Phật Quang Đại Từ Điển

A NAN HỮ TAM NHÂN

(阿難有三人) Còn gọi là A nan tam danh. Nghĩa là, ngài A nan là một trong mười đệ tử lớn của đức Phật, về danh xưng, trong các kinh điển, có ba loại. 1. Cứ theo Pháp hoa văn cú quyển 1 phần trên chép: a. A nan đà (Phạm:Ànanda), dịch là Hoan hỉ, thụ trì tạng Tiểu thừa. b. A nan bạt đà (Phạm:Ànandabhadra), còn gọi là A nan đà bạt đà la, dịch là Hoan hỉ hiền, thụ trì Tạp tạng. c. A nan sa già (Phạm:Ànandasàgara), dịch là Hoan hỉ hải, thụ trì Phật tạng. Pháp hoa văn cú còn dẫn kinh A hàm, nêu thêm danh xưng Điển tạng A nan mà nói là có bốn loại A nan. 2. Hoa nghiêm huyền đàm quyển 8, dẫn kinh Tập pháp, nêu ra ba loại: A nan, A nan bạt đà và A nan ca la. 3. Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 2 thì dẫn kinh A xà thế vương sám hối, cũng nêu ba loại: A Nan Đà, A Nan bạt đà và A nan sa già, lần lượt thụ trì ba thừa Hạ, Trung, Thượng. Ngoài ra, cứ theo Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 1 thiên Thập đại đệ tử chép, thì A nan có khả năng thụ trì ba loại pháp tạng khác nhau, tùy theo công đức mà được xưng hô, cho nên mới có ba tên. Tức là: 1. A nan, dịch là Khánh hỉ, vì có thể truyền trì tạng Thanh văn mà có tên này. 2. A nan bạt đà, dịch là Hỉ hiền, vì có thể truyền trì tạng Duyên giác mà được tên này.3. A nan ca la, dịch là Hỉ hải, vì có thể truyền trì tạng Bồ tát mà được tên này. Lại cứ theo sự giải thích trong kinh Viên giác lược sớ, thì A nan có khả năng thụ trì, truyền bá pháp tạng lớn, nhỏ của một đời đức Phật, người đời theo pháp được truyền mà tán thán cái đức của ngài, nên có thuyết A nan tam danh (A nan có ba tên), chứ không phải A nan có ba người, bốn người khác nhau.