ÁC

Phật Quang Đại Từ Điển

(惡) Ác. Phạm, Pāli: Pàpa. Là một trong ba tính. Đối lại với thiện, vô kí, và đồng nghĩa với bất thiện (Phạm:Akuzala, Pāli: Akusala). Tức các pháp bất thiện và các việc làm với ý nghĩ xấu, có khả năng đưa đến quả khổ. Tính chất của nó bao quát sự trái lí, trái phép, tổn hại mình và người, tương ứng với các phiền não tham, sân, làm chướng ngại Thánh đạo. Luận Câu Xá quyển 16 (Đại 29, 84 trung), nói: Vì cái đó có thể dẫn đến quả phi ái (không ưa thích), bị người thông minh ghét bỏ, làm điều đó tức là ác, cho nên gọi là ác hành.Thiện (Pāli: Puĩĩha), tức việc làm thiện đưa đến cảnh giới thiện, trái lại, ác thì phá hoại tất cả phẩm cách nhân luân trật tự, tâm ý và hành vi. Cứ theo Kinh tập (Pāli: Suttanipàta) kệ 407 nói, đức Thế Tôn xuất gia là để tránh xa những ác nghiệp do thân tạo tác, vứt bỏ những ác hành do khẩu tạo tác mà sống cuộc đời thanh tịnh, cho nên, ác nghiệp, ác hành thật có quan hệ mật thiết với đời sống nhân loại.

Ngoài các ác hành do thân, khẩu tạo tác ra, đời sau lại thêm các ác nghiệp do ý thức tạo tác, mà thành mười loại ác nghiệp thân ba, miệng bốn, ý ba. Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương phẩm Mộng Kiến Kim Cổ Sám Hối (Đại 16, 412 trung), nói: Thân ba miệng bốn thứ, ý nghiệp cũng có ba, trói buộc các hữu tình, từ xưa luôn tiếp nối, do ba loại hành ấy, tạo thành mười ác nghiệp. Mười ác nghiệp là giết hại, trộm cướp, gian dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói thêu dệt, tham muốn, giận tức, tà kiến, thường được đề cập song song với năm tội nghịch là: hại mẹ, hại cha, hại A la hán, phá tăng, ác tâm làm cho thân Phật chảy máu. Kinh Vô Lượng Thọ có sớm hơn kinh Kim Quang Minh, cho nên chỉ nói có năm điều ác là giết hại, trộm cướp, gian dâm, nói dối và uống rượu, đây tức là nguồn gốc của năm giới. Phật giáo cho các hành vi phá hoại trật tự nhân luân là ác nghiệp và nói như thế đã lâu lắm rồi, cho nên, đó là tư tưởng nhất quán từ Phật giáo Nguyên thủy cho đến Phật giáo Đại thừa. [X. kinh Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Q.hạ; luận Đại Tì Bà Sa Q.112; luận Câu Xá Q.14, Q.16; Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn Q.thượng; Đại Thừa Nghĩa Chương Q.7]. (xt. Thiện, Bất Thiện).

II. Ác. Chữ (a#) Tất Đàm, hoặc gọi là chấm Niết Bàn. Một trong 12 nguyên âm của mẫu tự Tất Đàm, một trong 50 chữ cái. Là chữ A chuyển biến lần thứ tư trong năm lần chuyển biến, tức thêm hai cái . vào bên cạnh chữ A không chuyển (chữ A gốc). Đại Nhật Kinh Sớ quyển 14 (Đại 39, 724 thượng), nói: Nếu thêm hai cái chấm vào bên cạnh chữ A thì tức là tâm bồ đề đã trừ sạch các chướng mà được Niết Bàn. Theo nghĩa Đông nhân phát tâm của ngài Thiện Vô Úy (637-735), trong năm lần chuyển biến của chữ A phối với năm đức Phật, thì chữ A này tương đương với đức Thích Ca Như Lai ở phương Bắc. Chữ này là chủng tử của Bồ Tát Trừ cái chướng. Đại Nhật Kinh Sớ quyển 10 giải thích chữ này theo hai nghĩa trừ bỏ, hàng phục. Ngoài ra, theo kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm quyển 4, thì chữ này có các nghĩa: diệt mất (Phạm: Astaô-gamana), diệt mất hết, xa lìa v.v… [X. kinh Đại Bát Niết Bàn (bản Bắc) Q.8; kinh Đại Nhật Q.5 phẩm Bố Tự; kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn Q.thượng phẩm Tự Mẫu; Du Già Kim Cương Đính Kinh phẩm Thích Tự Mẫu; Lí Thú Thích Q.thượng; Đại Nhật Kinh Sớ Q.20; Tất Đàm Tạng Q.5, Q.6]. (xt. A Tự Ngũ Chuyển).