Tư triệt ba tư cơ (Theodor Stcherbatsky) tinh thông tiếng Phạm, tiếng Tây tạng và hơn mười thứ ngôn ngữ Âu châu, đặc biệt tinh thông Nhân minh Phật giáo, có viết Khái niệm về Niết bàn Phật giáo (The Conception of Buddhist Nirvana), Phật giáo luận lí (Buddhist Logic) v.v…

Ngoài ra, sự nghiên cứu Phật giáo Ấn độ không chỉ giới hạn ở ngôn ngữ Ấn độ, mà gồm cả kinh điển Phật trong các bản Hán dịch và Tạng dịch nữa. Nhà học giả Ấn độ là Cần đức lạp đạt tư (Sarat Chandra Das) có soạn bộ từ điển Tạng – Anh (A Tibetan – English Dictionary). Ngoài ra, còn có Bađạtlạp (R.G. Bhandarkar), Tát tư đạt lập (HaraprasàdaSàstrì) cũng tinh thông Ấn độ học. Tại Hà lan, có học giả Phật giáo tiếng Phạm là Khắc-ân (Hendrik Kern), Đan mạch có Hào tư bối nhĩ (Michael Viggo Fausbôll), nước Mĩ thì có Tuệ đặc ni (William Collins Whitney), Hoắc kim tư (Edward Washburn Hopkins). Phía Nhật bản thì có Nam điều văn-hùng soạn Đại minh tam tạng thánh giáo mục lục, Cao nam thuận thứ lang viết Phật giáo triết học tinh nghĩa (The Essentials of Buddhist Philosophy). Ngoài ra, còn có Cung bản chính tôn, Vũ tỉnh bá thọ, Trung thôn nguyên v.v… đều hết sức đẩy mạnh việc nghiên cứu Ấn độ học và Phật học. Vào cuối thế kỉ XIX, các học giả Nga, Anh, Pháp, Đức, Thụy điển và Nhật bản v.v… ùn ùn đi trước trong việc thám hiểm miền trung Á tế á, đã khai thác những lãnh vực mới của Ấn độ học. Như Áo đăng bảo (Ol’denburg) người Nga, Sử thản nhân (M. A. Stein), Lỗ đạo phu hoắc nặc nhĩ (Rudolf Hoernle) người Anh, Cát luân duy đức (Albert Grunwede), Lục khố khắc (Von Le Coq) người Đức, Bá hi hòa (Paul Pelliot) người Pháp, Đại cốc quang thụy người Nhật, Hách định (Sven Hedin) người Thụy điển v.v… đều đã sưu tập một lượng lớn những nguyên điển hoặc bản sao của kinh sách Phật viết bằng các thứ tiếng Phạm, Vu điền (Khotanese), Duy ngô nhi (Uigur), Tây tạng và Hán v.v…

Hiện nay, phần lớn các bản sao đã được thu góp để bảo tồn tại các thư viện và bác vật quán của các nước. Nhà học giả người Đức là Âu phúc thụy (Theodor Aufrecht) đã căn cứ vào các bản sao tiếng Phạm thu góp tại các nơi mà soạn Phạm ngữ sao bản văn hiến mục lục (Catalogue of Sanskrit Manuscripts). Về mặt nghiên cứu triết học Ấn độ, thì học giả Ấn độ học là Đỗ ý thánh (Deussen, Paul) có trứ tác Ấn độ triết học khái luận (Outline of Indian Philosophy). Học giả người Đức là Kha nhĩ tỉ(Richard Von Garbe) đi khá sâu vào việc nghiên cứu Phệ đà, sáu phái triết học chính thống của Ấn độ, Phật giáo, và có các tác phẩm Triết học số luận (DieSàkhya Philosophie), Số luận và Du-dà (Sàkhya und Yoga) v.v… Về mặt văn học Ấn độ thì có Tân phi (Theodor Benfey) và Hạ đặc (Johannes Herte) nổi tiếng. Học giả người Áo địa lợi là Ôn đặc nhĩ ni tư (Moriz Winternitz, có viết Ấn độ văn học sử (History of India Literature), là tư liệu nghiên cứu trọng yếu. Về mặt lịch sử Ấn độ, thì Lôi phổ sân (Edward James Rappson) biên soạn Kiếm kiều Ấn độ sử (History of Cambridge India) sáu quyển. Uy khắc nã cách (Wilhelme Wackernagel), Bá-lặc (Georg Buhler), cùng chung xuất bản Grundriss Indo- Arischen Philologie und Altertumskunde ba mươi tám quyển, đều là những tác phẩm trọng yếu. Còn về phương diện Bi minh học, Mĩ thuật, Khảo cổ học Ấn độ thì có các học giả Phổ lâm tây phổ (James Prinsep), Cáp khâm (J. Hackin), Mã hứa nhĩ (John Marshall) v.v… được nổi tiếng. Về phương diện tùng thư của Ấn độ học trước nay, có Ấn độ văn khố (Bibliotheca Indica), Phật giáo văn khố (Bibliotheca – Buddhica) và Trivandrum Sanskrit Series, Chowkhambà Skt. S., Bombay Skt. and Prakrit S., Gaekward’s Oriental S., Anandasra Skt. Series, Harvard Oriental Series, Oriental Translation Fund, Mànikacandra Digambara Jaina Granthamàlà, Sanàtana – Jaina – Granthamàlà.v.v… Sự nghiên cứu về Ấn độ tuy đã trải qua thời gian một thế kỉ và đã có thành quả vượt trội, nhưng vẫn còn có nhiều chỗ chưa được khai thác. Lại trong Ấn độ học, sau thế chiến hai, trung tâm nghiên cứu Phật học, đã dần dần di chuyển từ Âu châu sang các nước Ấn độ, Tích lan, Nhật bản và thành tích cũng sáng sủa. Như Đại học Vishwa – Bhàràti ở Thánh ni khẳng đăng (Sàntinikétan) do Thái qua nhĩ (Tagore) thành lập tại Ấn độ, thường gọi là Đại học Quốc tế, sau đổi là Đại học Quốc lập, có môn Phạm Hán đối chiếu nghiên cứu.

Đại học quốc lập Đức lí (Delhi) thì thiết lập hệ Phật học. Chính phủ tỉnh Tỉ cáp (Bihar) xây dựng viện Phật họcPāli, đồng thời, đào tìm các di tích Phật giáo, như Ấn độ khảo cổ cục ở tỉnh Án đà la (Andhra) đã đào thấy thành Long-thụ (Phạm: Nagarjunakonda). Hệ Cổ sử tại Đại học A lạp cáp ba, đã tìm đào được di chỉ Kiều thướng di (Kausàmbi). Tích lan cũng cố sức trùng hưng Phật giáo. Năm 1891, Đạt ma ba la (Phạm: Dharmapàlà) sáng lập hội Ma ha bồ đề (Maha – Bodhi Society), và mở chi hội tại các nơi trên thế giới. Viện trưởng viện Đại học Văn học của Tích lan là Ma lạp lạp tư lai già (G. P. Malalasekera) lãnh việc chủ biên và in lại Kinh tạngPāli. Từ một trăm năm trở lại đây, Nhật bản cũng đứng vào hàng các nước trùng hưng Phật giáo quốc tế. Ngoài hơn hai mươi đại học Phật giáo chuyên môn, như các Đại học Lập chính, Câu trạch, Đại cốc, Phật giáo, Long cốc v.v… ra, các Đại học công, tư lập khác cũng có dạy môn Phật học, như Đại học Kinh đô có khoa nghiên cứu tôn giáo, Đại học Đông kinh, có khoa triết học Ấn độ, cũng từ truyền thống Phật học mà dần dần mở rộng đến các khoa môn khác của Ấn độ học. Rồi đến các nước Miến điện, Thái lan, Cao miên và Việt nam, cũng tận lực phát huy Phật học và Ấn độ học nói chung.