A-Nan-đà

Từ Điển Đạo Uyển

阿 難 陀; S, P: ānanda; cũng gọi ngắn là A-nan, dịch nghĩa là Khánh Hỉ (慶 喜), Hoan Hỉ (歡 喜);

1. Một trong Mười đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni. Cùng họ với Phật,
A-nan-đà gia nhập giáo hội hai năm sau ngày thành lập, trở thành người
hầu cận của Ðức Phật. Tôn giả nổi tiếng với trí nhớ phi thường về những
lời Phật dạy. Tôn giả là người xây dựng cơ bản giáo pháp trong lần kết
tập thứ nhất và được xem là Nhị tổ của Thiền tông Ấn Ðộ.

Theo kinh sách, A-nan-đà được xem là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng
sự đức Phật. Tôn giả chỉ chấp nhận làm người hầu cận cho Phật khi được
Phật hứa rằng, không vì thế mà được quan tâm hơn các vị khác. A-nan-đà
cũng chính là người khám phá và trừ bỏ âm mưu giết Phật của Ðề-bà
Ðạt-đa. Hơn ai hết, A-nan-đà bênh vực cho việc nữ giới được học hỏi giáo
pháp. Nhờ sự can thiệp của Tôn giả mà Phật chấp nhận thành lập ni đoàn.
Chính vì điều này mà trong lần Kết tập thứ nhất, A-nan-đà bị Tăng-già
chê trách. Tương truyền rằng, sau khi Phật nhập Niết-bàn, A-nan-đà mới
giác ngộ, đắc quả A-la-hán trong đêm trước lần kết tập thứ nhất.

2. Nếu định nghĩa theo Ấn Ðộ giáo (e: hindu-ism) thì A-nan-đà không phải
là tâm trạng khánh hỉ được tạo ra bởi một đối tượng mà hơn nữa, nó là
một niềm vui của một trạng thái nằm trên mọi tư duy nhị nguyên, những
cặp đối đãi. Hệ thống triết lí Vê-đan-ta (s: vedānta) quan niệm rằng,
một tâm thức thoát khỏi suy nghĩ – nghĩa là tâm thức không còn vướng mắc
những khái niệm như sinh, tử, khổ não, nói chung là mọi tư duy – chính
là A-nan-đà, sự an vui thuần tuý. Khi mô tả, diễn giải những danh từ rất
trừu tượng như “Brahman”, hệ thống Vê-đan-ta sử dụng thành ngữ
“Sat-Cit-Ānanda”, nghĩa là “Chân lí – Nhận thức tuyệt đối – A-nan-đà” và
A-na-đà ở đây là sự an vui tuyệt đối, vô lượng mà hành giả chỉ có thể
cảm nhận được trong lúc nhập Ðịnh (s: samādhi). Trong các dòng tu theo
truyền thống của Ðại sư Shan-ka-ra (s: śaṅkara) thì A-nan-đà là chữ cuối
của nhiều danh hiệu, ví dụ như Vi-ve-ka-a-nan-đà (s: vivekānanda).