Á TỬ ĐẮC MỘNG

Phật Quang Đại Từ Điển

(啞子得夢) Người câm được mộng. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Nguyên là người câm không thể kể lại những điều mình thấy trong mộng cho người khác nghe được; trong Thiền lâm, từ này được chuyển dụng để thí dụ người học đạo không thể dùng lời nói để diễn tả cái cảnh giới mà chính mình đã thể ngộ cho người khác biết. Cứ theo Vô môn quan chép, thì Vô môn nói rằng (Đại 48, 293 thượng): Hãy tham cứu chữ Vô đi, ngày đêm không dời, đừng hiểu là hư vô, đừng hiểu là hữu vô. Cũng giống như nuốt viên sắt nóng, khạc cũng không khạc ra được. Tẩy cho sạch hết những cái hiểu biết sai lệch trước kia, lâu lâu thuần phục, tự nhiên trong ngoài đả thành nhất phiến (tự nhiên chủ thể và đối tượng hợp làm một). Như người câm được mộng, chỉ tự mình biết. Đoạn văn trên đây biểu thị đem tâm truyền tâm, lời nói chẳng kịp, ý nghĩ chẳng tới, quyết không phải việc có liên quan đến môi mép của kẻ khác. Đồng nghĩa với các câu nói như: người câm ăn hoàng liên, người câm ăn mướp đắng, lạnh nóng tự biết v.v… Á tử, còn nói là Á hán (gã câm).