ÁC MA

Phật Quang Đại Từ Điển

(惡魔) Phạm: Màra. Dịch âm là Ma-la. Chỉ loại ác thần, ác quỉ hay phá hoại tâm chí cầu đạo, ngăn trở việc thiện và phá hoại thân mệnh của mình và người. Tức cũng gọi chung những người ác, việc ác, thần ác quấy phá người tu hành. Các kinh điển Nam, Bắc truyền, nhất là kinh A Hàm, miêu tả rất tường tận và sinh động các việc ác ma quấy nhiễu thân tâm của đức Phật và các đệ tử. Như kinh Tạp A Hàm quyển 39, đức Phật dùng kệ tụng thuyết minh cảnh giới ma (Đại 2, 290 thượng): Sắc, thụ, tưởng, hành, thức, phi ngã và ngã sở; nếu biết nghĩa chân thực, không đắm những thứ đó. Tâm không đắm trước pháp, vượt thoát sắc trói buộc, biết rõ tất cả chốn, không trú cảnh giới ma.

Ác ma tương ứng (Pāli: Màrasaôyutta) trong kinh Tương Ưng Bộ Nam truyền, cũng có ghi chép tương tự, và căn cứ theo các điều được trình bày trong đó, cũng có thể khảo sát tính cách của ác ma. Có lần, ngài La Đà hỏi đức Phật: Thế nào là ác ma?. Đức Phật trả lời: Sắc (có hình) là ma, thụ (cảm giác) là ma, tưởng (biểu tượng) là ma, hành (sức cấu tưởng của ý chí) là ma, thức (tác dụng phán đoán) là ma. Mà phàm những cái tưởng tượng, thấy, nghe v.v… đều là nguồn gốc của sự chấp trước, cho nên đều có thể được coi là ma. Đức Phật thành đạo chưa được bao lâu, đang ngồi yên lặng tư duy dưới gốc cây bồ đề, lúc ấy ác ma Ba tuần liền đến trước mặt quấy nhiễu, nó nói với đức Phật (Đại 2, 286 hạ): Cù Đàm nếu tự biết, đạo Niết Bàn an ẩn, vui một mình là tốt, tại sao cưỡng hóa người?. Bài kệ tụng này, trong Ác ma tương ưng của Tương Ưng Bộ là: Người đã liễu ngộ đạo bất tử yên ổn, một mình người thực hành là được rồi, tại sao còn giáo hóa cho người khác, độ cho người khác?. Ác ma tương ứng còn chép, một ngày nọ, đức Phật vào làng khất thực không được, mang bát trở về, Ác ma thấy thế bèn nói: Lần sau nếu đi xin, Đại sư chắc chắn sẽ có ăn. Đức Phật ngâm thơ, đáp: Tuy không có ăn, nhưng ta vẫn vui, như trời Quang Âm, nhờ vui mà sống. Có người bảo đây là đức Phật đối với thực dục, biểu hiện hai mặt tâm cảnh. Bài kệ trên đây, kinh Tạp A Hàm quyển 3 (Đại 2, 288 thượng) chép là: Dù cho chẳng được gì, ta yên vui mà sống, như trời Quang Âm kia, thường ăn bằng thú vui. Dù cho chẳng được gì, yên vui mà tự sống; thường ăn bằng niềm vui, không tùy thuộc cái thân.

Ác Ma Tương Ưng lại chép, có lần ác ma nói: Người có con nhờ con mà mừng, người có bò nhờ bò mà mừng, nhân người ta có cái nhờ cậy mới được vui mừng, nếu không có cái nhờ cậy, thì làm sao được vui mừng?. Đức Phật nghe vậy liền nói: Có con vì con mà lo, có bò vì bò mà lo; vì người ta có cái nhờ cậy nên lo, nếu không có cái nhờ cậy thì không lo. Hai quan điểm đối với thân tình và của cải có cái nhờ cậy thì mừng, có cái nhờ cậy thì lo hoàn toàn trái ngược nhau kể ở trên, bao nhiêu học giả giải thích là trong tâm đức Phật đã nảy sinh hai lớp tâm cảnh. Ngoài kinh điển A Hàm ra, trong các kinh luận khác như kinh Phổ Diệu quyển 6 phẩm Hàng Ma, kinh Phật Bản Hạnh Tập quyển 25, kinh Đại Phẩm Bát Nhã quyển 13 phẩm Ma Sự, kinh Đại Phật Đính Thủ Lăng Nghiêm quyển 6, kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển 7 phẩm Vãng Ni Liên Hà, quyển 9 phẩm Hàng Ma; luận Đại Tì Bà Sa quyển 44, quyển 197, luận Đại Trí Độ quyển 56, quyển 58 v.v… đều có chép nhiều về sự tích danh tướng và lời nói của ác ma (hoặc ma Ba Tuần) nhiễu hại đức Phật hoặc những người tu hành, và phá hoại các thiện pháp. (xt. Ba Tuần, Ma).