A-Tì-đạt-Ma

Từ Điển Đạo Uyển

阿 毗 達 磨; S: abhidharma; P: abhidhamma; T: chos mngon pa;
cũng được gọi là A-tì-đàm (阿 毗 曇). Dịch nghĩa là Luận tạng, Thắng pháp
tập yếu luận, có nghĩa là Thắng pháp (勝 法) hoặc là Vô tỉ pháp (無 比 法),
vì nó vượt (abhi) trên các Pháp (dharma), giải thích Trí huệ;

Tên của tạng thứ ba trong Tam tạng. Tạng này chứa đựng các bài giảng của
đức Phật và các đệ tử với các bài phân tích về Tâm và hiện tượng của
tâm. A-tì-đạt-ma là gốc của Tiểu thừa lẫn Ðại thừa, xem như được thành
hình giữa thế kỉ thứ 3 trước và thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên. Lần kết
tập cuối cùng của A-tì-đạt-ma là khoảng giữa năm 400 và 450 sau Công
nguyên. Có nhiều dạng A-tì-đạt-ma như dạng của Thượng toạ bộ (p:
theravāda), của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvās-tivāda)… A-tì-đạt-ma là gốc
của mọi trường phái và người ta dùng nó để luận giảng các bài Kinh (s:
sūtra; p: sutta).

A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ được Phật Âm (佛 音; s: buddhaghoṣa) hoàn
chỉnh, được viết bằng văn hệ Pā-li và bao gồm bảy bộ: 1. Pháp tập luận
(法 集 論; p: dhammasaṅgaṇi): nói về các tâm pháp, sắp xếp theo từng cách
thiền định khác nhau và các pháp bên ngoài, xắp xếp theo nhóm; 2. Phân
biệt luận (分 別 論; p: vibhaṅga): nêu và giảng nghĩa, phân biệt những
thuật ngữ như Ngũ uẩn (五 蘊; p: pañcakhandha), Xứ (處; s, p: āyatana), Căn
(根; s, p: indriya) v.v.; 3. Luận sự (論 事; p: kathāvatthu): nêu 219 quan
điểm được tranh luận nhiều nhất và đóng góp nhiều cho nền triết lí Phật
giáo; 4. Nhân thi thiết luận (人 施 設 論; p: puggalapaññati): nói về các
hạng người và Thánh nhân; 5. Giới thuyết luận (界 說 論; p: dhātukathā):
nói về các Giới (界; s, p: dhātu); 6. Song luận (雙 論; p: yamaka): luận về
các câu hỏi bằng hai cách, phủ định và xác định; 7. Phát thú luận (發 趣
論; paṭṭhāna hoặc mahāprakaraṇa): nói về những mối liên hệ giữa các Pháp
(p: dhamma).

Trong Nhất thiết hữu bộ, A-tì-đạt-ma được viết bằng Phạn ngữ (sanskrit)
và Thế Thân (世 親; s: vasubandhu) là người tổng hợp. A-tì-đạt-ma này cũng
bao gồm bảy bộ khác nhau, cụ thể là: 1. Tập dị môn túc luận (集 異 門 足 論;
s: saṅgītipar-yāya): bao gồm những bài giảng theo hệ thống số, tương tự
như Tăng-nhất bộ kinh; 2. Pháp uẩn túc luận (法 蘊 足 論; s:
dharmaskandha): gần giống như Phân biệt luận trong A-tì-đạt-ma của
Thượng toạ bộ; 3. Thi thiết túc luận (施 設 足 論; s: pra-jñaptiśāstra):
trình bày dưới dạng Kệ những bằng chứng cho những sự việc siêu nhiên,
thần bí; 4. Thức thân túc luận (識 身 足 論; s: vijñānakāya): nói về các vấn
đề nhận thức. Có vài chương nói về những điểm tranh luận giống Luận sự
(kathāvat-thu), Giới luận (dhātukathā) và Phát thú luận (paṭṭhāna) trong
A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ; 5. Giới thân túc luận (界 身 足 論; s:
dhātukāya): gần giống Giới thuyết luận (p: dhātukathā) của Thượng toạ
bộ; 6. Phẩm loại túc luận (品 類 足 論; s: prakaraṇa): bao gồm cách xác định
những thành phần được giảng dạy và sự phân loại của chúng; 7. Phát trí
luận (發 智 論; s: jñānaprasthāna): xử lí những khía cạnh tâm lí của Phật
pháp như Tuỳ miên (隨 眠; s: anuśaya), Trí (智; jñāna), Thiền (禪; s:
dhyāna) v.v… (xem thêm Tâm sở).