ÁI THẦN

Phật Quang Đại Từ Điển

(愛神) Phạm: Kàma. Thần coi việc tình ái. Do từ Cama (kàma, ái dục) trong Lê Câu Phệ Đà mà diễn hóa thành tên thần. Cứ theo Đế Đề Lị Gia Phạm Thư chép, thì Ái thần là con của Đạt Ma (Phạm: Dharma) và Xá La Đà (Phạm:Zradhà). Còn Ha Lị Thế Hệ thì ghi là con của Cát Tường Thiên Nữ; cũng có thuyết cho là con của Phạm Thiên. Hình tượng thần này, tay cầm tên làm bằng hoa và cung làm bằng cây lúa, lưng đeo ống đựng cung tên, cưỡi chim anh vũ, được miêu tả giống như Khâu Tỉ đặc trong thần thoại Tây phương. Vào thời đại Lê Câu Phệ Đà, nguyên động lực sáng tạo vũ trụ được người ta ca tụng, do đó đã xuất hiện những bài ca tán, sau đó thì chuyển thành sự suy tư về nguyên lí triết học tính ái và sức sinh sản. Đến sau thời Tự Sự Thi xuất hiện, Ái thần được thông tục hóa mà trở thành đối tượng trong văn học cổ điển Ấn Độ được đại chúng tôn sùng và ca tụng hết mức, đồng thời, văn nghệ Ấn Độ nhân đó mà phong phú, có tính cách thần bí và chú trọng việc miêu tả các quan năng. Có rất nhiều truyền thuyết về tên gọi khác và các truyện phụ về ái thần.