AN ĐÀ HỘI

Phật Quang Đại Từ Điển

(安陀會) Phạm:Antarvàsa, Pāli: Antarvàsaka. Là một trong ba áo. Còn gọi là An-đát-bà-sa, An-đa-bà-sa, An-đà-la-bạt-tát, An-đa-hội, An-đà-y, An-đa-vệ. Dịch ý là áo trong, áo lót, áo mặc làm việc, áo mặc khi ngủ. Áo này được may thành bởi năm nẹp vải, vì thế còn gọi là áo năm nẹp. Áo này mặc sát vào mình, nên còn gọi là áo dưới, thông thường mặc khi làm việc, khi ngủ, là áo nhỏ nhất trong ba áo. Phép may áo này là một nẹp vải dài một nẹp vải ngắn (nhất trường nhất đoản) khâu vào làm một, tất cả có năm nẹp, dùng vải gai thô hoại sắc để may. Về kích thước của áo An-đà-hội, các kinh luận nói khác nhau; cứ theo Hữu Bộ Bách Nhất Yết Ma quyển 10, thì có hai loại: 1. Dọc hai khuỷu tay, ngang năm khuỷu tay,2. Dọc hai khuỷu tay, ngang bốn khuỷu tay. Áo này còn gọi là áo giữ gìn, kích thước nhỏ nhất cũng phải che được ba chỗ, tức phần trên che bụng và rốn, dưới che hai đầu gối. Vũ Tắc Thiên đời Đường, muốn các vị tăng trong Thiền lâm, khi đi đường hoặc làm việc được tiện lợi, đem thu nhỏ áo này lại rồi dâng cúng các Thiền tăng, từ đó áo này được mặc trên áo pháp, gọi là lạc tử, quải lạc. [X. luật Thập Tụng Q.5; Hữu Bộ tì-nại-da Q.17; luật Tứ Phần Q.40; Đại Thừa Nghĩa Chương Q.15; Huyền ứng Âm Nghĩa Q.14; Tuệ Lâm Âm Nghĩa Q.59; Thích Thị Yếu Lãm Q.thượng; Phiên dịch Danh Nghĩa Tập Q.7] (xt. Tam Y, Quải Lạc).