Phật Quang Đại Từ Điển

A NAN

(阿難) Pāli, Phạm: Ànanda. Là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật. Nói đủ là A nan đà. Dịch ý là hoan hỉ, khánh hỉ, vô nhiễm. Em họ của Phật, sau khi xuất gia, thường ở bên cạnh Phật hơn hai mươi năm, kí ức rất tốt, đối với lời Phật nói pháp, có thể ghi nhớ rõ ràng, cho nên được gọi à Đa văn đệ nhất. Ngài A nan dung mạo đẹp đẽ, mặt như trăng tròn, mắt như hoa sen xanh, thân hình sáng rỡ như gương, vì thế, tuy đã xuất gia, nhưng thường bị phụ nữ cám dỗ, tuy nhiên, nhờ chí khí kiên cố, cuối cùng, A nan đã bảo toàn được Phạm hạnh. Khi đức Phật còn sinh tiền, ngài A nan vẫn chưa khai ngộ, khi Phật nhập diệt, buồn rầu mà khóc; sau nhờ tôn giả Ma ha ca diếp dạy bảo, cố sức dụng công mới khai ngộ. Trong đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên, ngài A nan được chọn là người thuật lại kinh, đối với sự nghiệp truyền trì kinh pháp, tôn giả A nan đã có công lao rất lớn. Lúc đầu, di mẫu của Phật là bà Ma ha ba xà ba đề muốn xuất gia, A nan liền sắp đặt lo liệu, cuối cùng được đức Phật cho phép, đối với sự thành lập giáo đoàn tỉ khưu ni, ngài A nan cũng có công tích rất lớn. Lại cứ theo Phó pháp tạng nhân duyên truyện quyển 2 chép, thì đức Phật truyền pháp cho tôn giả Ma ha ca diếp, Ma ha ca diếp truyền pháp cho ngài A nan, như vậy, A nan là tổ thứ hai trong Phó pháp tạng. Sau đức Phật nhập diệt khoảng từ hai mươi đến hai mươi lăm năm, ngài A nan thị tịch tại miền trung du sông Hằng, trước khi nhập tịch, ngài đem pháp phó chúc cho ngài Thương na hòa tu. [X. kinh Tạp a hàm Q.44; Trung a hàm Q.33 kinh Thị giả; kinh Tăng nhất a hàm Q.4 phẩm Đệ tử; kinh A nan đồng học; kinh Phật bản hạnh tập Q.11; luật Ngũ phần Q.3, Q.29; luận Đại trí độ Q.3; Đại đường tây vực kí Q.6, Q.7].