A TU LA

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿修羅) Phạm:Asura, gọi tắt là Tu la. Là một trong sáu đường, một trong tám bộ chúng, một trong mười giới. Còn gọi là A tác la, A tô la, A tố la, A tố lạc, A tu luân. Dịch ý là Phi thiên, Phi đồng loại, Bất đoan chính. Các nhà dịch cũ dịch là Bất tửu, Bất ẩm tửu, có thể là dịch lầm. A tu la là một trong các thần xưa nhất A Tu La tại Ấn độ, thuộc loại quỉ thần chiến đấu, thường bị coi là ác thần và liên tục tranh đấu với Đế thích thiên (thần Nhân đà la) đến nỗi đã xuất hiện các từ Tu la tràng, Tu la chiến. Cứ theo kinh Tăng nhất A hàm quyển 3 phẩm A tu luân chép, thì thân hình thần A tu la chu vi tám vạn bốn nghìn do tuần, miệng rộng một nghìn do tuần. Ngoài ra, kinh Trường a hàm quyển 20 phẩm A tu luân, kinh Đại lâu thán quyển 2 phẩm A tu luân, kinh Khởi thế nhân bản quyển 5 v.v… đều có chép tường tận về chỗ ở và sự tích của thần này. Về nghiệp nhân của A tu la, các kinh phần nhiều nêu ra ba loại là tức giận, kiêu căng và nghi kị. Còn kinh Phật vị thủ ca trưởng giả thuyết nghiệp báo sai biệt, thì liệt kê mười loại sinh nhân của A tu la: 1. Thân làm chút ác, 2. Miệng nói chút ác, 3. Ý nghĩ chút ác, 4. Khởi tâm kiêu mạn, 5. Khởi tâm ngã mạn, 6. Khởi tâm tăng thượng mạn, 7. Khởi tâm đại mạn, 8. Khởi tà tâm mạn, 9. Khởi tâm mạn mạn, 10. Quay về các thiện căn. Ngoài ra, cây đàn mà A tu la cầm, đặc biệt gọi là đàn A tu la. Khi A tu la muốn nghe một nhạc khúc nào thì cây đàn tự nhiên đánh ra. Như thế thì A tu la cũng có nhiều phúc đức. Về hình tượng của A tu la cũng có nhiều thuyết, có thuyết bảo chín đầu nghìn mắt, miệng khạc ra lửa, chín trăm chín mươi chín tay, sáu chân, thân hình to gấp bốn lần núi Tu di, có thuyết lại nói một nghìn đầu hai nghìn tay, một vạn đầu hai vạn tay, ba đầu sáu tay, cũng có thuyết bảo ba mặt mầu xanh thẫm, dáng phẫn nộ và khỏa hình, sáu cánh tay. [X. kinh Trường a hàm Q.10, Q.21; luận Đại trí độ Q.10, Q.11, Q.30; Phật địa kinh luận Q.6; Quan âm kinh nghĩa sớ kí Q.4; Pháp hoa kinh văn cú Q.2; Tuệ uyển âm nghĩa Q.thượng; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.2].