A TỰ BẢN BẤT SINH

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿字本不生) Phạm:Akàra-àdyanutpàda#. Mật giáo bảo chữ A là căn bản của tất cả ngôn ngữ văn tự, bao hàm nhiều ý nghĩa, như nghĩa bất sinh, nghĩa không, nghĩa có v.v… trong đó, đặc biệt coi trọng các nghĩa bất sinh, vốn, đầu tiên, cho rằng hết thảy muôn vật xưa nay vốn đã tồn tại, và hiện rõ cái mặt mày thật của chúng; nếu đứng trên lập trường của Mật giáo mà nhận xét, thì đó tức là sự tự nội chứng của Đại nhật Như lai. Vì thế, kinh Đại nhật sớ quyển 2, quyển 6, quyển 7, khi giải thích chữ A, bảo rằng, chữ A là thể tính của các pháp, là nguồn gốc sinh ra muôn pháp, nếu hành giả thể nhận được cái lí chữ A vốn chẳng sinh, thì có thể biết rõ được nguồn gốc của tâm mình một cách như thực, mà được nhất thiết trí của Như lai, tự thân mình cùng với Đại nhật Như lai chẳng phải là hai. Còn nghĩa bắt đầu, vốn là từ nơi chữ Phạm Àdi mà ra; rồi nghĩa bất sinh thì từ nơi chữ Phạm Anutpàda mà ra. Về mặt văn pháp, chữ A được dùng làm chữ phủ định, cho nên có những ý không, chẳng phải, chẳng. Chẳng hạn như A di đà Phật dịch là Vô lượng thọ (tuổi thọ không có lượng), Vô lượng quang (ánh sáng không có lượng); A na hàm dịch là Bất hoàn (chẳng trở lại), Bất lai (chẳng lại) v.v… [X. kinh Đại nhật Q.2 phẩm Cụ duyên; kinh Du già kim cương đính phẩm Thích tự mẫu; kinh Thủ hộ quốc giới Q.2 phẩm Đà la ni; luận Đại trí độ Q.48]. (xt. A).