ÁC KIẾN

Phật Quang Đại Từ Điển

(惡見) I.Ác kiến. Phạm: mithyà-dfwỉi. Còn gọi là Bất chính kiến. Nói tắt là Kiến. Là một trong trăm pháp do tông Pháp tướng lập ra, thuộc một trong sáu phiền não. Chỉ cái thấy biết quanh co xấu ác, cũng tức là cái thấy biết trái với chân lí Phật giáo. Cứ theo luận Thành Duy Thức quyển 6 chép, ác kiến lấy sự hiểu biết nhơ nhuốm làm tính, có khả năng ngăn trở cái thấy biết tốt lành, kẻ có ác kiến chịu nhiều khổ não. Kiến tùy miên (Phạm: Dfwty-anuzaya) trong sáu Tùy miên được nói trong luận Câu Xá, Kiến trược trong năm trược, đều tương đồng với ác kiến. Dựa theo sự sai biệt về hành tướng, Ác kiến được chia làm năm kiến là: Tát ca gia kiến, Biên chấp kiến, Tà kiến, Kiến thủ kiến, Giới cấm thủ kiến, cũng gọi là năm ác kiến; trong chín Kết, ba kiến trước là Kiến kết (Phạm:Dfzỉisaôyojana), hai kiến sau là Thủ kết (Phạm:Paràmarzasaôyojana). [X. luận Câu Xá Q.19; luận Hiển Dương Thánh Giáo Q.1; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.1]. (xt. Ngũ Kiến). II. Ác kiến. Trong tông Tịnh độ, ác kiến, đặc biệt chỉ cho lòng ngờ vực về năng lực của chính mình. Trong Quán Kinh Sớ Tán Thiện Nghĩa, ngài Thiện đạo nêu ra thí dụ hai dòng sông Tham và Sân, bảo rằng, người ác kiến hiểu khác, làm khác, đem sự hiểu biết bậy bạ của mình, làm rối loạn lòng tin của những người nguyện sinh về Tịnh độ phương Tây. Trong Ngu Thốc Sao quyển hạ, ngài Thân Loan của Nhật Bản nói, người ác kiến là chỉ cho người kiêu ngạo, lười biếng, tà kiến, ngờ vực. (xt. Phát Khiển Chiêu Hoán).