Phật Quang Đại Từ Điển

A MA LA THỨC

(阿摩羅識) Phạm:Amala-vijĩàna. Tức là thức thứ chín. Còn gọi là A mạt la thức, Am ma la thức, Án ma la thức. Dịch ý là Vô cấu thức (thức không cáu bẩn), Thanh tịnh thức, Như lai thức. Thức này do tông Nhiếp luận thuộc hệ Chân đế lập ra. Tâm người ta xưa nay vốn tự thanh tịnh, xa lìa mọi mê hoặc, vì thế, tông Nhiếp luận cho giai vị chuyển thức A lại da mê hoặc trở về sự giác ngộ thanh tịnh, tức là A ma la thức.Cứ theo luận Tam vô tính quyển thượng chép, thì duy chỉ có thức A ma la là không điên đảo, không biến dị, cho nên gọi là Như như. Luận chuyển thức thì bảo thực tính tức là thức A ma la. Lại cứ theo luận Thập bát không chép, thì thức A ma la chính là tâm tự tính thanh tịnh, chỉ vì khách trần làm bẩn mà nói là bất tịnh. Cứ theo kinh Kim cương tam muội chép thì hết thảy tình thức của chúng sinh đều chuyển vào Am ma la. Còn về thể tính của thức A ma la, thì Giải thâm mật kinh sớ quyển 3 của ngài Viên trắc và Tứ phần luật sớ sức tông nghĩa kí quyển 3 phần đầu, nói là ngài Chân đế lấy chân như và chân như trí làm thể tính của thức A ma la. Nhưng, trong Nhiếp luận chương (trích dẫn Hoa nghiêm khổng mục chương phát ngộ kí quyển 15), ngài Đạo cơ ở chùa Phúc thành đời Đường, đã bác chủ trương của ngài Chân đế, và bảo thức A ma la chỉ lấy lí pháp như như làm thể tính. Trong Duy thức học, ngoài sáu thức ra, còn có thức Mạt na và thức A lại da, gọi chung là tám thức. Tông Nhiếp luận, ngoài tám thức còn lập riêng thức thứ chín là thức A ma la. Tông Địa luận, tông Thiên thai cũng có người thu dụng thuyết này. Còn hệ thống Huyền trang thì cho thức thứ tám đã bao hàm phương diện thanh tịnh rồi, cho nên không cần lập riêng thức thứ chín nữa. Lại kinh Lăng già quyển 1, bản dịch đời Tống, bảo chân thức tức là thức thứ chín. [X. kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.4; kinh Nhập lăng già Q.2; Đại thừa huyền luận Q.5; luận Nhiếp đại thừa Q.trung, bản dịch đời Lương; Thành duy thức luận thuật kí Q.1 phần đầu; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.5 phần dưới]. (xt. Cửu Thức Nghĩa).