ÁM LÂM

Phật Quang Đại Từ Điển

(闇林) Phạm, Pāli: Andha-vana. Khu rừng gần tinh xá Kì Viên ở nước Xá Vệ, trung Ấn Độ đời xưa. Cũng gọi An đà lâm, An hòa lâm, Đắc nhãn lâm, Khai nhãn lâm, Trú an viên. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 6 chép, thì trong rừng này có dấu chân của Đức Như Lai đi dạo, chỗ các bậc Thánh Tăng tu Thiền định và giải thích lí do tại sao khu rừng này được gọi là Đắc Nhãn Lâm (rừng được mắt). Chuyện kể: khi Đức Phật còn tại thế, có năm trăm tên cướp bị vua Thắng quân bắt, vua ra lệnh móc hai mắt rồi bỏ chúng vào rừng sâu. Bấy giờ, Đức Phật đang ở tịnh xá Thệ Đa, nghe tiếng kêu thương của bọn cướp, Ngài khởi từ tâm làm cho cơn gió mát dịu thoảng qua, đưa thuốc từ núi Tuyết đến phủ đầy mắt họ, chưa bao lâu bọn cướp đều được sáng mắt trở lại. Họ đến trước Phật vui mừng đính lễ, ném gậy rồi đi, những cây gậy ấy sau mọc thành rừng. [X. kinh Tạp A Hàm Q.45; Trung A Hàm Q.2 kinh Thất Nhật; luật Thập Tụng Q.6; luận Đại Tì Bà Sa Q.82; Cao Tăng Pháp Hiển truyện].