AN CA NGHỆ THUẬT

Phật Quang Đại Từ Điển

(安哥藝術) Ăng-co (An-ca), còn gọi là Ngô Ca. Nằm ở miền bắc nước Cao Miên, cách Thị trấn Tiên-lạp (Siemreap) năm cây số về mạn Bắc, là đô thành của Vương triều Ăng-co từ năm 802 đến năm 1432 Tây lịch, xây cất đã trải mấy trăm năm, gồm hơn sáu trăm tòa kiến trúc, toàn bằng đá vĩ đại và những hình chạm nổi trên đá rất là tinh xảo, đời sau đặc biệt gọi là nghệ thuật Ăng-co. Thế kỉ XV, người Thái công hãm Ăng-co, thả cửa cướp bóc phá phách, Vương triều bèn dời đô về Bách Nang Bôn (Phnom-penh) ở phía Nam, Ăng-co bị bỏ hoang và những kiến trúc to lớn tráng lệ dần dần đã bị rừng rậm nhiệt đới xâm lấn. Đến thế kỉ XIX, nhờ bản dịch của cuốn sách Chân Lạp Phong Thổ Kí được công bố, và nhờ sự tìm tòi khảo sát của hai nhà học giả người Pháp là Hanh Lợi Mạc Hợp (Henri Mouhot) và Bá Hi Hòa (Pelliot) cổ tích Ăng-co mới tái hiện ở đời. Quần thể kiến trúc Ăng-co gồm hơn sáu trăm tòa, trừ bộ phận đã thành những cái gò hoang phế ra, còn phần lớn đều được bảo tồn hoàn hảo, tiêu biểu là các tòa La Lô Áo Tư (Roluos), cung điện Ba Khẳng (Bakheng), đền thần Ban Đài Tư Lợi (Banteay Seri), Phi Mễ A Nạp Tạp (Phimeanakas, hàm ý là cung điện trong hư không), đền Ba Phổ Ngang (Baphuon), chùa Ăng-co (Angkor Wat hoặc Angkor-Vat), thành Ăng-co (Angkor Thom), chùa Ba Nhung (Bayon), chùa Tháp Phổ Long (Ta Prohm), chùa Phổ Lạp Khảm (Prah Khan), chùa Na Già Ban (Neak Pean, còn gọi là chùa Phan Long), trong đó, thành Ăng-co và chùa Ăng-co là những kiến trúc tráng lệ và tinh xảo nhất, khiến người xem phải ngây ngất, choáng ngợp.

Chùa Ăng-co, còn gọi là Tiểu Ăng-co, thông thường người ta quen gọi là Hang Ăng-co (hang Ngô Ca), là kiến trúc lớn nhất trong quần thể Ăng-co, nằm về mặt Nam thành Ăng-co, được xây cất vào thời vua Tô Lợi Gia Bạt Ma đệ nhị (Suryavarman II, 1113 – 1150), bốn chung quanh có hào nước bao bọc, dài năm cây số sáu. Toàn bộ kiến trúc đều là những khối đá chồng xếp lên nhau mà thành. Chính giữa là một tòa đài cao ba tầng, diện tích nền đài rộng hơn bốn vạn mét vuông, trên nhà có năm tòa tháp nhọn nối liền thành một tổ, làm thành bốn hình vuông, tòa cao nhất là sáu mươi lăm mét, thềm đài ba tầng đều xếp đá và có hành lang đi xung quanh, trên vách hành lang đầy các bức chạm nổi, mỗi lối hành lang dài hơn hai trăm mét. Cửa tây là cửa chính, trước cửa có cầu đá lớn, hai bên chạm rồng chín đầu bằng đá làm lan can.

Phía ngoài nền chùa có hai lớp tường đá bao bọc, cửa lầu phối trí tráng lệ. Qui mô toàn ngôi chùa cấu tạo rất là to lớn, tỉ lệ cân xứng, tỉ mỉ trang nghiêm, chùa tháp, nóc nhà, hành lang, cửa sổ, tường vách, cột điện, thềm đá, bất luận chỗ nào, đều được chạm trổ một cách khéo léo, trang sức đẹp đẽ, Nóc hành lang của chùa Ăng-co đã đạt đến cực điểm của nghệ thuật kiến trúc. Chủ đề chạm trổ thì có hai Sử thi lớn của Ấn độ là Mahabàlada và Lamadana, tranh vẽ địa ngục biến tướng, tranh vẽ Tì Thấp Nô và ác ma hoặc Thiên thần giao chiến, cùng với các đề tài sinh hoạt của nhà vua và nhân dân thời bấy giờ, nhân vật rất sinh động, hình tượng cực chân thật, trên dưới phối trí đẹp đẽ tuyệt vời. Chùa này nguyên là điện thờ thần Tì Thấp Nô, sau trở thành lăng tẩm của vua Tô Lợi Da Bạt Ma đệ nhị. Năm 1970, Cộng sản Cao Miên chiếm cứ, chùa Ăng-co bèn bị lửa chiến tranh phá hoại.

Thành Ăng-co, còn gọi là Đại Ăng-co, do vua Xà Da Bạt Ma đời thứ 7 (Jayavarman VII, 1181 – 1219) xây dựng để kỉ niệm chiến thắng nước Chiêm Thành, bốn chung quanh dài đến mười hai cây số, tường vây bằng đá đỏ, cao bảy mét, hào ngoài rộng một trăm mét, trên hào có cây cầu đá to lớn, hai bên đều chạm một con rắn chín đầu cực lớn, mỗi con rắn có năm mươi tư người bằng đá to khỏe nắm bắt kéo lại, trông cực kì đẹp mắt. Có năm tòa cửa thành, cửa cao hai mươi mét, ở trên cửa có ba tòa tháp đều bằng đá, bốn mặt tháp đều chạm trổ hình tượng bồ tát Quán Thế Âm với vẻ mặt hiền từ. Hai bên cửa thành, đặt một tổ ba con voi bằng đá to cao, chính giữa thành tức là chùa Ba Nhung được tạo thành bởi năm mươi tòa tháp đá. (xt. Ngô Ca, Phù Nam Quốc).