A TÌ ĐẠT MA CÂU XÁ LUẬN

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿毗達磨俱舍論) Phạm: Abhidharmakoza-zàstra. Gọi tắt là Câu xá luận. Dịch ý là Đối pháp tạng luận, Thông minh luận. Là tập đại thành giáo lí của Phật giáo bộ phái, là sách cương yếu của luận Đại tì bà sa. Bồ tát Thế thân (Phạm: Vasubandhu) trước tác vào năm 450 Tây lịch. Hán dịch có hai bản, một do ngài Chân đế dịch vào năm Thiên gia thứ 4 (563) đời Trần là A tì đạt ma câu xá thích luận 22 quyển, đời gọi là Câu xá cũ; một do ngài Huyền trang dịch vào năm Vĩnh huy thứ 2 (651) đời Đường, 30 quyển, là giáo pháp chủ yếu trước nay của tông Pháp tướng, đời gọi là Câu xá mới. Cả hai bản đều được thu vào Đại chính tạng tập 29. Bộ luận này được nghiên cứu rộng rãi cả ở Ấn dộ, Trung quốc, Tây tạng và Nhật bản, những sách chú thích ưu tú cũng rất nhiều.

Đối với việc lí giải Phật giáo Bộ phái và nền tảng của Phật giáo Đại thừa, luận Câu xá có một giá trị rất lớn. Ngài Thế thân tuy một mặt lấy giáo học của Thuyết nhất thiết hữu bộ làm tiêu chuẩn, nhưng, mặt khác, cũng lấy thái độ phê phán để giới thiệu học thuyết của Kinh lượng bộ và Đại chúng bộ, đứng trên lập trườnglí trường vi tông mà viết luận Câu xá. Lại các kinh điển Đại thừa và các luận thư Đại thừa lấy giáo học của Hữu bộ làm cơ sở, hoặc để bác xích Hữu bộ mà viết ra, cũng chiếm đa số. Vì lẽ luận Câu xá là kết quả của thái độ phê phán, đem giáo học phồn tạp của Hữu bộ chỉnh lí mà thành, cho nên nó được các học giả của cả Đại thừa và Tiểu thừa trân trọng. Giáo lí của bộ luận này, phần nhiều được trích ra từ luận Đại tì bà sa và, theo truyền thuyết, thể hệ và phương pháp chỉnh lí giáo lí trong luận này đã chịu ảnh hưởng của luận Tạp a tì đàm tâm của ngài Pháp cứu.

Luận Câu xá căn bản là phản ánh cái học thuyết chủ yếu của Hữu bộ về thế giới, nhân sinh và tu hành mà hiện đang lưu hành tại Ca thấp di la vào thời bấy giờ, đồng thời, hấp thu nhiều quan điểm của Kinh lượng bộ. Nội dung được cấu thành bởi tám phẩm Giới, Căn, Thế gian, Nghiệp, Tùy miên, Hiền Thánh, Trí và Định, ngoài ra, lại phụ thêm phẩm Phá ngã mà thành chín phẩm. Trong đó: 1.Giới phẩm 2.Căn phẩm, thuyết minh thế giới hiện thực (vật chất và tinh thần giới), thành lập yếu tố Pháp, đồng thời, thuyết minh các danh tướng hữu vi, vô vi, năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi hai căn, sáu nhân bốn duyên v.v… 3.Thế gian phẩm, thuyết minh thế giới sinh vật (hữu tình) từ địa ngục cho đến các cõi trời, và thế giới vật lí (khí thế giới), đồng thời, giới thiệu vũ trụ quan và địa lí thuyết của Ấn độ, ngoài ra, còn giải thuyết mười hai duyên khởi, thuyết minh tướng trạng luân hồi, đó tức là Nghiệp cảm duyên khởi luận.4.Nghiệp phẩm, thuyết minh nguyên nhân của luân hồi, và chia nhỏ các chủng loại nghiệp. 5.Tùy miên phẩm, tường thuật phiền não, phân loại thành sáu đại phiền não, mười tùy miên, tám mươi tám sử, một trăm lẻ tám phiền não, đồng thời, giới thiệu quá khứ, vị lai, hiện tại, ba đời thực có để mà bác bỏ.

Ba phẩm Thế gian, Tùy miên và Nghiệp là chỉ bày rõ cái thế giới mê vọng (hữu lậu). 6.Phẩm Hiền thánh, thì chia các giai vị ngộ nhập làm vị phàm phu là am hiền, Tứ thiện căn, Thánh vị là Tứ song bát bối, rồi thuyết minh phép quán để ngộ nhập, tức là Tứ đế thập lục hiện quán. 7.Trí phẩm, thuyết minh mười trí là thế tục trí, pháp trí và loại trí v.v… là trí tuệ đạt được khai ngộ, đồng thời, thuyết minh mười tám pháp bất cộng. 8.Định phẩm, ngoài sự thuyết minh Thiền định căn bản đưa đến Thánh trí, còn thuyết minh các Thiền định khác, như Tứ thiền, Tứ vô sắc định, Tam giải thoát môn và Tứ vô lượng tâm v.v… 9. Phá ngã phẩm, thì đứng trên lập trường vô ngã để bác bỏ cái phi tức phi li uẩn ngã của Độc tử bộ và cái ngã của Thắng luận, rồi trình bày rõ đạo lí vô ngã. Như trên đã nói, luận Câu xá đem giáo lí bao la phồn tạp của Tì bà sa chỉnh lí thành tám phẩm một cách tuyệt kĩ, thể hệ nghiêm chỉnh, luận chỉ rõ ràng, đứng đầu các luận, là sách cương yếu của giáo học Hữu bộ. Các học giả xưa nay, khi bàn về tông chỉ của luận Câu xá, thì có người bảo nó thuộc Hữu bộ, có người cho trong hai mươi bộ, Câu xá chỉ lấy đạo lí làm tông chỉ, có người bảo nó là tông khác của Kinh bộ, lại có người cho là vâng theo Hữu bộ v.v… ý kiến rất khác nhau. Tại Trung quốc, sau khi luận Câu xá được dịch ra thì lấy nó thay cho tông Tì đàm. Luận Câu xá được truyền đến Nhật bản vào thời đại Nại lương và thành lập tông Câu xá, và cái truyền thống lấy luận Câu xá làm nền tảng cho sự nghiên cứu học tập vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Phật giáo Ấn độ và Tây tạng cũng nghiên cứu luận này một cách rộng rãi. Nguyên bản tiếng Phạm đã được phát hiện ở Tây tạng, nhưng chỉ ấn hành kệ tụng mà thôi. (V.V. Gokhale: The Text of the Abhidharmakozakàrikà of Vasubandhu, 1946), luận Câu xá gốc thì được xuất bản tại Ba đặc na (Patna) Ấn độ (P. Pradhan: Abhidharmakoza-bhàwya of Vasubandhu, 1967).

Kệ tụng và luận Câu xá đều có bản dịch Tây tạng, đó là: Chos-mon-pa#i mdsod-kyi tshig le#ur byas-pa (Abhidharmakozakàrikà, bản Bắc kinh 115, pp. 115 – 127) và Chos-mon-pa#i mdsos-kyi bzad-pa (Abhidharmakoza-bàwya, bản Bắc kinh 115, pp. 127 – 283). Cứ theo truyền thuyết, tại Ấn độ đã từng có các ngài Đức tuệ, Thế hữu, An tuệ, Trần na, Xứng hữu, Tăng mãn (Phạm: Pùrnavardhana), Tịch thiên (Phạm: Zamathadeva) v.v… chú thích Câu xá, nhưng hiện nay chỉ còn bản của ngài Xứng hữu. Còn có U. Wogihara: Sphuỉàrthà Abhidharmakozavyàkhyà, 1 – 7 (Tokyo, 1932 – 1936), bản chú thích này cũng có bản dịch Tây tạng và rất được coi trọng. Tức là: Chos-monpa#i mdsod-kyi hgrel-bzad (Abhid-harmakozatikà, bản Bắc kinh 116, pp. 43 – 117). Ngoài bản chú thích này ra, Tây tạng vẫn còn giữ được các bản chú thích của các ngài Tăng mãn, Tịch thiên và Trần na. Hán dịch thì có: Câu xá luận thực nghĩa sớ của An tuệ, năm quyển nhưng thiếu sót, bản Đôn hoàng có sách này (thu vào Đại chính tạng tập 29), Chú sớ câu xá của Chân đế mười sáu quyển, Nghĩa sớ 53 quyển đã thất lạc. Các chú thích bản dịch của ngài Huyền trang thì có: Câu xá luận kí ba mươi quyển của Phổ quang và Câu xá luận sớ ba mươi quyển của Pháp bảo, trước nay được coi là sách chỉ nam cho việc nghiên cứu luận Câu xá. Câu xá luận tụng sớ ba mươi quyển của sư Viên huy cũng được coi trọng, bản sớ này bỏ bớt các phần tranh luận, giải thích giáo lí của Hữu bộ một cách rõ ràng và đơn giản, vì thế dễ hiểu. Năm gần đây, người Nhật tên là Húc nhã soạn bộ Quán đạo câu xá luận cũng thường dẫn dụng sách của Viên huy.

Pháp tuyên soạn Câu xá luận giảng nghĩa, giúp ích rất nhiều cho người mới học. Trung quốc thì có bộ Câu xá luận tụng giảng kí của Diễn bồi. [X. Đại đường tây vực kí Q.4; Lịch đại tam bảo kỉ Q.9; Khai nguyên thích giáo lục Q.7, Q.8; A tìđạt ma luận đích nghiên cứu (Mộc thôn thái hiền), Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận (Mộc thôn thái hiền viết, Diễn bồi dịch); Câu xá luận đích nguyên điển giải minh (Sơn khẩu ích, Chu kiều nhất tai); Th. Stcherbasky: The Central Conception of Buddhism and the Meaning of the word Dharma, London 1923; O. Rosenberg: Die Probleme der buddhistischen Philosophie, Heidelberg, 1924].