A TÌ ĐẠT MA ĐẠI THỪA KINH

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿毗達磨大乘經) Tây tạng: Chos-mon-pa theg-pachen-po#i mdo. Còn gọi là A tì đạt ma kinh (Phạm:Abhidharma-sùtra), Đại thừa a tì đạt ma. Bản gốc tiếng Phạm, bản dịch Tây tạng và bản Hán dịch của kinh này đều không còn, chỉ còn được viện dẫn hoặc trích thuật trong sách luận của phái Du già. Các Phật điển đã từng dẫn dụng kinh này thì có Duy thức tam thập tụng thích (Phạm: Triôzikà-bhàwya) bằng tiếng Phạm của ngài An tuệ, dẫn dụng một chỗ, Trung biên phân biệt luận sớ (Phạm: Madhyàntavibhàgaỉikà) dẫn dụng hai chỗ. Hán dịch thì có Nhiếp đại thừa luận bản dẫn dụng tám chỗ, Đại thừa a tì đạt ma tập luận quyển 7, Đại thừa a tì đạt ma tạp tập luận quyển 16, Nhiếp đại thừa luận thích quyển 1 của ngài Vô tính, Duy thức nhị thập tụng thuật kí v.v…, mỗi bộ đều viện dẫn một chỗ, lại trong kinh Vô tận ý được dẫn ở luận Quảng thích bồ đề tâm, cũng thấy có tên A tì đạt ma kinh. Sự quan hệ giữa bộ kinh này và luận Nhiếp đại thừa, cứ dựa vào đoạn kinh văn mở đầu và kết thúc trong Nhiếp đại thừa luận bản thì biết, ngài Vô trước viết luận Nhiếp đại thừa là để thông suốt nghĩa lí mà giải thích tóm tắt kinh này trong phẩm Nhiếp đại thừa, nhưng, ngài Chân đế đời Trần, dịch luận Nhiếp đại thừa bảo (Đại 31, 113 trung): Luận Nhiếp đại thừa tức là giáo lí của A tì đạt ma và Đại thừa tu đa la. Từ đó suy ra thì biết, A tì đạt ma đại thừa không phải là một bộ kinh đặc biệt nào. Tuy nhiên, thông thường người ta cho rằng, Nhiếp đại thừa luận bản là căn cứ vào Thập thắng tướng được trình bày trong kinh A tì đạt ma đại thừa để bàn một cách khái quát về yếu nghĩa chung của Đại thừa. [X. Hán dịch tứ bản đối chiếu Nhiếp đại thừa luận (Tá tá mộc nguyệt tiều); Nhiếp đại thừa luận nghiên cứu (Vũ tỉnh bá thọ); Căn bản trung dữ không (Cung bản chính tôn)].