A TÌ ĐẠT MA

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿毗達磨) Phạm: Abhidharma, Pāli: Abhidhamma. Là một trong ba tạng. Còn gọi là A tì đàm, A tị đạt ma, Tì đàm. Dịch ý là Đối pháp, Đại pháp, Vô tỉ pháp, Hướng pháp, Thắng pháp, Luận. Cùng với Kinh (Phạm: Sùtra), Luật (Phạm:Vinaya) gọi chung là ba tạng (nói chung về Thánh điển của Phật giáo), cho nên cũng gọi là A tì đạt ma tạng, A tì đàm tạng, Đối pháp tạng hoặc Luận tạng v.v… A tì đạt ma vốn chỉ sự nghiên cứu giáo pháp. Nếu nghiên cứu tạng Luật, thì gọi là A tị nại da. Về sau, nói rộng đến cả việc tường thuật, luận cứu hai tạng Kinh và Luật đều cũng gọi là A tì đạt ma. Nó được thành lập vào khoảng trước sau Tây lịch, lúc đầu, chỉ đơn giản qui nạp một số danh từ Phật giáo, sau dần dần trở thành hình thức giải thích. Mãi đến thời đại Phật giáo bộ phái, thì các phái có thế lực, đều thành lập A tì đạt ma riêng của mình, từ đó, giáo học theo hình thức triết học thâm thúy phồn tạp bắt đầu khai triển. Luận Câu xá quyển 1 chép, A tì đạt ma thắng nghĩa là dùng trí tuệ đối quán lí bốn đế, là trí tuệ đối hướng Niết bàn tối cao, có đủ ý nghĩa tuệ, vô lậu. A tì đạt ma hiện còn, chủ yếu có hai loại là Thượng tọa bộ (văn Pāli) và Thuyết nhất thiết hữu bộ (lấy Hán dịch làm chủ), nhất là loại sau đã phôi thai ra Phật giáo Đại thừa, nên lại càng có một ý nghĩa đặc biệt. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 1, nêu lên bảy nghĩa của A tì đạt ma: 1. Đối pháp (đối hướng, đối quán) 2. Sổ pháp 3. Phục pháp 4. Thông pháp 5. Vô tỉ pháp 6. Đại pháp 7.Thích pháp [X. Thiện kiến luật tì bà sa Q.1; luận Đại tì bà sa Q.1; luận Phân biệt công đức Q.1; Câu xá luận sớ Q.1 (Thần thái); Đại thừa nghĩa chương Q.1].