Phật Quang Đại Từ Điển

A LA RA CA LAM

Phạm:Àràđa-Kàlàma, Pàli: Àơàrakàlàma. Người tiên ngoại đạo đầu tiên mà đức Phật đến hỏi đạo sau khi dời khỏi cung vua, là người ở thành Tì xá li (cũng có thuyết nói là người ở ngoại ô thành Vương xá) thuộc Ấn độ xưa. Còn gọi là A ra noa ca la ma, A lam ca lam, A la la, A lam, La ca lam, Ca la ma, Ca lan, Già lam, A lan. Dịch ý là tự dối, lười biếng. Cùng với Uất đà la ma tử nổi tiếng ở đời. Là học giả phái Số luận, rất nổi danh trong phái Lục sư ngoại đạo đương thời. Ông muốn chặt đứt gốc rễ của sự sống chết mà xuất gia giữ giới, tu hành nhún nhường nhẫn nhục, ngồi thiền định ở nơi vắng vẻ. Vì đức Phật không thỏa mãn với học thuyết của ông, nên Ngài ở vài tháng rồi từ biệt, và đến hỏi đạo nơi Uất đà la ma tử. Khi đức Phật thành đạo, chuyển pháp luân, Ngài định đến giáo hóa cho A la ra ca lam trước nhất, nhưng ông đã qua đời rồi. Về giáo nghĩa của Ca lam, trong các kinh Phật, phần nhiều bảo ông ấy cho cõi Vô sở hữu (Vô sở hữu xứ) là Niết bàn rốt ráo. Suy đó thì biết, tư tưởng Niết bàn là tư trào phổ thông tại Ấn độ đương thời. Lại Phật giáo Nguyên thủy chia các giai đoạn tu Thiền làm chín đoạn, thì trong kinh Quá khứ hiện tại nhân quả quyển 3, Ca lam nêu lên thuyết tám đoạn là: Tứ thiền, Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sau lại thêm Diệt tận định mà thành chín đoạn. [X. Trung a hàm Q.56 kinh La ma; kinh Chúng hứa ma ha đế Q.6; kinh Lục độ tập Q.7; kinh Xuất diệu Q.7; kinh Phương quảng đại trang nghiêm Q.7 phẩm Tần bà sa la vương khuyến thụ tục lợi; kinh Phật ban nê hoàn Q.hạ; kinh Niết bàn (bản Bắc) Q.27].