ÁI KIẾN ĐẠI BI

Phật Quang Đại Từ Điển

(愛見大悲) Chỉ tâm đại bi chưa lìa ái kiến. Tức chưa chứng được lí thực tướng, còn nhận có hai tướng năng ái, sở ái mà khởi tâm đại bi. Trong Chú Duy Ma Cật Kinh quyển 5, có nêu lên sự giải thích của các nhà, ngài Cưu Ma La Thập Bảo (Đại 38, 378 thượng): Chưa thâm nhập được thực tướng, thấy có chúng sinh, tâm sinh ái trước, do đó sinh thương, gọi là ái kiến đại bi. Ái kiến đại bi hư vọng bất tịnh, hay khiến người ta sinh tưởng chán nản, vì thế nên xa lìa. Sư Tăng Triệu cũng nói (Đại 38, 378 thượng): Nếu người biết tự điều trị, thì trước quán bệnh của mình và bệnh của chúng sinh, cái nhân duyên thành bệnh là giả dối không thực, nên dùng tâm ấy mà sinh bi; nếu người quán chưa thuần, thấy chúng sinh vì yêu mà khởi bi, thì là ái kiến bi. Cái bi ấy tuy tốt, nhưng là cảnh ái kiến có tâm lẫn lộn, chưa hẳn khỏi lụy, vì thế nên bỏ. Sư Đạo Sinh thì bảo (Đại 38, 378 trung): Khi quán như trên mà khởi đại bi, nếu trong quán có tâm niệm yêu thương, lại thấy chúng sinh mà muốn cứu giúp, thì là ái kiến đại bi. [X. Duy Ma Kinh Nghĩa Kí Q.3 phần đầu; Duy Ma Kinh Nghĩa Sớ (Cát tạng) Q.4].