Phật Quang Đại Từ Điển

A LAN NHÃ

(阿蘭若) Phạm: Araịya, Pāli: Araĩĩa. Còn gọi là A luyện như, A luyện nhã, A lan na, A la nhưỡng, A lan noa. Nói tắt là Lan nhã, Luyện nhã. Dịch là núi rừng, đồng hoang. Chỉ những nơi yên tĩnh vắng vẻ, thích hợp với những người xuất gia tu hành để cư trú. Còn dịch là nơi xa lìa, nơi vắng lặng, nơi rất thong thả, nơi không tranh giành. Tức là nơi vắng vẻ cách xa làng mạc một câu lư xá, thích hợp cho người tu hành. Chỗ ấy, hoặc người ở nơi ấy thì gọi là A lan nhã ca (Phạm: Àraịyaka). Cứ theo Tuệ uyển âm nghĩa quyển thượng chép, thì A lan nhã có ba loại: 1. Đạt ma a lan nhã (Phạm: Dharma araịya), là đạo tràng cầu Bồ đề. 2. Ma đăng già a lan nhã (Phạm: Màtaga-araịya), là nơi tha ma hoặc là nơi cách xa làng mạc một câu lư xá, tức một quãng xa mà tiếng bò kêu không nghe thấy.3. Đàn đà già a lan nhã (Phạm: Daịđaka-araịya), tức nơi bãi cát xa xôi không thấy khói của người ta đun nấu. Đến đời sau, tất cả chùa chiền tinh xá đều gọi là A lan nhã, phần nhiều cách xa nơi phồn hoa đô hội, là những chỗ yên tĩnh tiện cho người xuất gia tu hành, và người tại gia ra vào lễ bái. Ngoài ra, các tỉ khưu tu hành mà thường xuyên ở nơi A lan nhã, thì gọi là A lan nhã hạnh, là một trong mười hai hạnh đầu đà. [X. luận Đại tì bà sa Q.136; Hữu bộ tì nại da Q.24; Tát bà đa tì ni tì bà sa Q.5; Đại nhật kinh sớ Q.3; Câu xá luận quang kí Q.13; Đại thừa nghĩa chương Q.15; Huyền ứng âm nghĩa Q.23].