Phật Quang Đại Từ Điển

A NAN CỤ BÁT PHÁP

(阿難具八法) Cứ theo kinh Niết bàn (bản Bắc) quyển 40 chép, thì đức Phật nói với bồ tát Văn thù sư lợi là ngài A nan có đủ tám pháp, có thể giữ mười hai bộ kinh (mười hai phần giáo), cho nên gọi A nan là Đa văn tạng. Tám pháp ấy là: 1.Tín căn kiên cố, tín tức là tín thuận, căn tức là năng sinh. Nghĩa là, A nan nghe Như lai nói mười hai bộ kinh, tin chịu vững chắc, do lòng tin ấy mà hết thảy công đức thiện pháp có thể sinh trưởng. 2.Kì tâm chất trực, chất, là nghĩa chất phác. Tức là, A nan sau khi nghe mười hai bộ kinh, thì tâm ngay thẳng thường nương nơi chính pháp, mãi mãi xa lìa mọi kiến giải hư dối quanh co. 3.Thân vô bệnh khổ, nghĩa là A nan đã nhiều kiếp tu hành, những việc thiện làm lợi cho người không thể tính được, vì thế thân không có bệnh khổ. 4.Thường cần tinh tiến, không lẫn lộn là tinh, không xen hở là tiến. Nghĩa là A nan sau khi nghe mười hai bộ kinh, một lòng thụ trì, tu tập đúng như pháp mà không biếng nhác. 5.Cụ túc niệm tâm, nghĩa là, sau khi nghe mười hai bộ kinh, A nan thường tâm niệm tư duy, ghi nhớ không để quên mất.6.Tâm vô kiêu mạn, nghĩa là, sau khi nghe mười hai bộ kinh, A nan đều có thể ghi nhớ mà lòng không buông thả, cũng không kiêu căng đối với đại chúng. 7.Thành tựu định ý, nghĩa là, sau khi nghe mười hai bộ kinh, A nan có thể dựa vào pháp ấy mà tu nhiếp tâm mình để thành tựu Thiền định. 8.Tòng văn sinh trí, nghĩa là, sau khi nghe mười hai bộ kinh, A nan hiểu vô lượng nghĩa khiến trí tuệ càng thêm sáng và không một điều gì mà không thấu suốt. Ngoài ra, vì ngài A nan là vị đệ tử thường theo hầu bên cạnh đức Phật, lại có đầy đủ tám pháp, cho nên đời sau, trong các Tùng lâm, những người đảm nhiệm chức vụ thị giả, tất phải đầy đủ đức hạnh.