ẤN ĐỘ CỔ VĂN MINH

Phật Quang Đại Từ Điển

(印度古文明) Chỉ nền văn minh phát sinh tại lưu vực sông Ấn độ, phía tây bắc Ấn, khoảng 3.000 năm trước Tây lịch, và tồn tại được độ năm trăm năm. Qua sự nghiên cứu các di chỉ của hai thành phố cũ Mạc hãn tá đạt la (Mohenjo-daro) và Cáp lạp ba (Harappa, hiện nay thuộc Pakistan), người ta có thể biết nền văn minh ấy thuộc thời đại đồ đồng. Mạc hãn tá đạt la nằm ở tỉnh Tín độ, miền hạ du sông Tín độ, diện tích khoảng mười sáu cây số vuông. Di chỉ này chia làm ba bộ phận trên, giữa, dưới, trên có ba tầng (thời kì sau), giữa có ba tầng (thời kì giữa), dưới chỉ có một tầng (thời kì đầu), tất cả bảy tầng, từ bảy tầng này, có thể ước định tầng trên và tầng dưới cách nhau độ năm trăm năm. Cách di chỉ này về hướng đông bắc khoảng sáu trăm năm mươi cây số là cổ thành Cáp lạp ba, qua những vật đào được ở đây, người ta biết thành này cũng một thời đại với Mạc hãn tá đạt la, là di tích văn hóa do cùng một dân tộc sáng lập, và so với Mạc hãn tá đạt la, đô thị này có quy mô rộng lớn hơn. Đường sá tại hai nơi này đều có trật tự rành mạch, có điều lí hẳn hoi, mang hình thái những đô thị có kế hoạch, là những kiến trúc đặc thù trong lịch sử kiến trúc của thế giới.

Ngoài nhà ở ra, có các kiến thiết công cộng như nhà tắm, chợ, kho tàng v.v… đều đầy đủ; thực phẩm chính của thị dân là mì và gạo. Qua các tượng nữ thần được đắp nặn còn sót lại, người ta biết được là tín ngưỡng sùng bái ngẫu tượng thần mẹ của vùng Tây á, Trung á đang thịnh hành ở thời bấy giờ. Ngoài ra cũng có phong tục sùng bái cây cối, động vật và các hiện tượng thiên nhiên. Lại tuy có đào được các di tích mồ mả, nhưng không rõ được phép tắc và nghi thức chôn cất người chết như thế nào. Hình thái chính trị và kiểu cách cung vua cũng không được rõ.Ngoài ra, trong lưu vực sông Ấn độ, người ta còn phát hiện được những di tích thuộc nền văn hóa cổ đại, trong đó có các đồ dùng ở cả hai thời kì đồ đồng và đồ đá, tại các nơi như Chiên phù đạt la (Chanhudaro), A mẫu lợi (Amri) và Tập phu táp (Jhukar) v.v…, những di tích này cũng giống như những di tích thuộc nền văn minh thái cổ ở Mĩ tốt bất đạt mễ á (Mesopotamia) và ở Ai cập. Đứng về phương diện tính độc lập văn hóa của dân tộc Ấn độ mà nói, thì tuy không thể bảo văn hóa Ấn độ đã bắt chước văn hóa Mesopotamia, nhưng qua các di tích văn hóa còn sót lại, người ta có thể suy định rằng giữa Ấn độ và các nước văn minh phương Tây đã có quan hệ mậu dịch. Văn minh cổ Ấn độ tất nhiên đã chẳng phải do người Nhã lợi an sáng lập, nhưng, giữa nền văn minh Phệ đà tương đối có sớm với những người thuộc dân tộc Đạt la tì đồ (Draidians) vốn đã định cư tại Ấn độ từ trước khi người Nhã lợi an đến, có liên quan gì không, thì điều đó người ta cũng không thể biết được; mà qua sự nghiên cứu và giám định các di hài, cũng khó mà biết được một cách chính xác.

Qua các vật được phát hiện, người ta chỉ biết rằng, tôn giáo ở đời sau, không thuộc hệ Nhã lợi an, thì đã từng chịu ảnh hưởng của dân tộc Đạt la tì đồ mà thôi. Đến như văn tự của họ còn sót lại, người hiện đại cũng không có cách nào đọc và hiểu được hoàn toàn. Hai thành thị Mạc hãn tá đạt la và Cáp lạp ba đã bị phá hủy bởi nạn lụt hoặc do người Nhã lợi an hủy diệt. Giả thuyết sau được các học giả gần đây đồng ý nhiều hơn. Lịch sử nhân loại phát triển nhanh chóng trong một thời gian ngắn, khiến người ta chóa mắt; cũng có khi chỉ trong nháy mắt đã tan biến, khiến người ta than thở! Phàm những hiện tượng như thế, đều có thể được coi là lịch sử văn minh chung của nhân loại, như những Kim tự tháp, đã khiến người ta nuối tiếc vô hạn. [X. Sir John Marshah: Mohenjo-daro the Indus Civilization, 3 vols., 1931; E. Mackay: The Indus Civilization, 1935; Wheeler: The Indus Civilization, 1959].