ÁC THÚ

Phật Quang Đại Từ Điển

(惡趣) Phạm: Durgati, Pāli: Duggati. Cũng gọi là Ác đạo. Đối lại với Thiện thú. Thú, có nghĩa đi tới. Tức do ác nghiệp dắt dẫn mà đi tới chỗ phải đến. Cứ theo luận Câu Xá quyển 8 chép, thì thể của năm thú là vô phú vô kí, lại năm thú nhiếp vào số hữu tình; nghĩa là do nghiệp thiện ác chiêu cảm quả thể dị thục vô kí, gọi là thú, vì thế, Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trương Thú chẳng thông với thiện, nhiễm và khí thế giới.Thông thường gọi địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh là ba ác thú, cũng gọi là ba đường, ba ngả ác, là những nơi thuần túy vì ác nghiệp mà phải đi tới; trong đó, y theo tức giận đi đến địa ngục, y theo tham muốn đi đến ngạ quỉ, y theo ngu si đi đến súc sinh. Đối lại với ba ác thú, ba cõi A-tu-la, người, Trời gọi là ba thiện thú, là những nơi mà những người làm nghiệp thiện đi đến. Ba ác thú, nếu thêm A-tu-la thì là bốn ác thú. Ba ác thú, nếu thêm người, trời thì là năm ác thú, cũng gọi là năm ác đạo, năm thú; trong đó, A-tu-la bao quát ba nơi là ngã quỉ, súc sinh và trời, hoặc nhiếp cả địa ngục.

Năm ác thú lại thêm A-tu-la thì gọi là sáu đạo, cũng gọi là sáu ngả. Loài người cũng có thể sinh diệt vòng quanh trong sáu ngả. Sáu ngả này, nếu đem thí dụ cuộc sống hiện thực của con người, thì nóng giận tức là địa ngục, tham muốn tức là ngạ quỉ, ngu si tức là súc sinh, đấu tranh tức là A-tu-la, còn vui sướng thì có thể phân biệt là người và trời. Cái nguyện vọng lớn nhất trong một đời của người Ấn Độ xưa, là không muốn phải sinh lại vào cõi người, vì thế, coi nhân đạo và thiên đạo đều là ác thú. Nhưng, nghĩa ác thú này, sau khi du nhập Phật giáo, thì ác thú chuyên chỉ cho ba đạo địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, còn trời, người là hai thiện đạo. Ngoài ra, trong bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, nguyện thứ nhất là nguyện không có ba ác thú, nguyện thứ hai là nguyện không trở lại ác thú lần nữa, hai nguyện này đều là nguyện đại bi, nhổ hết gốc khổ. [X. kinh Vô Lượng Thọ Q.hạ; luận A Tì Đạt Ma Pháp Uẩn Túc Q.9; luận Đại Tì Bà Sa Q.172; luận Câu Xá Quang Kí Q.8; luận Câu Xá Bảo Sớ Q.8; Huyền ứng Âm Nghĩa Q.4; Tuệ Lâm Âm Nghĩa Q.48; Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập Q.thượng].