A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ THÍCH LUẬN
Tác giả: Tôn giả Bà Tẩu Bàn Đậu (Thế Thân)
Hán dịch: Đời Trần, Tam Tạng Chân Đế
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

Phẩm thứ 3: PHÂN BIỆT THẾ GIAN, phần 4

Lại nữa, các cung trời như Dạ-ma v.v… lượng của chúng là thế nào? Bốn trời trên của cõi dục như lượng của núi Tu-di-lũ. Bộ khác đã nói như vậy.

Lại có Sư khác cho: Hướng lên trên thì rộng cứ tăng gấp đôi.

Lại có Sư khác nói: Lượng của địa thuộc định thứ nhất đồng với một thế giới của bốn châu. Lượng của địa thuộc định thứ hai đồng với tiểu thiên thế giới. Lượng của địa thuộc định thứ ba đồng với hai ngàn thế giới. Lượng của địa thuộc định thứ tư đồng với ba ngàn thế giới.

Lại có Sư khác nêu: Lượng của ba địa như định thứ nhất v.v… là đồng với một ngàn v.v… thế giới. Định thứ tư thì không thể lượng.

Lại nữa, nghĩa nào gọi là tiểu thiên thế giới, hai ngàn thế giới, ba ngàn thế giới?

Kệ nói:

Bốn châu cùng nhật nguyệt

Tu-di-lũ: Cõi dục

Xứ Phạm đều một ngàn

Gọi tiểu thiên thế giới.

Giải thích: Một ngàn châu Diệm-phù, cho đến một ngàn châu Bắc-cưu-lâu, một ngàn mặt trăng mặt trời, một ngàn núi Tu-di-lũ. Một ngàn trời Tứ Đại vương, cho đến một ngàn trời Tha hóa tự tại, một ngàn xứ Phạm, như thế gọi là Tiểu thiên thế giới.

Kệ nói:

Ngàn lần tiểu thiên này

Hai ngàn trung thế giới.

Giải thích: Lại gấp ngàn lần tiểu thiên thế giới, gọi là hai ngàn trung thế giới.

Kệ nói: Gấp ngàn, tam đại thiên.

Giải thích: Lại gấp ngàn lần hai ngàn trung thế giới gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả đều như thế.

Kệ nói: Cùng đồng một hoại thành.

Giải thích: Các thế giới như vậy v.v… đồng có ba tai họa nhỏ lớn. Đại thiên thế giới này đồng hoại, đồng thành. Nghĩa này nơi phần sau sẽ nói rộng.

Như lượng của khí thế giới không đồng. Vậy chúng sinh cư trú trong ấy về thân lượng cũng có khác biệt chăng? Có sai biệt. Ở đây:

Kệ nói:

Lượng người châu Diệm-phù

Bốn khuỷu tay, ba rưỡi.

Giải thích: Người châu Diệm -phù theo số nhiều thì thân cao ba khuỷu tay rưỡi, hoặc có người cao bốn khuỷu.

Kệ nói:

Sau sau bội bội tăng

Người châu Đông Tây Bắc.

Giải thích: Người châu Đông Tỳ-đề-ha thân cao tám khuỷu tay. Thân người châu Tây Cù-đà-ni cao mười sáu khuỷu tay. Người châu Bắc Cưu-lâu thân cao ba mươi hai khuỷu tay.

Như nơi cõi trời thì thế nào?

Kệ nói:

Lượng thân bốn phần tăng

Cho đến câu-xá rưỡi Cõi dục.

Giải thích: Thân lượng nơi trời Tứ Đại vương dài một phần tư Câu-lô-xá. Thân lượng nơi trời Ba mươi ba dài một phần hai Câulô-xá. Thân lượng nơi trời Dạ-ma dài ba phần tư Câu-lô-xá. Thân lượng nơi trời Đâu-suất-đà dài bốn phần Câu-lô-xá. Thân lượng nơi trời Hóa lạc dài năm phần. Thân lượng nơi trời Tha hóa tự tại dài một câu-lô-xá rưỡi.

Kệ nói:

Cõi sắc: Đầu nửa do-tuần Thứ lớp.

Giải thích: Chư thiên thuộc cõi sắc, nơi xứ đầu là trời Phạm chúng thân lượng dài nửa do-tuần. Theo thứ lớp này:

Kệ nói: Nửa, nửa tăng.

Giải thích: Nơi ba xứ tăng nửa nửa. Thân lượng nơi trời Phạm tiên hành dài một do-tuần. Thân lượng nơi trời Đại phạm dài một dotuần rưỡi. Thân lượng nơi trời Thiểu quang dài hai do-tuần.

Kệ nói:

Hướng lên từ Thiểu quang

Thân trên bội bội tăng

Chỉ Vô vân giảm ba.

Giải thích: Thân lượng nơi trời Vô lượng quang dài bốn dotuần. Thân lượng nơi trời Biến quang dài tám do-tuần. Tăng gấp bội về do-tuần như vậy, cho đến thân lượng nơi trời Biến tịnh dài sáu mươi bốn do-tuần. Thân lượng nơi trời Vô vân tăng gấp bội theo thứ lớp như thế nhưng giảm ba do-tuần, tức thân dài một trăm hai mươi lăm do-tuần. Từ đấy về sau, đến trời Phước sinh v.v… lại tăng gấp bội. Cho đến thân lượng nơi trời A-ca-ni-sư-trá dài mười sáu ngàn do-tuần. Lượng thân hướng về sau, có những sai biệt như thế.

Về thọ lượng cũng có sai biệt chăng? Có sai biệt.

Kệ nói:

Bắc Cưu-lâu ngàn năm

Nơi hai, lìa nửa nửa.

Giải thích: Người châu Bắc Cưu-lâu thọ lượng cố định là một ngàn năm. Thọ lượng của hai châu Tây, Đông giảm nửa nửa. Tức thọ lượng của người châu Tây Cù-đà-ni là năm trăm năm. Thọ lượng của người châu Đông Tỳ-đề-ha là hai trăm năm mươi năm.

Kệ nói: Đây không định.

Giải thích: Ở châu Diệm-phù thọ lượng không nhất định. Có thời thì rất nhiều, có lúc lại rất ít.

Nhiều, ít như thế nào?

Kệ nói: Sau cùng: Mười tuổi.

Giải thích: Thọ lượng này giảm dần, sau cùng chỉ có mười tuổi.

Kệ nói: Đầu không lường.

Giải thích: Chúng sinh nơi kiếp mới thành, thọ mạng là không thể lường tính, do số như hàng ngàn là không thể tính.

Nói về thọ lượng của con người xong. Nay sẽ nói về thọ lượng của cõi trời.

Như trước hết là an lập về ngày đêm mới có thể tính đến thọ lượng của chư thiên.

Ngày đêm nơi các trời như thế nào?

Kệ nói:

Năm mươi năm trong người

Trời kia một ngày đêm

Trời dưới dục.

Giải thích: Năm mươi năm trong nẻo người đối với trời thấp nhất của cõi dục, tức là trời Tứ Đại vương là một ngày một đêm.

Kệ nói:

Do đây

Kia thọ năm trăm năm.

Giải thích: Lấy ba mươi ngày đêm ở đây làm một tháng, dùng mười hai tháng làm một năm. Dùng năm trăm năm này làm thọ lượng của trời kia.

Kệ nói: Hướng trên sau bội tăng.

Giải thích: Chư thiên của địa trên tăng gấp bội làm ngày đêm. Lấy số ngày đêm này để tính về thọ lượng của trời kia.

Thọ lượng của trời kia như thế nào?

Một trăm năm trong nẻo người là một ngày đêm nơi trời Ba mươi ba. Dùng một ngàn năm của ngày đêm này là thọ lượng của trời kia. Nên biết trời Dạ-ma v.v… theo thứ lớp cũng như vậy. Trong nẻo người: Hai trăm năm, bốn trăm năm, tám trăm năm, một ngàn sáu trăm năm, làm một ngày đêm của các trời kia. Dùng hai ngàn năm, bốn ngàn năm, tám ngàn năm, mười sáu ngàn năm của ngày đêm này, theo thứ lớp của năm nơi trời, làm thọ lượng của các trời trên.

Từ núi Do-càn-đà-la hướng đến chư thiên nơi cõi trên không có mặt trời, mặt trăng, làm sao an lập ngày đêm?

Dùng hào quang tỏa sáng.

Làm thế nào có thể thành? Căn cứ vào hoa nở, khép. Nghĩa là các thứ hoa Câu-mâu-đầu, hoa Ba-đầu-ma v.v… Các loài chim có tiếng hót, không tiếng hót, khi ngủ thức có đến đi. Dùng những sự việc này để phân định là ngày đêm.

Về sự việc dùng hào quang tỏa sáng: Là ánh sáng tự nhiên của thân, không cần ánh sáng bên ngoài.

Nói về thọ lượng của các trời thuộc cõi dục xong.

Kệ nói:

Cõi sắc không nhật, nguyệt

Do kiếp xét thọ kia

Số kiếp như thân lượng.

Giải thích: Ở trong cõi sắc, nếu có các trời, thân lượng là nửa do-tuần, thì thọ lượng là nửa kiếp. Nếu thân lượng một do-tuần, thì thọ lượng là một kiếp. Như ở đây, thân kia tùy theo số do-tuần, thì số kiếp nơi thọ lượng của trời kia đều thuận theo thân lượng. Cho đến trời A-ca-ni-sư-trá dùng mười sáu ngàn đại kiếp làm thọ lượng.

Kệ nói:

Vô sắc hai mươi ngàn

Sau kiếp tăng hai, hai.

Giải thích: Nơi không vô biên nhập, thọ lượng là hai mươi ngàn kiếp. Nơi thức vô biên nhập lại tăng hai mươi ngàn kiếp. Nơi vô sở hữu nhập lại tăng hai mươi ngàn kiếp. Trời Hữu đảnh lại tăng hai mươi ngàn kiếp. Thọ lượng ở đây là hai mươi, bốn mươi, sáu mươi, tám mươi ngàn kiếp. Nên biết như thế.

Thế nào là kiếp? Là kiếp riêng hay là kiếp hoại? Là kiếp thành hay là đại kiếp?

Kệ nói:

Từ Thiểu quang đại kiếp

Từ đây xuống nửa kiếp.

Giải thích: Từ xứ Phạm Thiểu quang, nên biết là thọ lượng căn cứ theo đại kiếp. Từ đây trở xuống, nửa đại kiếp được gọi là kiếp, để phân biệt về thọ lượng của trời Đại phạm v.v… Vì sao nói như thế?

Là thời kỳ hai mươi kiếp riêng của thế gian được thành lập. Hai mươi kiếp riêng đã thành rồi trụ. Hai mươi kiếp riêng phân tán, tụ tập, là sáu mươi kiếp riêng. Ở xứ Đại Phạm nói là một kiếp rưỡi. Phân biệt như thế xong là nửa kiếp. Nghĩa là bốn mươi kiếp riêng lập làm một kiếp để nói về thọ lượng của trời kia.

Nói về thọ lượng của nẻo thiện xong. Thọ lượng của nẻo ác nay sẽ nêu rõ.

Kệ nói:

Cùng thọ trời cõi dục

Ngày đêm cùng thứ lớp

Nơi sáu như Cánh hoạt v.v…

Thọ lượng như trời dục.

Giải thích: Như đã nói về thọ lượng của sáu trời thuộc cõi dục, so với ngày đêm của sáu địa ngục, nên biết theo thứ lớp đều bằng nhau. Sáu, nghĩa là: Cánh hoạt, Hắc thằng, Tụ khái, Khiếu hoán, Đại khiến hoán, Thiêu nhiên. Đối với ngày đêm của do-tuần kia là đồng với thọ lượng của sáu địa ngục, cũng đồng với thọ lượng của sáu trời thuộc cõi dục.

Vì sao nói như thế?

Thọ lượng của trời Tứ Thiên vương đối với địa ngục Cánh hoạt là một ngày một đêm. Dùng ngày đêm này lập tháng, lập năm. Lấy năm trăm năm ấy làm thọ lượng của địa ngục kia.

Thọ lượng của trời Ba mươi ba đối với địa ngục Hắc thằng là một ngày một đêm. Dùng ngày đêm này, thọ lượng ở đây là đủ một ngàn năm.

Như ở đây thì đối với các xứ còn lại theo thứ lớp nên biết cũng thế. Cho đến thọ lượng của trời Tha hóa tự tại đối với địa ngục Thiêu nhiên là một ngày một đêm. Do ngày đêm này, thọ lượng ở đây là đủ mười sáu ngàn năm.

Kệ nói:

Ở Đại thiêu nửa kiếp

A-tỳ-chỉ kiếp riêng.

Giải thích: Nơi địa ngục Đại Thiêu nhiên thọ lượng là nửa kiếp riêng, thì ở địa ngục Vô gián thọ lượng là đủ một kiếp riêng.

Đối với nẻo súc sinh thì thọ lượng không nhất định.

Kệ nói: Súc sinh kiếp riêng tột.

Giải thích: Nếu trong nẻo súc sinh thì thọ lượng tối đa chỉ là một kiếp riêng. Nghĩa là các rồng như Nan-đà, Ưu-ba Nan-đà, A-thâu-đalợi v.v… Vì sao? Vì như Đức Phật, Thế Tôn đã nói: Tỳ-kheo! Có tám bộ rồng tên là Đại long, đều trụ giữ nơi địa luân một kiếp. Nói rộng như kinh.

Kệ nói: Ngày, tháng quỷ năm trăm.

Giải thích: Một tháng trong nẻo người đối với nẻo quỷ thần là một ngày đêm. Do ngày đêm ấy nên thọ lượng của nẻo quỷ thần kia là năm trăm nam.

Thọ lượng của địa ngục lạnh thì thế nào?

Kệ nói:

Từ Bà-ha trăm năm

Trừ Ma đều là thọ Ất-phù-đà hai mươi

Thọ khác sau gấp bội.

Giải thích: Căn cứ nơi thí dụ, Đức Phật Thế Tôn nói: Thọ lượng của địa ngục lạnh, như kinh nói: Tỳ-kheo! Ví như ở đây, hai mươi Khư-lê là một lượng Ma-già-đà. Bà-ha-ma đầy khắp cao xuất. Từ đấy có người, một trăm năm vượt qua, trừ một hạt mè. Tỳ-kheo! Như thế, hai mươi Khư lê là một Bà-ha-ma. Do phương tiện này, Ta nói nhanh chóng được giảm hết, Ta chưa nói ở nơi Át-phù-đà chúng sinh sinh ra thọ lượng được hết. Tỳ-kheo! Như thọ lượng của Át-phù-đà, lại gấp hai mươi lần là thọ lượng của Ni thích-phù-đà. Cho đến, Tỳkheo! Gấp bội mươi lần thọ lượng của Ba-đầu-ma là thọ lượng của Phân-đà-lợi-kha.

Những thọ lượng như vậy v.v… là có chưa đầy đủ chết ở trung gian chăng? Hay là tất cả xứ có?

Kệ nói: Trừ trong Cưu-lâu: yểu.

Giải thích: Nơi châu Bắc Cưu-lâu thọ lượng của tất cả người đều nhất định phải đủ thọ lượng tận cùng mới được xả bỏ thân mạng. Ở xứ khác thì thọ mạng không nhất định. Nếu căn cứ theo người riêng, thì ở trung gian phần nhiều không chết. Nghĩa là Bồ-tát nhất sinh bổ xứ ở nơi trời Đâu-sư-đa, là Bồ-tát sinh sau cùng. Đức Phật đã thọ ký, Đức Phật đã cử làm sứ giả Tùy tín hành, Tùy pháp hành, người mẹ đang mang thai Bồ-tát, người mẹ đang mang thai Chuyển luân vương.

Như thế là đã dùng lượng do-tuần để nói về lượng của xứ sở cùng thân lượng xong. Do lượng của năm nói về lượng của thọ mạng xong. Lượng bằng nhau của hai thứ này chưa nói đến.

Tất cả như thế là dùng danh để phân biệt. Đấy gọi là lượng cuối cùng cũng nên nói rõ. Vì nêu bày ba thứ này nên đầu tiên là lập phương tiện.

Kệ nói:

Lân hư, chữ sát-na

Sắc, danh, thời nhỏ nhất.

Giải thích: Nếu phân tích về sắc, cuối cùng là đến Lân hư, nên Lân hư là lượng nhỏ nhất của sắc. Lượng của thời cũng thế, cực nhỏ là sát-na. Lượng của danh cũng như vậy, nhỏ nhất là nơi chữ như âm ngắn của chữ y.

Lại nữa, sát-na là lượng gì? Nếu nhân duyên đã đầy đủ, tùy thời một pháp được sinh thì thời gian ấy gọi là sát-na.

Lai nữa, pháp này nếu vận hành vượt qua một Lân hư, thì thời gian ấy gọi là sát-na.

Lại nữa, nếu là trượng phu có sức mạnh, trong khoảnh khắc một lần búng ngón tay, là trải qua sáu mươi lăm sát-na. Sư A-tỳ-đạtma đã nói như thế. Ở đây:

Kệ nói:

Bảy Lân hư, A-nâu

Thiết trần, Thủy, Thố, Dương

Ngưu, Khích trần, Kỷ, Sắt

Mạch, Chỉ tiết nên biết

Sau, sau, tăng gấp bảy.

Giải thích: Dùng Lân hư làm đầu, nên biết sau sau là tăng gấp bảy lần.

Bảy Lân hư là một A-nâu. Bảy A-nâu là một Thiết trần. Bảy Thiết trần là một Thủy trần. Bảy Thủy trần là một Thố trần. Bảy Thố trần là một Dương trần. Bảy Dương trần là một Ngưu trần. Bảy Ngưu trần là một Khích quang trung trần. Bảy Khích quang trung trần là một Kỷ (con rận con). Bảy Kỷ là một Sắt (con chấy). Bảy Sắt là một hạt lúa (Mạch). Bảy hạt lúa là một chỉ tiết (đốt ngón tay). Ba đốt ngón tay là một chỉ (ngón tay). Đây là điều thế gian đều hiểu nên trong kệ không nói đến.

Nếu theo chiều ngang thì đều dùng ngón tay.

Kệ nói:

Hai mươi bốn chỉ: Khuỷu

Bốn khuỷu là một cung

Năm trăm: Câu-lô-xá

Đây gọi A-luyện-nhã.

Giải thích: Hai mươi bốn ngón tay là một khuỷu tay. Bốn khuỷu gọi là một tầm, cũng gọi là một cung. Năm trăm cung làm một câulô-xá, cũng gọi là thôn, cũng gọi là A-luyện-nhã.

Kệ nói:

Tám này một do-tuần.

Tám câu-lô-xá là một do-tuần.

Nói về lượng của do-tuần xong.

Về lượng của năm nay sẽ nói.

Kệ nói:

Trăm hai mươi Sát-na: Đát-sát-na.

Giải thích: Một trăm hai mươi

Sát-na là một Đát-sát-na.

Kệ nói: Sáu mươi, Nói là một La-bà.

Giải thích: Sáu mươi Đát-sát-na gọi là một La-bà.

Kệ nói:

Ba sau, ba mươi tăng

Là một Mâu-hưu-đa

Và một ngày đêm tháng.

Giải thích: Ba mươi La-bà là một Mâu-hưu-đa. Ba mươi Mâuhưu-đa là một ngày đêm. Đêm có lúc dài, có lúc ngắn, có khi bằng nhau. Ba mươi ngày đêm là một tháng.

Kệ nói:

Mười hai tháng: Một năm

Một năm đêm cùng giảm.

Giải thích: Mùa lạnh có bốn tháng. Mùa nóng có bốn tháng. Mùa mưa có bốn tháng. Mười hai tháng như thế lập làm một năm, đêm cùng giảm. Vì sao? Vì có sáu lần đêm giảm vào trong một năm.

Vì sao như thế?

Lạnh nóng mưa: Ba mùa

Nửa tháng giữa đã qua

Ở trong nửa tháng khác

Người trí biết đêm giảm.

Nói về lượng của năm xong.

Lượng của kiếp nay sẽ nói.

Kệ nói: Nói kiếp có nhiều thứ.

Giải thích: Kiếp riêng, kiếp hoại, kiếp thành, kiếp đại. Ở đây:

Kệ nói:

Kiếp hoại, địa ngục hết

Cho đến khí thế diệt.

Giải thích: Trong các địa ngục, từ lúc không có chúng sinh nữa, cho đến lúc khí thế giới diệt, đó gọi là kiếp hoại. Vì sao? Vì hoại có hai thứ: (1) Hoại đạo. (2) Hoại giới.

Lại có hai thứ hoại: (1) Hoại chúng sinh. (2) Hoại khí thế giới.

Có thời gian như thế: Vào thời gian này chúng sinh nơi địa ngục chỉ chết mất chứ không có thọ sinh lại. Thời kỳ ấy là phần đầu của kiếp hoại, là thời gồm hai mươi kiếp riêng của thế gian đã thành rồi trụ. Kiếp trụ này nên biết là đã vượt qua. Lại có hai mươi kiếp riêng, thế gian nên hoại. Hoại ấy nơi thời này nên biết là theo thứ lớp lại đến. Nếu vào thời gian này, ở trong địa ngục, không có một chúng sinh nào là thừa. Do thời lượng này, nên thế gian đã hoại. Do địa ngục hoại, nên ở trong thời ấy, nếu chúng sinh có nghiệp nhất định, tất phải ở nơi địa ngục thọ báo. Nghiệp chưa hết nên dẫn dắt chúng sinh này ở nơi địa ngục của thế giới khác thọ báo.

Kiếp hoại của nẻo súc sinh, kiếp hoại của nẻo quỷ thần cũng nên nêu rõ như vậy. Súc sinh ở nơi biển cả hoại trước, súc sinh cùng sống với con người hoại sau.

Lại có thời gian như thế: Ở trong nẻo người, tùy theo đấy có một người, tự nhiên không có thầy hướng dẫn nhưng với pháp như vậy đã tu nhập định thứ nhất. Người này từ định thứ nhất xuất, nói lời như vầy: Người thiện từ ly sinh hỷ lạc là vô cùng tốt đẹp. Bạn thiện từ ly sinh hỷ lạc là tịch tĩnh, vi tế. Người khác nghe lời nói này, lại đều tu học định ấy.

Những người như thế, sau khi xả bỏ thân mạng đều sinh nơi xứ Phạm. Nếu vào thời ấy, ở châu Diệm-phù, không có một chúng sinh nào là thừa, do thời lượng ấy là thế gian đã hoại. Vì châu Diệmphù hoại, nên như vậy các châu Đông Tỳ-đề-ha, Tây Cù-đà-ni, Bắc Cưu-lâu đều hoại. Cũng nên tạo ra thuyết như vầy: Vào thời này, ở nơi nẻo người không có một người nào là thừa. Do thời lượng này, tức thế gian đã hoại, do nơi nẻo người hoại, nên người của châu Bắc Cưu-lâu sau khi xả bỏ thọ mạng, sinh lên trời cõi dục. Ở trong tự địa vì không có lìa dục, nên như thế là ở nơi trời Tứ Đại vương, tu tập định thứ nhất xong, sinh vào xứ Phạm. Nếu vào thời ấy, ở nơi trời Tứ Đại vương, không có một vị trời nào là thừa.

Do thời lượng này là thế gian đã hoại. vì trời Tứ Đại vương hoại nên như thế, cho đến trời Tha hóa tự tại hoại, cũng nên tạo ra thuyết:

Nếu vào thời ấy, ở nơi các trời thuộc cõi dục, không có một vị trời nào là thừa. Do thời lượng ấy, tức thế gian này đã hoại. Do cõi dục hoại, nên ở xứ Phạm, tùy nơi một chúng sinh theo pháp như thế đã tu nhập định thứ hai.

Từ định này xuất, nói lời như vầy: Lạc này là hết sức tốt đẹp, nghĩa là định sinh hỷ lạc. Lạc này là rất tĩnh lặng, là định sinh hỷ lạc. Người khác nghe lời nói này lại đều tu học định ấy. Các trời như thế v.v… sau khi xả bỏ thọ mạng đều sinh nơi xứ trời Biến quang. Nếu vào thời ấy, ở xứ Phạm không có một chúng sinh nào là thừa. Do thời lượng ấy là thế gian đã hoại. Vì chúng sinh đã hoại, nên nơi thời kỳ này khí thế giới đều không. Từ thời gian này, đạo của định thứ nhất đã khởi, có thể chiêu cảm nghiệp của khí thế giới đều đã dứt diệt.

Theo thứ lớp bảy mặt trời xuất hiện, cho đến thiêu đốt đại địa và các núi Tu-di-lũ không còn sót gì cả. Từ lửa mãnh liệt này, gió thổi trên ngọn lửa cháy sáng, thiêu đốt xứ Phạm. Như ngọn lửa cháy sáng ấy, nên biết là đồng loại của địa thuộc định thứ nhất. Vì sao? Vì nếu tai họa không phải là đồng loại, thì không thể hủy hoại. Do tương ưng phát sinh, nên nói lửa này có thể thiêu đốt. Vì sao? Vì lửa nơi cõi dục ấy có thể tiếp nối với lửa của cõi sắc, nên nghĩa này đối với tai họa khác như lý nên biết cũng thế. Từ trong địa ngục, do chúng sinh chết không sinh lại, cho đến khí thế giới tận, trải qua thời gian như thế gọi là kiếp hoại.

Kệ nói:

Kiếp thành trước nơi gió

Cho đến địa ngục có.

Giải thích: Từ gió đầu tiên khởi, cho đến khi ở địa ngục có chúng sinh, đó gọi là kiếp thành. Vì sao? Vì thế gian đã hoại như thế, chỉ hư không là còn. Trụ ở thời gian dài, cho đến nghiệp của chúng sinh sau tăng thượng, nên các khí thế giới, tướng trước kia đầu tiên khởi. Nghĩa là ở trong không có gió vi tế, dần dần chuyển động. Vào thời này, hai mươi kiếp riêng của thế gian vừa hoại rồi trụ. Kiếp hoại này nên biết đã đi qua. Lại có hai mươi kiếp riêng là thế gian nên thành. Thành này là thời kỳ nên biết, theo thứ lớp lại đến.

Từ thời ấy, các gió dần dần tăng lớn, cho đến thành tựu phong luân như trước đã nói. Như trước đã nêu bày về sự việc theo thứ lớp, tất cả đều thành. Nghĩa là thủy luân và đại địa, kim địa luân, cho đến các châu, núi Tu-di-lũ v.v… Đầu tiên hình thành cung điện của trời Đại Phạm, thứ lớp cho đến thành tựu cung điện của trời Dạ ma.

Từ sau đấy, phong luân khởi. Do thời lượng này, nên biết là thế gian đã thành. Vì khí thế giới thành, nên thời gian ấy theo đó có chúng sinh, nên tạo ra Đại Phạm vương, từ trời Biến quang, thọ sinh nơi cung điện của Đại Phạm. Các chúng sinh khác từ trời kia theo thứ lớp qua đời, sinh vào: Có người sinh nơi xứ Phạm tiên hành. Có kẻ sinh nơi xứ Phạm chúng. Có chúng sinh sinh nơi xứ Tha hóa tự tại. Theo thứ lớp như thế, cho đến thọ sinh ở châu Diệm-phù, châu Bắc Cưu-lâu, châu Tây Cù-đà-ni, châu Đông Tỳ-đề-ha, ở nẻo quỷ thần, nẻo súc sinh, nẻo địa ngục. Đây là pháp như thế. Nghĩa là thế gian sau hoại, thế gian trước thành. Bấy giờ, như một chúng sinh thọ sinh ở xứ địa ngục, do thời lượng này, nên hai mươi kiếp riêng của thế gian đã thành. Kiếp thành này nên biết là đã đi qua. Lại có hai mươi kiếp riêng nữa, thế gian nên trụ. Trụ này là thời kỳ, nên biết theo thứ lớp lại đến.

Kệ nói:

Kiếp riêng từ vô lượng

Cho đến thành mười tuổi.

Giải thích: Từ thế gian mới thành, mười chín kiếp riêng, ở trong thời gian ấy thọ mạng là vô lượng đã đi qua. Chúng sinh có thọ mạng vô lượng này, thọ mạng cứ giảm dần, cho đến mười tuổi.

Thế gian đã thành và trụ. Trụ này là kiếp riêng đầu tiên.

Kệ nói:

Đầu một kiếp riêng dưới

Tiếp mười tám dưới trên.

Giải thích: Từ trụ đầu tiên này, sau có mười tám trên, mười tám dưới là mười tám kiếp riêng.

Như vậy là thế nào?

Theo thọ mạng của chúng sinh mười tuổi này, nếu chuyển biến tăng thượng cho đến tám vạn tuổi, lại chuyển giảm xuống cho đến mười tuổi, là kiếp riêng thứ hai.

Như thế cho đến mười tám.

Kệ nói: Sau một kiếp riêng trên.

Giải thích: Sau cùng một kiếp riêng trên, tức kiếp riêng thứ hai mươi của kiếp trụ. Như vậy, nếu dưới là từ tám vạn cho đến mười tuổi.

Nếu như thế thì tăng lên đến bao nhiêu lượng là cuối cùng?

Kệ nói: Cho đến thọ tám vạn.

Giải thích: Vượt qua thọ lượng này không còn có tăng lên nữa. Ở trong mười tám kiếp, như thời lượng một tăng lên, một giảm xuống. Trụ đầu tiên là thời lượng của kiếp giảm xuống cũng như thế. Thời lượng của kiếp tăng lên sau cùng cũng như vậy. Thế nên tất cả thời lượng đều bình đẳng.

Kệ nói:

Thế gian thành như vậy

Trụ trải hai mươi kiếp.

Giải thích: Do đạo lý của kiếp riêng này, nên hai mươi kiếp riêng của thế gian thành rồi trụ. Như thời lượng của thành, trụ, đối với thời lượng như đây là bằng nhau.

Kệ nói:

Kiếp thành và hủy hoại

Hoại, trụ đều bình đẳng.

Giải thích: Hai mươi kiếp riêng là thế gian thành. Hai mươi kiếp riêng là thế gian hoại. Hai mươi kiếp riêng là hoại rồi không trụ. Tuy ở ba thời kỳ này không có kiếp lượng tăng giảm, nhưng kiếp lượng này đều bình đẳng. Nếu do toán số bình đẳng, thì trong ấy do một kiếp riêng nên khí thế giới thành. Do mười chín kiếp riêng, nên xứ này đã thành rồi trụ. Do một kiếp riêng, nên khí thế giới bị phân ly. Do mười chín kiếp riêng, nên khí thế giới là không, không có chúng sinh. Như kiếp riêng này có bốn thứ hai mươi hợp thành tám mươi.

Kệ nói: Tám mươi gọi đại kiếp.

Giải thích: Nếu đại kiếp thì lượng là như thế.

Kiếp này lấy pháp gì làm tự tánh? Lấy năm ấm làm tự tánh. Ở trong kinh nói: Do ba A-tăng-kỳ kiếp, chư Phật được đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Ba A-tăng-kỳ này ở trong bốn kiếp là kiếp nào?

Ở đây đã nói là đại kiếp. Do đấy:

Kệ nói: Đại kiếp ba tăng-kỳ.

Giải thích: Do ba A-tăng-kỳ kiếp sự việc cầu quả Phật mới thành. A-tăng-kỳ đã là vô số biên, thì ba số làm sao thành? Không nên nhận biết như thế.

Nếu như vậy thì thế nào?

Tuy nhiên, có xứ của sáu mươi số gọi là một A-tăng-kỳ. Ở trong kinh khác đã nói như vậy: Những gì là sáu mươi? Có số thứ nhất không có số thứ hai. Xứ này gọi là thứ nhất. Mười xứ thứ nhất này gọi là thứ hai. Mười xứ thứ hai gọi là một trăm. Mười trăm gọi là một ngàn. Mười ngàn gọi là một vạn. Mười vạn gọi là một Lạc-sa. Mười Lạc-sa gọi là một A-để-lạc-sa. Mười A-để-lạc-sa gọi là một Câu-chi. Mười Câu-chi gọi là một Mạt-trì-ha. Mười Mạt-trì-ha gọi là một A-do-đa. Mười A-do-đa gọi là một Ma-ha-do-đa. Mười Maha-do-đa gọi là một Na-do-đa. Mười Na-do-đa gọi là một Ma-ha-nado-đa. Mười Ma-ha-na-do-đa gọi là một Ba-do-đa. Mười Ba-do-đa gọi là một Ma-ha-ba-do-đa. Mười Ma-ha-ba-do-đa gọi là một Uấttăng-già. Mười Uất-tăng-già gọi là một Ma-diêm-tăng-già. Mười Ma-diêm-tăng-già gọi là một Bà-ha-na. Mười Bà-ha-na gọi là một Ma-ha-bà-ha-na. Mười Ma-ha-bà-ha-na gọi là một Tri-tri-bà. Mười Tri-tri-bà gọi là một Ma-ha-tri-tri-bà. Mười Ma-ha-tri-tri-bà gọi là một Hê-đâu. Mười Hê-đâu gọi là một Ma-ha-hê-đâu. Mười Ma-hahê-đâu gọi là một Kha-la-bà. Mười Kha-la-bà gọi là một Ma-hakha-la-bà. Mười Ma-ha-kha-la-bà gọi là một Nhân đà. Mười Nhân đà gọi là một Ma-đầu-đà. Mười Ma-đầu-đà gọi là một Bà-mạt-đa. Mười Bà-mạt-đa gọi là một Ma-ha-bà-mạt-đa. Mười Ma-ha-bà-mạtđa gọi là một Già-tri. Mười Già-tri gọi là một Ma-ha-già-tri. Mười Ma-ha-già-tri gọi là một Nhậm-bà. Mười Nhậm-bà gọi là một Maha-nhậm-bà. Mười Ma-ha-nhậm-bà gọi là một Vật-đà. Mười Vật-đà gọi là một Ma-ha-vật-đà. Mười Ma-ha-vật-đà gọi là một Bà-la. Mười Bà-la gọi là một Ma-ha-bà-la. Mười Ma-ha-bà-la gọi là một Xã-na. Mười Xã-na gọi là một Ma-ha-xã-na. Mười Ma-ha- xã -na gọi là một Tỳ-hưu-đa. Mười Tỳ-hưu-đa gọi là một Ma-ha-tỳ-hưu-đa. Mười Maha-tỳ-hưu-đa gọi là một Bà-lạc-sa. Mười Bà-lạc-sa gọi là một Maha-bà-lạc-sa. Mười Ma-ha-bà-lạc-sa gọi là một A-tăng-kỳ. Ở trung gian có tám xứ quên mất.

Như thế đại kiếp theo thứ lớp tính đếm đến xứ thứ sáu mươi, nói là một A-tăng-kỳ. Vượt qua một lượt số như vậy, gọi là thứ hai, thứ ba cũng như thế, nên nói là ba A-tăng-kỳ. Vì không phải tất cả phương tiện đã không thể tính đếm, nên gọi là A-tăng-kỳ. Chúng sinh trước đây đã phát nguyện, vì sao lại cần phải tu hành trong thời gian rất dài này mới chứng đắc Bồ-đề vô thượng.

Sự việc như thế do đâu không nên có? Vì sao? Do hành tư lương của đại phước đức, trí tuệ, do một trăm vạn nẻo khó hành của sáu Ba-la-mật, ở trong ba A-tăng-kỳ đại kiếp các Bồ tát mới đạt được quả Chánh giác vô thượng. Nếu do phương tiện riêng mà có lý giải thoát thì đâu cần phải tu lâu đạo rất khó hành trì này?

Vì người khác nên cần công dụng lớn như vậy.

Làm sao chúng ta từ dòng chảy của khổ lớn có thể cứu vớt người khác?

Do ý này nên tu hành lâu. Vì nhằm đem lại lợi ích cho người khác, nên đối với mình thì có tự lợi gì? Tự lợi của chính mình ấy nghĩa là tạo lợi ích cho người khác, là chính mình đã có được an lạc. Sự việc này hiện nay người nào có thể tin? Sự việc ấy thật khó có thể tin. Nếu người cho thân mình là trọng thì không có từ bi đối với người khác. Nếu người gồm đủ trí tuệ, từ bi, thì sự việc này dễ tin. Ví như ở thế gian, có các người khác luôn hành tập lỗi lầm xấu ác, trong ấy tuy không có lợi ích cho mình mà vẫn ưa thích việc gây tổn não cho người khác, nhiều người đã cùng thấy. Như thế lại có người khác luôn tu tập đại bi, ở đấy không có lợi ích cho mình, nhưng vui thích thực hiện việc lợi ích cho người khác. Vì thế sự việc này có thể so sánh.

Lại nữa, ví như phàm phu nơi thế gian, do thường được hành tập trong thời gian dài, nên đối với các pháp hành thật sự không phải là tự ngã, không thể phân biệt rõ về thể tướng của các hành, nên ở trong các hành đã sinh khởi ngã ái. Nhân nơi ngã ái này luôn gánh vác các thứ khổ như thế. Lại có người khác, nơi thời gian dài do thường tu tập trí tuệ, nên đối với chuỗi nối tiếp của tự thân đã từ bỏ tự ái, tăng trưởng sự yêu mến đối với người khác. Nhân nơi ái này, nên vì người khác gánh vác các khổ. Vì thế nên biết, nghĩa này không khác.

Lại nữa, vì có tánh riêng nên như chủng loại này khởi. Do người khác khổ nên khổ, do người khác vui nên vui, không do nơi tự thân. Người kia không thấy sự việc tạo lợi ích cho người khác khác với lợi ích của chính mình. Ở đây, kệ nói:

Người thấp cầu tự vui

Tạo vô số phương tiện

Người trung cầu diệt khổ

Không nương dựa vui, khổ.

Người trên do tự khổ

Vui người khác được vui

Và khổ khác diệt hẳn

Khổ khác là tự khổ.

Chư Phật ra đời vào thời kỳ kiếp giảm hay là vào thời kỳ kiếp tăng?

Kệ nói:

Thành Phật nơi kiếp giảm Giảm tám vạn đến trăm.

Giải thích: Người thế gian lúc thọ mạng tám vạn tuổi, là thọ lượng giảm đang phát, cho đến thọ lượng của con người còn một trăm tuổi, ở trung gian này, chư Phật – Thế Tôn xuất hiện ở đời.

Vì sao Đức Phật không xuất hiện ở thời kỳ kiếp tăng? Vì trong thời kỳ này, chúng sinh khó giáo hóa khiến chán lìa.

Vì sao Đức Thế Tôn không xuất hiện vào thời kỳ thọ lượng của chúng sinh dưới một trăm tuổi? Vì trong thời gian này năm thứ ô trược rất thịnh. Năm thứ ô trược là: (1) Mạng trược. (2) Kiếp trược. (3) Hoặc trược (Phiền não trược). (4) Kiến trược. (5) Chúng sinh trược.

Kiếp giảm sắp vào thời sau cùng, năm thứ như mạng v.v… là rất thô, rất thấp kém, đã trở thành cặn bã, nên nói là ô trược. Do hai thứ ô trược trước, theo thứ lớp khiến tổn giảm thọ mạng và tổn giảm vật dụng tạo an vui. Lại do hai thứ ô trược trước đã gây tổn giảm sự việc hỗ trợ điều thiện. Vì sao? Vì nhân nơi hai trược này, nên có các chúng sinh phần nhiều hành tập theo sự ưa thích trần dục và tự hành khổ, có thể gây tổn hại trong công việc hỗ trợ thiện của người tại gia, xuất gia. Do một thứ ô trược sau làm tổn giảm lượng thân của tự thân, tức sắc lực không bệnh, trí niệm, chánh cần không động, các đức này bị hoại.

Độc giác xuất thế vào thời kỳ nào?

Kệ nói: Độc giác thời tăng giảm.

Giải thích: Độc giác ở vào thời kỳ kiếp tăng và kiếp giảm, đều có thể xuất thế. Vì sao? Vì Độc giác có hai hạng: (1) Bộ hành. (2) Tê giác dụ.

Trong đây, gọi Bộ hành: Tức trước là Thanh văn, hoặc gọi là Độc thắng

Có Sư khác cho: Có vị trước là phàm phu, sau thành Độc giác Bộ hành. Nếu người này ở đời trước đã tu phần quyết trạch, có thể được căn thiện, đời nay thì tự nhiên giác ngộ Thánh đạo.

Làm sao nhận biết được?

Ở trong Kinh Bản Hạnh nói: Tại một xứ núi, có năm trăm vị tiên ngoại đang tu khổ hạnh khó hành. Cho đến một hôm, một con khỉ lớn đến ở chung với vị Độc giác. Về sau khỉ kia lại đến trụ xứ của các vị tiên ngoại, biểu hiện trang sức oai nghi của vị Độc giác khiến năm trăm vị tiên ngoại ấy đều thành Độc giác.

Hoặc trước là Thánh nhân, nhưng không thể tu khổ hạnh khó hành.

Tê giác dụ: Nghĩa là riêng tự mình an trụ.

Trong hai hạng Độc giác:

Kệ nói: Tê giác dụ trăm kiếp.

Giải thích: Đủ một trăm đại kiếp tu hành tư lương Bồ-đề mới thành Độc giác Tê giác dụ.

Vì sao gọi là Độc giác? Là lìa chánh giáo của thầy, nơi một tự thân giác ngộ như lý, nên gọi là Độc giác. Vì sao? Vì các bậc Độc giác chỉ điều phục một thân, không điều phục người khác.

Vì sao gọi là Tê giác dụ? Vì ở trong phẩm hơn hết của nẻo người trời, là bậc trinh thật, không ai bằng.

Nhân gì không giác ngộ cho người khác?

Các vị Độc giác không phải là không có năng lực vì người khác nói pháp, vì chư vị đạt được đủ bốn vô ngại giải. Độc giác kia cũng có khả năng có thể nhớ giữ các thứ chánh giáo được chư Phật đã thuyết giảng từ xa xưa và vì người khác giảng nói. Độc giác kia cũng không phải là không có từ bi tạo lợi ích cho người khác, vì luôn hiện thông tuệ. Cũng không do chúng sinh, vì không chiêu cảm Thánh quả, nên không vì họ giảng nói. Vì sao? Vì bấy giờ cũng có người tu đạo thế gian như các tiên lìa dục. Tuy nhiên, chính là do tu tập nơi đời trước, vì ít mong cầu hỷ lạc, thế nên không thể giảng nói chánh giáo khiến người khác thọ nhận pháp thâm diệu. Vì sao? Vì tùy thuộc nơi ái lưu hành ở thế gian, nên khó có thể dẫn dắt, cứu giúp chúng sinh theo ngược dòng. Vì lìa bỏ hành xen tạp, gồm thâu bộ chúng, nên sợ hãi sự tán loạn khiến nói năng lẫn lộn.

Lại nữa, Chuyển luân vương ở trong hai thời đã xuất thế vào thời kỳ nào?

Kệ nói:

Lúc giảm tám vạn năm

Không Chuyển luân vương sinh.

Giải thích: Lúc thọ mạng của con người là vô lượng, cho đến thọ mạng là tám vạn tuổi, là lúc Chuyển luân vương sinh ở thế gian, thọ lượng không giảm kém tám vạn. Vì sao? Vì nếu thọ lượng của con người giảm kém tám vạn, thì người này không phải là vật chứa của sự an lành, giàu vui. Do luân thành vương vị là pháp, nên gọi là Chuyển luân vương. Vua này có bốn hạng:

Kệ nói: Kim, Ngân, Đồng, Thiết luân.

Giải thích: Nếu người dùng vàng làm luân, thì người này là phẩm thượng thượng. Nếu dùng bạc (ngân) làm luân là phẩm thượng. Dùng đồng làm luân là phẩm trung. Dùng sắt (thiết) làm luân là phẩm hạ.

Kệ nói:

Bốn theo thứ lớp hạ

Một, hai, ba, bốn châu.

Giải thích: Nếu người dùng sắt làm luân, người này tức làm vua một châu. Nếu dùng đồng làm luân thì làm vua hai châu. Dùng bạc làm luân thì làm vua ba châu. Dùng vàng làm luân tức làm vua bốn châu. Phân biệt theo thế gian nên nói như vậy. Còn ở trong kinh, do hiển bày riêng về sự thù thắng, nên chỉ nói kim luân.

Kinh nói: Nếu vua sinh trong tộc họ Sát-đế-lợi, đã thọ nhận ngôi vị Quán đảnh, vào thời gian Bồ tát, là ngày mười lăm của nửa tháng có trăng sáng, vua theo thứ lớp tự tắm rửa từ trên đầu xong, giữ tám giới, lên trên lầu cao bố-tát, trong lúc các đại thần cùng tụ tập thảy đều vây quanh.

Từ nơi phương Đông, có bánh xe báu xuất hiện, ngàn nan hoa đầy đủ, có bầu xe, có vành bánh xe, tất cả trang nghiêm, không ai là không viên mãn, như được thợ khéo tạo nên. Tất cả đều bằng vàng, đi đến chỗ vua, nên biết được vị vua này tất là Chuyển luân vương.

Nếu là Chuyển luân vương khác sinh cũng như thế.

Kệ nói:

Chẳng hai cùng như Phật.

Giải thích: Ở trong kinh nói: Không xứ, không vị. Nghĩa là không trước không sau, hai Đức Như Lai A-la-ha Tam nhược Tam Phật đà, xuất hiện nơi thế gian. Có xứ, có vị, nếu một Như Lai xuất hiện. Hai Như Lai thì hai Chuyển Luân vương cũng như vậy. Nghĩa này ở đây nên tư duy. Là xứ đã thừa nhận, vì căn cứ nơi ba ngàn đại thiên thế giới hay là căn cứ theo tất cả thế giới?

Bộ khác nói: Chư Phật Thế Tôn chỉ xuất hiện nơi một xứ, ở xứ khác thì không có. Vì sao? Vì chớ nên cho công năng của chư Phật, Thế Tôn có thiếu, là một Đức Thế Tôn, vì đối với tất cả xứ là có đủ công năng, ở nơi một xứ có một Phật, thì không thể gánh vác tất cả đệ tử đã thọ nhận sự giáo hóa của Phật. Phật khác ở trong ấy cũng không có năng lực.

Trong kinh nói: Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu có người đến chỗ ông hỏi: Đại đức! Vào thời nay là có Sa-môn, Bà-la-môn cùng với Sa-môn Cù-đàm là bình đẳng và bình đẳng đối với quả vị Bồ-đề vô thượng không?

Nếu ông bị hỏi như vậy thì nên trả lời như thế nào?

Bạch Thế Tôn! Nếu có người đến chỗ con hỏi như thế, con nếu bị hỏi, tức nên đáp như thế này: Ở vào thời nay, không có Sa-môn, Bà-la-môn nào cùng với Đức Thế Tôn của con là bình đẳng, bình đẳng đối với quả vị Bồ-đề vô thượng. Vì sao? Vì thưa Đức Thế Tôn!

Con từ nơi miệng an lành của Đức Thế Tôn chính là được nghe lời nói này, chứng giữ lời nói này: Không xứ, không vị, nghĩa là không trước, không sau, có hai Đức Như Lai A-la-ha Tam nhược Tam Phật đà xuất hiện ở thế gian.

Có xứ có vị, nếu có một Đức Như Lai….

Nếu như vậy, Phật, Thế Tôn đối với điều nơi Kinh Phạm Vương đã nói, nghĩa này là thế nào? Như kinh ấy nói: Phạm vương! Ở trong ba ngàn thiên đại thiên thế giới, Ta tự tại thành tựu lời nói này: Là nghĩa thuyết giảng không liễu biệt. Thuyết giảng nghĩa gì không liễu biệt?

Nếu Như Lai căn cứ nơi tâm của tự tánh, tức không tạo sự cố ý riêng để chính thức nói về lợi ích cho người khác, vì đối với cảnh giới này đều tự nhiên thành. Nếu Như Lai đã tạo ra cảnh giới cố ý riêng, thì tùy ý vô biên.

Có Bộ khác nói: Đối với thế giới khác đều có chư Phật Như Lai. Vì sao? Vì nhận thấy nhiều người đều cùng tu tư lương Bồ-đề và có nhiều Đức Phật, Thế Tôn ở một xứ, một thời xuất hiện, thì không có lý như thế. Nếu xuất hiện ở xứ khác thì không có trở ngại. Thế nên tất ở thế giới khác là cùng thành chánh giác.

Nếu như vậy trong nghĩa này, như trước đã dẫn kinh nói: Không xứ, không thời, nghĩa là không trước, không sau, có hai Đức Như Lai xuất hiện ở đời.

Nghĩa này nay nên cho là thế nào? Về nghĩa ấy nay cần phải lường xét. Kinh này là căn cứ nơi một thế giới để nêu bày hay là căn cứ nơi tất cả thế giới để thuyết giảng? Nếu căn cứ nơi tất cả thế giới để nói, thì Chuyển luân vương không nên xuất hiện ở thế giới khác, do ngăn chận đều cùng sinh, ví như Đức Như Lai.

Nếu ông đã nhận như vậy thì nghĩa này vì sao không nhận? Chư Phật xuất hiện ở thế gian là phước an lành lớn. Nếu nhiều Phật xuất hiện nơi nhiều thế giới thì không có lỗi lầm. Đối với vô lượng chúng sinh ở thế gian được cùng với lợi ích của mình nơi đại phước đức tương ưng.

Nếu như vậy đối với một ruộng phước của Phật vì sao hai Đức Như Lai không cùng xuất thế?

Vì không có công dụng. Vì thuận theo bản nguyện. Nên các Bồ-tát phát nguyện như vầy: Đối với thế gian mù tối, không có người dẫn dắt, không có người cứu giúp, không có nơi chốn nương dựa, ta nguyện ở trong thế gian ấy thành Phật, làm mắt sáng, làm chỗ dựa, vì khiến họ cung kính và nhanh chóng tu hành. Vì sao? Vì nếu một Đức Phật tức sinh khởi sự cung kính tôn trọng hết mực nơi người khác. Lại khiến họ tư duy như thế này: Đức Phật khác rất khó có thể được. Thế nên như giáo pháp Phật đã an lập, nhanh chóng tu hành. Bỗng nhiên Đại sư đã đi và nhập Niết-bàn. Chúng ta không có chỗ nương dựa.

Lại nữa, bốn hạng Chuyển luân vương này do kim luân v.v… để chế phục thiên hạ.

Thế nào là có thể chế phục theo thứ lớp?

Kệ nói:

Khác đón tự đến kia Tranh phục hơn.

Giải thích: Nếu vua được Kim luân làm vật dụng, các quốc vương nơi châu Diệm-phù đều tự đến nghênh tiếp ứng hầu, đều nói: Quốc độ của chúng tôi đều giàu có, an vui, bình yên, sung túc, dân chúng đều thuộc về Thiên tôn. Xin Thiên tôn giáo huấn. Chúng tôi đều là vây cánh luôn phục tùng Thiên tôn.

Nếu vua được Ngân luân làm vật dụng, nhà vua tự đi đến quốc độ kia. Các vua đều một lòng quy phục.

Nếu vua được Đồng luân làm vật dụng, nhà vua tức đi đến chốn gần quốc độ kia, sai sứ tới lui cùng loại trừ những tranh chấp, sau đó các vua mới một lòng quy phục.

Nếu vua được Thiết luân làm vật dụng, thì vua tự đi đến các quốc độ kia, mặc đủ áo giáp, cầm binh khí, hiện rõ tướng công phạt, sau đấy các vua kia mới một lòng quy phục.

Tất cả Chuyển luân vương, kệ nói: Không hại.

Giải thích: Nếu cầm binh khí chế phục nước khác hãy còn không có sát hại, huống chi là vua khác. Chế phục thiên hạ xong, tất cả chúng sinh đều cư trú nơi quốc độ của vua. Nhà vua đều giáo hóa khiến chúng sinh đều vâng giữ mười pháp thiện. Thế nên các quốc vương mạng chung quyết định sinh lên cõi trời.

Trong kinh nói: Do Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, nên thế gian tức có bảy báu hiện khởi. Bảy báu là: (1) Xe báu. (2) Voi báu. (3) Ngựa báu. (4) Ma-ni báu. (5) Nữ báu. (6) Trưởng giả báu. (7) Đại thần báu.

Các báu như voi v.v… là loại chúng sinh gì? Vì sao do nghiệp của người khác sinh?

Nếu không có một chúng sinh nào do nghiệp của người khác sinh, thì người này trước đã cùng tạo các nghiệp, có thể chiêu cảm báo cùng tương ứng. Người này nếu thọ sinh, thì các chúng sinh khác do nghiệp nơi đời trước của mình sinh, cùng với người ấy tương ưng.

Chuyển luân vương này cùng với vua khác là chỉ có bảy báu có sai biệt, hay là còn có sai biệt khác? Có sai biệt khác. Nghĩa là bốn Chuyển luân vương này có ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, vua khác không có, ví như chư Phật.

Nếu như vậy vua cùng với Phật có khác biệt gì? Ở đây:

Kệ nói:

Xứ chánh minh liễu viên

Tướng Phật, khác không bằng.

Giải thích: Ba mươi hai tướng của Phật có ba đức, so với tướng của vua là không đồng. Ba đức là: (1) Xứ rất chánh, không thiên lệch. (2) Hết sức sáng rõ, không ẩn mờ. (3) Rất tròn đầy, không giảm thiếu.

Các người sống nơi thời kỳ đầu của một kiếp là có vua hay không có vua?

Không có vua. Tuy nhiên:

Kệ nói: Mới sinh như cõi sắc.

Giải thích: Người sinh nơi thời kỳ đầu của kiếp, như chúng sinh của cõi sắc, đều an trụ tự tại. Trong kinh nói: Người sinh nơi kiếp sơ, ý sinh có sắc, đủ thân phần thân, đủ căn không giảm, hình sắc đáng yêu thích, tự nhiên có ánh sáng, có thể bay đi trong khoảng không, dùng hỷ lạc làm thức ăn, dựa vào hỷ lạc an trụ trong thời gian lâu dài.

Kệ nói:

Chúng sinh dần tham vị Vì lười biếng, tích chứa Do của thuê giữ ruộng.

Giải thích: Chúng sinh đã thành như thế thì vị đất dần xuất sinh. Vị của đất ấy rất ngon ngọt, tinh tế hơn hẳn mật ong. Trong số chúng sinh ấy, có một người do tham ái làm tánh, ngửi biết vị đất thơm, lấy nếm thử rồi ăn. Những người khác lần lượt bắt chước theo, đầu tiên phát khởi đoạn thực là ở thời này.

Bấy giờ, các người do thường quen với thức ăn ấy, nên ở thân sinh khởi hai xúc cứng, nặng, khiến mất hết ánh sáng trước kia, nên từ đấy có sự tối đen phát khởi. Vào lúc này thì mặt trời, mặt trăng xuất hiện. Do tham vị nên vị ngon của đất kia lần lượt diệt hết. Lại có lớp đất khô sinh ra, chúng liền dùng lớp đất này làm thức ăn, ở đấy lại khởi tham nên cũng mất đi thức ăn ấy.

Tiếp theo, sinh rừng cây cùng các thứ dây leo, dân chúng bèn dùng những thứ dây lá này làm thức ăn, ở đấy lại khởi tham nên lại mất đi thức ăn ấy nữa.

Tiếp đến là sinh xá-lợi, không do canh tác gieo trồng, tự nhiên mà có, liền dùng xá-lợi này làm thức ăn. Thức ăn ấy rất thô, khi biến chuyển đổi khác thì có chất thừa. Vì loại trừ chất thừa ấy, nên sinh ra đường đại tiểu tiện. Đường này cùng sinh với nam căn, nữ căn, nên tướng mạo cũng khác.

Lúc ấy, những người kia cùng ngắm nhìn nhau, do tùy thuộc nơi tập khí của hoặc từ trước nên khởi tư duy tà. Vì tư duy tà nên bị La-sát ăn nuốt. Dâm dục đổi khác đối với tâm càng mãnh liệt, tức thì phạm tội. Quỷ dâm dục ấy, đầu tiên phát khởi nhập nơi tâm là vào thời gian này.

Bấy giờ, dân chúng kia cứ vào chiều thì ăn bữa tối, vào buổi sáng là ăn bữa ngày, do nhu cầu nên cùng nhận lấy xá-lợi. Ở đây, có một người tánh vốn lười biếng, nên cố ý lấy nhiều xá-lợi dự trữ qua đêm để làm thức ăn. Người khác học theo, cũng đều dự trữ qua đêm như thế nên nhân đấy xuất sinh ngã sở. Do nơi ngã sở ấy, về sau công việc nhận lấy xá-lợi toàn là cho riêng mình. Xá-lợi liền hết không còn sinh nữa.

Lúc này, những người kia lập tức cùng nhau phân chia ruộng. Đối với thửa ruộng thuộc về phần mình, do sinh khởi quý trọng, tham tiếc, nên tạo ra việc xâm phạm, gây tổn hại đối với những thứ người khác có được.

Đầu tiên, phát sinh trộm cắp là vào thời kỳ ấy. Nhằm trừ bỏ sự mất mát này, nên dân chúng đều cùng tụ tập, trong số ấy có một người hơn hẳn về sức lực, nên mọi người đều lấy một phần sáu của cải mình có được, cùng thuê người này làm ông chủ canh giữ ruộng. Họ gọi người này là Si-đa-la-sa-vị. Si-đa-la-sa-vị này được mang tên là Sát-đế-lợi, được đông đảo dân chúng thừa nhận, có thể nhiễm tâm thế gian. Thế nên vị chủ đầu tiên gọi là vua Ma-ha-tiên Ma-đa. Tất cả vua cùng truyền nối ngôi vị, vua này là đầu tiên.

Ở đây, nếu có người khởi tâm xuất ly khỏi gia đình, vui thích ở chốn thanh vắng tịnh tụ giới hạnh, những người ấy được gọi là Bàla-môn.

Thời gian sau, có một vị vua, do tham lam tài sản vật báu, đối với dân chúng không thực hiện việc phân chia, ban ơn. Những người dân do nghèo thiếu, nên đa số đều làm việc trộm cắp. Nhà vua đối với các tội nhân này ưa sử dụng hình phạt bằng đao gậy. Sự việc trị phạt phát sinh đầu tiên, hành động sát hại cũng là vào thời ấy. Tội nhân che giấu nói: Tôi không làm việc ấy. Tức phát sinh nói dối, cũng là vào thời kỳ này.

Kệ nói:

Tiếp do mười ác tăng

Thọ giảm đến mười tuổi.

Giải thích: Theo thứ lớp do phương tiện nơi đạo nghiệp này tăng trưởng, nên thọ mạng giảm dần. Vào thời kỳ sau cùng thì thọ mạng của tất cả con người đều chỉ còn mười tuổi. Vì thế tất cả tai họa đều do hai pháp làm căn bản, nghĩa là tham vị và biếng trễ. Thời kỳ này thọ mạng của con người chỉ mười tuổi, là xuất tận của kiếp riêng.

Thế nào là xuất tận?

Kệ nói:

Kiếp này do đao, bệnh.

Cùng đói, tai họa xuất.

Giải thích: Kiếp riêng có ba nhân duyên nên xuất hiện: (1) Đao binh. (2) Bệnh dịch. (3) Đói khát.

Thời kỳ kiếp riêng xuất tận, là con người chỉ còn thọ mười tuổi, bị nhiễm do ái dục, phi pháp, bị bức bách vì tham, không bình đẳng, vì pháp tà truyền khắp. Sân hận độc hại của những người ấy chuyển biến tăng thượng. Nếu cùng nhìn thấy nhau, liền khởi tâm giận dữ, sát hại rất nặng. Ví như thời nay, những người săn bắn trông thấy hươu nai nơi rừng. Bấy giờ, các người này tùy theo chỗ nắm giữ có được, hoặc cây, hoặc cỏ, đối với họ đều trở thành đao gậy bén nhọn. Người kia khởi tư duy: Ta nay tất nên ở trước. Vì thế lại cùng sát hại nhau, do đấy dẫn đến tất cả đều chết.

Lại có thời kỳ xuất tận của kiếp riêng, là lúc thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi, do tội lỗi nhiều, nên quỷ thần khởi tâm oán ghét, tạo ra các tai họa đối với muôn người, nên khắp các nơi chốn đều gặp phải chứng bệnh A-tát-xà. Do bệnh này nên đông đảo con người bị chết hàng loạt.

Lại có thời kỳ xuất tận của kiếp riêng, là khi thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi, do tội lỗi quá nhiều, nên thiên thần, rồng khởi tâm oán ghét, không còn tuôn mưa nữa, vì thế nơi chốn nào cũng lâm vào cảnh đói khát khốn khổ tột cùng. Do đấy nên đều chết.

Thời kỳ này có ba thứ lương thực: (1) Lương Chiên-già. (2) Lương xương trắng. (3) Lương thẻ.

Gọi là lương Chiên-già: Lương thực này có hai nhân. Thời nay tụ tập thời kia gọi là Chiên-già. Lại, chiếc hộp con gọi là Chiên-già. Thời ấy, các người do đói khát, ốm yếu bức bách, nên tụ tập cùng tụ tập rồi đều chết đói.

Lại vì che chở, luyến tiếc đến lương thực trong năm cùng xót thương các quyến thuộc, nên đối với thời kỳ về sau, bèn cất giấu một ít lương và hạt giống, đặt trong chiếc hộp con, nên gọi là lương Chiên-già.

Lương xương trắng: Cũng có hai nhân: Thân những người này đều khô gầy từ lâu, nên một vài giờ sau khi chết, xương tức thành màu trắng. Lại do không có thức ăn, vì đói quá nên lấy các thứ xương trắng này nấu ra nước để uống.

Lương thẻ: Cũng có hai nhân: Thời kỳ này, các người do theo thứ lớp truyền thẻ, nhà nhà phân phát lương thực. Ngày nay, chủ nhà ăn, ngày mai thì đến vợ được ăn, theo thứ lớp như vậy.

Lại nữa, thời trước từng có nơi chốn chứa lúa thóc, những hạt lúa còn sót nằm trong kẽ đất, dùng thẻ khều lấy, tùy theo số hạt lúa nhặt được, rồi dùng nhiều nước để nấu uống, dùng làm lương thực.

Ở trong kinh truyền nói như thế này: Nếu người nào có thể trong một ngày, giữ giới lìa sát sinh, hoặc có thể thí cho một quả Halê-lặc, hoặc đối với đại chúng khởi tâm cung kính, có thể thí cho một bữa ăn, thì người ấy đối với thời kỳ có kiếp đao binh, dịch bệnh, đói khát, tức không sinh trong thời đó.

Ba tai họa: Đao binh, dịch bệnh, đói khát khởi đều trải qua thời gian bao lâu?

Kệ nói:

Bảy ngày và bảy tháng

Bảy năm thứ lớp hết.

Giải thích: Do tai họa đao binh sát hại chúng sinh phát khởi trong bảy ngày. Tai họa dịch bệnh phát khởi trong bảy tháng bảy ngày. Tai họa đói khát phát khởi trong bảy năm, bảy tháng, bảy ngày.

Bấy giờ, con người ở nơi hai châu cũng có sự việc tương tợ như ba tai họa dấy khởi. Do giận dữ tăng trưởng nơi chúng sinh dẫn đến gầy còm, đen điu, sắc xấu. Thân ốm yếu nơi họ cũng khởi. Đói khát cũng khởi. Đấy đều nói là ba tai họa. Trong các tai họa ấy, nên biết là theo thứ lớp đều có.

Kệ nói:

Kiếp tán tụ có ba

Do lửa, nước, gió khởi.

Giải thích: Ở mỗi mỗi xứ định, chúng sinh dưới tan, trên tụ, nên gọi là kiếp tán tụ.

Do bảy mặt trời xuất hiện nên có hỏa tai. Do nước mưa lớn nên có thủy tai. Do gió to cùng trái nhau, nên có phong tai.

Do ba tai họa này, nên phần vi tế của khí thế giới đều hoại hết, không còn gì.

Ở đây, có Sư ngoại đạo khác chấp nói: Lân hư như thế là thường trụ, trong thời kỳ này do Lân hư ấy là còn lại.

Vì sao phái ngoại đạo kia ưa chấp nghĩa này? Các vật lớn còn lại, về thời gian sau lại sinh. Chớ nên cho sự sinh kia là không có chủng tử.

Là không như thế chăng? Do nghiệp lực của các chúng sinh này nên gió được sinh khởi, vì công năng vượt hơn hẳn nên nói là chủng tử.

Lại nữa, phong tai đầu cũng là nhân của chủng tử. Trong kinh của bộ Di-hy-sa-tắc nói: Gió từ các nơi khác hiện thành thế giới, dẫn chuyển chủng tử của gió kia đến. Tuy nhiên, các thứ sư ngoại đạo đều không thừa nhận mầm v.v… từ hạt giống sinh.

Nếu như vậy thì lối chấp của Sư ngoại đạo kia là thế nào? Là từ tự phần sinh, cho đến tự phần là từ Lân hư của mình sinh.

Nếu như thế thì hạt giống v.v… ở trong mầm v.v… có công năng gì?

Lìa bỏ sự an lập Lân hư thì không có công năng riêng, do Lân hư của mầm là từ nơi hạt giống sinh ra.

Do đâu ngoại đạo kia thừa nhận như vậy? Do từ nhân quả không đồng loại sinh.

Điều này không hợp lý.

Vì sao không hợp lý?

Nếu như vậy thì tất cả vật sinh, tức nên không nhất định. Nghĩa này không đúng. Do công năng nhất định, nên không có nghĩa không nhất định. Ví như lúa chín v.v…

Nếu nghĩa này không đúng, thì vì sao pháp Cầu-na mỗi mỗi thứ đều không đồng?

Pháp Đạp-lạp-tỳ thì không như thế. Vì nếu vật sắp sinh, tất từ nơi vật đồng loại sinh. Ví như từ tre sinh chiếu, từ sợi tơ sinh y phục. Nay do nghĩa không tương ưng khởi.

Ở đây nghĩa nào là không tương ưng?

Tức nghĩa dẫn không thành tựu nên nghĩa chứng không thành tựu.

Nghĩa nào là không thành tựu?

Chiếu khác với tre, y phục khác với sợi tơ. Nghĩa này là không thành tựu. Vì sao? Vì tre này, tơ sợi này, do tụ tập như vậy nên được tên gọi riêng. Ví như đường đi của đàn kiến.

Làm sao nhận biết được?

Do ở trong sự hòa hợp của một sợi tơ, không thấy có y phục. Vì sao? Vì ở trong ấy nếu y phục là thật có, thì pháp nào có thể làm chướng ngại, khiến không hiện rõ? Nếu không có đủ thì chỉ có một phần y phục. Sợi tơ này không phải là y phục. Vì sao? Vì chỉ do tụ tập nên là y phục.

Lại có một phần y phục nào khác với sợi tơ ấy? Nếu do quán phần nhiều, dựa vào sự hòa hợp nên y phục được thành, chỉ trong sự hòa hợp của sợi tơ xong, tức nên thấy y phục. Nhưng lúc ấy không thấy có y phục này. Vì đầu, giữa, sau, không đối hợp căn, nên biết lìa sợi tơ thì không có y phục riêng khác.

Nếu phần y phục được phân chia theo thứ lớp đối hợp căn, thì không nên nói là do mắt, do thân chứng được là có phần, mà do thứ lớp quyết định chứng mới có phần. Thế nên, áo, trí chỉ duyên nơi từng phần khởi. Ví như vòng tròn lửa. Nếu sợi tơ có sự loại của sắc riêng, vì y phục không có sắc v.v…, nên y phục không thể đạt được.

Nếu y phục có vô số thứ loại riêng như sắc, thì không sinh loại riêng khác. Nghĩa này không thành, vì ở nơi biên riêng không có đủ các thứ sắc v.v…, nên không thấy y phục. Hoặc nên tức ở nơi biên này thấy vô số thứ sắc. Y phục, sợi tơ có vô số sự việc: Y phục phải nên không có vô số thứ dị biệt, thế nên biết y phục không có vật riêng.

Lại nữa, ánh sáng của lửa thiêu đốt, soi chiếu v.v… là có khác biệt. Ánh sáng này ở nơi phần đầu, giữa, sau, không nên có xúc sắc và sự việc cùng Lân hư v.v… Tuy vượt quá căn, nhưng nếu tụ tập thì có thể chứng biết. Như vật kia có thể tạo ra sự việc. Các căn như mắt v.v… nếu sinh khởi đã bị che mờ v.v… thì không trông thấy tóc xõa

v.v…, chỉ thấy tóc kết lại v.v… Vì sao? Vì một sợi tóc đối với người kia đều vượt quá căn. Ví như Lân hư. Thế nên nhận biết được.

Ông chỉ ở nơi sắc v.v… giả lập tên gọi Lân hư. Do nghĩa này nên khi sắc v.v… diệt tức Lân hư đồng diệt.

Nếu Lân hư là vật thật khác với sắc v.v…, thì không nên cùng với sắc đồng diệt. Nếu đã đồng diệt thì nghĩa khác tức không thành. Tùy loại ngu trí, tức không thể phân biệt: Vật này là đất, nước, lửa, gió. Sắc, thanh, hương vị, xúc trong vật ấy là đức. Ông giải thích nói: Các vật là đối tượng chứng biết của mắt, tai. Lông, cổ bối, hoa hồng, hoa uất kim, nếu bị thiêu đốt thì trí kia tức không có, nên biết trí ấy chỉ duyên nơi sắc v.v… khởi. Lúc dị thục đã sinh đức khởi, do hình mạo giống nhau, nên bình, trí lại sinh. Ví như sắc hành.

Vì sao nhận biết như thế?

Vì nếu người không thấy hình mạo, thì không thể nhận biết. Cũng như đối với lời nói của con trẻ, đâu đủ để đáng tín trọng. Nay nên dừng lại việc phá trừ lối chấp kia.

Lại nữa, ở trong ba tai họa đã nêu ở trước, đỉnh cao là ở nơi xứ nào?

Kệ nói:

Ba định cùng hai định

Thứ lớp đầu ba tai.

Giải thích: Các tai họa có ba thứ: Hỏa tai dùng định thứ hai làm đầu, đốt cháy các địa dưới. Thủy tai dùng định thứ ba làm đầu, các địa dưới bị tan hoại. Phong tai dùng định thứ tư làm đầu, các địa dưới đều tán diệt. Tùy theo các tai họa, địa trên được gọi là đầu (đỉnh cao) tai họa.

Nhân nào địa của ba định do lửa, nước, gió hủy hoại?

Kệ nói: Do cùng tai trong kia.

Giải thích: Ở địa của định thứ nhất thì giác quán (tầm tứ) là tai họa bên trong. Giác quán này có thể khởi tâm nóng bức, cùng với lửa bên ngoài là đồng. Ở định thứ hai, hỷ là tai họa bên trong. Hỷ này cùng với xúc khinh an tương ưng, có thể khiến nương dựa nơi sự mềm mại, trơn láng, cùng với nước bên ngoài là đồng. Trong định này tất cả thân cường tráng là trái với xúc diệt, nên nói là xứ diệt của khổ căn. Nơi định thứ ba thì hai hơi thở ra vào là tai họa bên trong. Tai họa này tức là gió ở nơi định đối với Tam-mabạt-đề.

Nếu như thật có tai họa bên trong này, thì ở nơi định v.v… ấy tất có tai họa bên ngoài như thế. Vậy sao không có tai họa của đất?

Đất gọi là khí thế giới, vì đất này cùng với lửa, nước, gió là trái nhau, không cùng trái với đất.

Nếu như vậy đối với định thứ tư có tai họa gì?

Kệ nói: Bốn không có: Bất động.

Giải thích: Ở định thứ tư, vì lìa tai họa bên trong, nên Đức Phật, Thế Tôn nói: Định kia gọi là bất động. Vì thế ở đây các tai họa không khởi, nên định thứ tư không có tai họa.

Bộ khác nói: Do uy lực của trời Tịnh Cư nên không có tai họa. Vì sao? Vì nơi trời ấy lại không có khả năng được nhập cõi vô sắc và trụ ở xứ khác thọ sinh. Do quyết định ở nơi xứ ấy nhập Niết-bàn, nên ở đấy không có tai họa.

Nếu như vậy thì khí thế giới của định thứ tư nên là thường trụ chăng?

Kệ nói:

Chúng sinh cùng vô thường

Vì cung điện sinh diệt.

Giải thích: Định thứ tư không cùng với một địa tương ưng.

Thế nào là mỗi mỗi địa đều trụ không chung với thứ khác?

Ví như các vì sao. Ở đây, nếu có chúng sinh sinh khởi và tử vong, thì cung điện cùng với chúng sinh kia là cùng sinh, cùng diệt. Tức địa này không phải là thường trụ.

Ba tai họa này theo thứ lớp khởi như thế nào? Hoặc là vô gián.

Kệ nói: Bảy hỏa, một thủy tai.

Giải thích: Bảy tai họa trước do hỏa khởi. Một tai họa sau mới do thủy khởi, tức theo thứ lớp như thế. Lại có bảy tai họa do hỏa khởi, tức tùy thuộc bảy hỏa tai, sau cùng đều do một thủy tai khởi.

Kệ nói:

Bảy thủy tai đã qua Sau lại bảy hỏa tai.

Giải thích: Do thứ lớp này, bảy thủy tai đã qua. Sau, bảy hỏa tai lại theo thứ lớp khởi.

Kệ nói: Sau đó phong tai khởi.

Giải thích: Từ sau đấy một phong tai khởi.

Do nhân nào khiến như thế?

Vì chúng sinh nơi cõi kia do đức thù thắng của định, như tự thân trụ có sai biệt, và nơi chốn cư trú cũng như thế.

Trụ này được bao nhiêu thời gian?

Trải qua năm mươi sáu hỏa tai, một phong tai.

Nếu tạo ra nghĩa như thế, thì Luận Phân Biệt Lập Thế (Luận Thi Thiết), tức được tùy thuận. Vì Luận kia nói: Sáu mươi bốn kiếp là thọ lượng của trời Biến tịnh.

HẾT – QUYỂN 9