A XÀ LÊ

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿闍棃) Phạm:Àcàrya,Pāli: Àcariya, Tây tạng: slob-dpon. Còn gọi là A xá lê, A chỉ lị, A già lị da. Nói tắt là Xà lê. Dịch ý là Quĩ phạm sư, Chính hạnh, Duyệt chúng, Ưng khả hành, Ứng cúng dường, Giáo thụ, Trí hiền, Truyền thụ. Hàm ý là dạy bảo học trò, khiến hành vi được ngay thẳng hợp nghi, mà bản thân mình cũng phải là người thầy khuôn mẫu đối với học trò, vì thế, còn gọi là Đạo sư. Tại Ấn độ cổ xưa, A xà lê vốn là người thầy trong Bà la môn giáo dạy dỗ học trò về các qui củ và lễ nghi tế tự được ghi trong kinh Phệ đà, danh từ này về sau được Phật giáo thu dụng, vả lại, lúc Phật còn tại thế, danh từ này cũng đã được sử dụng một cách phổ biến. Cứ theo luật Ngũ phần quyển 16, luật Tứ phần san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển thượng chép, thì A xà lê có năm loại: 1. Xuất gia a xà lê, khi thụ giới, là thầy trao mười giới, vì thế còn gọi là Thập giới a xà lê.2. Thụ giới a xà lê, khi thụ giới Cụ túc, là thầy Yết ma, vì thế còn gọi là Yết ma a xà lê.3. Giáo thụ a xà lê, là thầy dạy bảo uy nghi, vì thế cũng gọi là Uy nghi a xà lê. 4. Thụ kinh a xà lê, là thầy chỉ dạy ý nghĩa và phép đọc tụng kinh điển. 5. Y chỉ a xà lê, là thầy cùng ở với các tỉ khưu, chỉ bảo các tỉ khưu về bốn uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm; hoặc là thầy mà tỉ-khưu chỉ nương nhờ theo học trong một đêm, cũng có thể gọi là Y chỉ a xà lê. Năm loại a xà lê trên đây, nếu thêm Thế phát a xà lê (a xà lê cạo tóc) vào nữa, thì thành là sáu loại A xà lê. Ở Tây vực còn có một loại nữa gọi là Quân trì (Phạm: Kuịđikà, thủy bình, hiền bình) a xà lê, tức là thầy quán đính (rưới nước lên chỏm đầu). Khi thụ giới Cụ túc, phải có mười vị là tam sư, thất chứng sư. Tam sư là Hòa thượng y chỉ để được giới, Yết ma a xà lê và Giáo thụ a xà lê. Phép thụ giới của Tiểu thừa phải có mặt đủ ba sư; nhưng phép thụ giới của Đại thừa, theo kinh Quán phổ hiền, được hướng vào tượng của đức Thế tôn, các bồ tát Văn thù và Di lặc để thay thế ba sư. Như Đại thừa viên đốn giới, lấy đức Thế tôn làm giới hòa thượng, bồ tát Văn thù làm Yết ma a xà lê và bồ tát Di lặc làm Giáo thụ a xà lê. Ngoài ra, cứ theo luận Đại trí độ quyển 13 chép, thì chúng tại gia muốn xuất gia làm Sa di, Sa di ni, tất phải có giới hòa thượng và a xà lê, và thí dụ các vị là cha mẹ xuất gia. Trong Thiền tông, thụ giới Sa di phải có Giới sư, Tác Phạm xà lê (thầy tụng Phạm bái) và Dẫn thỉnh xà lê (thầy chỉ bảo cách đi, đứng) tham gia. Trong Mật giáo, đối với những người đã thông suốt Mạn đồ la và hết thảy các vị Tôn, chân ngôn, thủ ấn, quán hành tất địa, truyền pháp quán đính v.v… thì đều được gọi là A xà lê, cũng có khi gọi Phật, Bồ tát là A xà lê. Cứ theo kinh Đại nhật quyển 1 phẩm Cụ duyên chép, thì A xà lê phải có đầy đủ mười ba đức dưới đây: 1. Phát bồ đề tâm, 2. Diệu tuệ từ bi, 3. Hòa đồng với chúng sinh, 4. Khéo léo tu hành Bát nhã ba la mật đa. 5. Thông suốt ba thừa, 6. Hiểu rõ thực nghĩa chân ngôn, 7. Biết tâm chúng sinh, 8. Tin chư Phật Bồ tát, 9. Được truyền thụ quán đính, hiểu thấu các bức vẽ Mạn đồ la, 10. Điều hòa tính tình, xa lìa chấp ngã, 11. Tu hành chân ngôn được quyết định,12. Nghiên cứu và luyện tập Du già, 13. Trụ nơi tâm bồ đề vững mạnh. Vì A xà lê có những đức tính như thế, nên những ai tôn trọng cúng dường sẽ được phúc báo rất lớn, cũng như người nông phu, nếu chịu khó cày cấy sẽ thu hoạch lớn, vì thế, cũng gọi a xà lê làA xà lê điền, và được liệt làm một trong tám phúc điền (ruộng phúc).Lại trong Mật giáo, thông thường người ta quen gọi a xà lê là Thượng sư, Kim cương thượng sư. Như đã nói ở trên, A xà lê có thể kham việc quán đính thụ pháp thì còn được gọi là Đại a xà lê. Tuy nhiên, cứ theo các kinh quĩ của Mật giáo chép, thì thông thường a xà lê cũng có thể chia làm hai loại là:Học pháp quán đính a xà lê và Truyền pháp quán đính a xà lê, hai loại đều có nhiều điểm khác nhau. [X. kinh Đại nhật phẩm bí mật mạn đồ la; kinh Bí mật đại giáo vương Q.7; kinh Đại nhật sớ Q.6, Q.15; luật Tứ phần Q.34; Tứ phần luật khai tông kí Q.7; Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết ma Q.thượng; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3; Huyền ứng âm nghĩa Q.15, Q.21; Tuệ uyển âm nghĩa Q.thượng].