ÁC TÁC

Phật Quang Đại Từ Điển

(惡作) I. Ác tác. Phạm: Kaukftya. Là một trong các tâm sở (tác dụng phụ thuộc tâm). Đồng nghĩa với hối. Là một trong bảy mươi lăm pháp do Thuyết nhất thiết hữu bộ lập ra, thuộc Bất định địa pháp, cũng là một trong bốn Bất định của tông Pháp tướng. Ác, tức chán ghét; tác, tức việc được làm. Nghĩa là chán ghét cái việc đã được thực hiện, tâm hối tiếc sau khi việc ác đã được làm. Luận Câu Xá quyển 4, đối với từ ác tác, có nêu ra ba cách giải thích. Một là, việc duyên với ác được thực hiện mà hối tiếc, gọi là Ác tác, tức đứng về mặt hối tiếc năng duyên mà đặt tên cảnh sở duyên. Hai là, sự hối tiếc lấy ác tác làm chỗ nương tựa mà sinh, cho nên đứng về mặt hối tiếc năng y mà đặt tên sở y. Ba là, sự hối tiếc là quả của sự làm ác, cho nên đứng về mặt quả hối tiếc mà đặt tên nhân.

Trong ba cách giải thích trên đây, chữ ác của ác tác, đều được đọc là Ố, nghĩa của nó đều là hối tiếc việc đã làm. Nhưng, tính của ác tác không phải chỉ là bất thiện, mà bất luận thiện hay bất thiện, phàm việc đã được thực hiện một cách không hợp tình hợp lí, thì đều gọi là ác tác. Lại luận Đại Tì Bà Sa quyển 37, có nêu lên bốn câu ác tác: 1. Hối tiếc ác nghiệp đã làm, 2. Hối tiếc thiện nghiệp đã làm, 3. Hối tiếc thiện nghiệp đã làm chưa đủ, 4. Hối tiếc ác nghiệp đã làm chưa đủ. Bốn câu trên là nói về nghiệp đã làm. Luận Câu Xá quyển 4 thì đối với việc chưa làm mà hối tiếc cũng gọi là ác tác, chẳng hạn như hối tiếc

Tại sao mình lại không làm việc ấy cũng là ác tác. Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ cho rằng, hối tiếc đã không làm nghiệp thiện là thiện ác tác, hối tiếc đã không làm nghiệp bất thiện là bất thiện ác tác, chủ trương ác tác chỉ hạn ở thiện và bất thiện, chứ không thông vô kí. Nhưng, cứ theo luận Câu Xá quyển 4 chép, thì trong các nhà thuộc các bộ khác, cũng có người nói ác tác thông cả vô kí. Thành Duy Thức Luận Thuật Kí quyển 7 phần đầu, cũng cho ác tác thông cả ba tính thiện, bất thiện và vô kí. Lại các nhà Duy thức gọi ác tác là hối và giải thích nó cũng khác với luận Câu Xá. Luận Thành Duy Thức quyển 7, thuyết minh hối tức là hiềm ghét cái nghiệp được làm, lấy hối tiếc làm tính, chướng ngại xa ma tha làm nghiệp, vả lại, ác tác là đứng trên phương diện quả mà giả lập tên nhân, còn hối thì ngay từ đương thể của nó mà đặt tên nó. Ngoài ra, cứ theo ý của Thành Duy Thức Luận Thuật Kí quyển 7, thì ác của ác tác đọc là ố, là ý hiềm ghét. [X. luận A Tì Đạt Ma Thuận Chính Lí Q.11; luận Du Già Sư Địa Q.11; luận Hiển Dương Thánh Giáo Q.1; luận Đại Thừa A Tì Đạt Ma Tạp Tập Q.7; Câu Xá Luận Quang Kí Q.4; Bách Pháp Vấn Đáp Sao Q.1]. Ác tác. Tức là Đột cát la (Phạm: Duwkfta) trong giới luật. Chỉ việc làm ác nhỏ nhiệm của thân thể, có khi cũng bao quát cả việc làm ác nhỏ nhiệm của miệng lưỡi. [X. Thiện Kiến Luật Tì Bà Sa Q.9] (xt. Đột Cát La).