Phật Quang Đại Từ Điển

A NẬU LA ĐÀ BỔ LA

(阿㝹羅陀補羅) Phạm, Pāli: Anuràdhapura. Còn gọi là A nâu la quốc thành, A nâu la đà quốc. Hoặc phiên là A nỗ lạp đạt phổ lạp. Cố đô của Tích lan, đồng thời, là Thánh địa Phật giáo. Nằm ở giữa tỉnh Trung bắc (North Central Province) hiện nay, và cách Kandy về phía bắc khoảng một trăm bốn mươi cây số. Cứ theo Đại sử (Pāli: Mahàvaôsa) 10 chép, thì khoảng năm 543 trước Tây lịch, vua Tì xá da (Pāli: Vijaya) bắt đầu lập vương quốc. Trải qua thời gian, truyền đến đời vua Bán đồ ca bà da (Pāli: Paịđukàbhaya, 377 tr. T.L – 307 tr. T.L) mới xây thành ở đây, mở các cửa thành, lập các công viên, thì lúc đó bề ngoài mới có vẻ là một Thủ phủ. Thế kỉ thứ III trước Tây lịch, vua Thiên ái đế tu (Pāli: Devànaôpiyatissa, 247 tr. T.L – 207 tr. T.L) lên ngôi và mở mang Phật giáo. Nhân con của hoàng đế A dục là Ma hi đà (Pāli: Mahinda) lần đầu tiên đến núi Mi sa ca (Pāli: Missaka-pabbata, nay gọi là A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung Kinh Mihintale) ở phía đông thành, nói pháp cho vua và quần thần nghe, nhà vua liền qui y Tam bảo: đó là đầu mối của nền Phật giáo hưng long tại Tích lan. Lại theo nguyện lực của Vương hậu A nâu la (Pāli: Anulà), nhà vua sai sứ đến thành Hoa thị (Pāli: Pupphapura), tại Ấn độ, mời em gái của Ma hi đà là Tăng già mật đa tỉ khưu ni (Pāli: Saghamittà) sang Tích lan giáo hóa. Nhân dịp này, Tăng già mật đa mang tặng vua cây Bồ đề, nhà vua bèn tự tay đem trồng trong rừng Đại mi già (Pāli: Mahàmegha-vana), đồng thời, sáng lập chùa Đại tự (Mahà vihàra) ở đây, nơi này bèn trở thành trung tâm của Phật giáo Thượng tọa bộ. Về sau, các triều vua đều sùng tín Phật pháp, lần lượt xây dựng các chùa, tháp gần vương thành để cúng dường chúng tăng và xá lợi. Từ khi Phật giáo mới du nhập cho đến cuối thế kỉ thứ VIII Tây lịch, thành này vẫn là Thủ phủ của Tích lan. Đến thế kỉ thứ IX, vì người Tháp mễ nhĩ (Tamil) xâm nhập, kinh đô phải dời đến Ba la na lỗ ngõa (Polonnaruwa). Từ đó, thành cổ A nâu la đà bổ la mỗi ngày một hoang vu. Đầu thế kỉ XV, vì người Âu xâm nhập, nên kinh đô lại được dời đến Kandy. Mãi đến năm 1872 A nâu la đà bổ la mới trở thành tỉnh lị của tỉnh Trung bắc. Trải qua các đời vua, tại A nâu la đà bổ la, một số lớn các chùa tháp đã được xây dựng và tu bổ, hiện nay còn lại có vườn tháp (Pāli: Thùpàràma), chùa núi Vô úy (Pāli: Abhayagiri), chùa Lăng già (Pāli: Lakàràma), tháp Phồn tiêu (Pāli: Mirisaveti Dagoba), tháp Vu phần (Pāli: Ruwanweli Dagoba), điện Đồng, cây Đại bồ đề v.v… gọi là Bát Thánh xứ (tám nơi Thánh). Ngoài ra, còn có các di tích chùa Đại tự, mộ Ma hi đà, v.v… [X. Thiện kiến luật tì bà sa Q.2, Q.3; Đại đường tây vực kí Q.11; G. E. Mitton: The Lost Cities of Ceylon; W. Geiger: Mahàvaôsa]. (xt. Tích Lan Phật Giáo).