ÁI DỤC

Phật Quang Đại Từ Điển

(愛欲) Phạm, Pāli: Kàma. Tức sự tham ái. Đồng nghĩa với ái trước, ái nhiễm, ái chấp. Người Ấn độ cổ đại cho là đời người có ba mục đích lớn, đó là pháp (Phạm: Dharma),lợi (Phạm: Artha), vàái, tức chỉ sự hiểu biết chân lí, tích trữ của cải và hưởng thụ tình ái. Về vấn đề ái dục thì có Ái dục kinh (Phạm: Kàma-sùtra), kinh này được xem là sách chỉ nam về tính ái có tiếng trên thế giới, nhân sĩ thượng lưu cũng nhờ sách chỉ nam này mà có được sự chỉ dẫn về sinh hoạt tính ái.

Giáo đoàn Phật giáo nguyên thủy lấy tăng lữ (tỉ khưu) làm chủ yếu, mà tính dục là một loại bản năng của con người chỉ đứng sau thực dục, vì vậy, trong giáo đoàn phải chế định những giới luật nghiêm khắc, lấy việc siêu thoát ái dục làm đức mục tu hành trọng yếu của tăng lữ. Đến thời kì Phật giáo Đại thừa hưng khởi, vì có tín chúng tại gia tham dự giáo đoàn, thành ra việc cấm chỉ ái dục là việc không làm được, mà đối với tín chúng tại gia chỉ có thể phương tiện hạn chế thôi. Cái gọi là phiền não tức bồ đề, là nhờ ái dục hoặc các bản năng khác hay khiến cho tâm trí con người lay động, trong hoàn cảnh thường xuyên bị quấy nhiễu như thế, mà vẫn tiến tu để chứng ngộ cảnh giới liễu sinh thoát tử.