Phật Quang Đại Từ Điển

A L A HÁN

Phạm: Arhat, Pàli: Arahant. Là một trong bốn quả Thanh văn, một trong mười hiệu của Như lai. Còn gọi là A lư hán , A la ha, A ra ha, A lê ha, Át ra hạt đế, gọi tắt là La hán, Ra ha. Dịch ý lá Ứng, ứng cúng, ứng chân, sát tặc, bất sinh, vô sinh, vô học, chân nhân. Chỉ bậc Thánh đã dứt hết hai hoặc Kiến, Tư trong ba cõi, chứng được tận trí, xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường của người đời. Quả này chung cả Đại thừa và Tiểu thừa, song thông thường đều giải thích theo nghĩa hẹp, mà chuyên chỉ quả vị cao nhất chứng được trong Phật giáo Tiểu thừa. Nếu nói theo nghĩa rộng, thì chỉ riêng cho quả tối cao trong cả Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa.

Cứ theo luận Thành duy thức quyển 3 chép, thì A la hán là quả vị vô học thông cả ba thừa, cho nên là tên gọi khác của đức Phật, cũng tức là một trong mười hiệu của Như lai. Còn cứ theo luận Câu xá quyển 24, thì A la hán là một trong bốn quả Thanh văn (Tứ sa môn quả), là quả cao nhất của Tiểu thừa. Có thể được chia làm hai loại:

1. A la hán hướng, chỉ những người vẫn còn ở giai đoạn tu hành mà xu hướng tới quả vị A la hán. 2. A la hán quả, chỉ các bậc Thánh đã đoạn trừ hết thảy mọi phiền não, được tận trí và nhận lãnh sự cúng dường của người đời. Những người đã chứng được quả vị này, thì bốn trí dung thông vô ngại và không còn pháp nào phải học nữa, vì thế gọi là Vô học, Vô học quả, Vô học vị; nếu lại hoàn thành tám Thánh đạo từ vô học chính kiến đến vô học chính định, và mười pháp vô lậu vô học giải thoát, vô học chính trí v.v.. thì gọi là Thập vô học chi. (Mười chi vô học). Về nghĩa của từ A la hán, cứ theo luận Đại trí độ quyển 3, Đại thừa nghĩa chương quyển 37 phần đầu, Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 1, quyển 2, nêu ra ba nghĩa là sát tặc (giết giặc), bất sinh, ứng cúng, gọi là ba nghĩa A la hán, từ xưa đến nay, thuyết này thường thấy nhất. Tức là: 1.Sát tặc (giết giặc): giặc, chỉ các hoặc Kiến và Tư. A la hán có khả năng đoạn trừ các hoặc Kiến, Tư trong ba cõi; cho nên gọi là giết giặc. 2.Bất sinh, tức vô sinh.

A la hán chứng vào Niết bàn, không còn chịu sinh lại trong ba cõi nữa, cho nên gọi là bất sinh. 3. Ứng cúng, A la hán đã được lậu tận, dứt trừ tất cả phiền não, xứng đáng lãnh nhận sự cúng dường của người và trời, cho nên gọi là Ứng cúng. Phạmarhan là chủ từ số ít của chữ Phạmarhat (A la hán), dịch ý là nhận sự cúng dường, nhận sự tôn kính, vì thế, trong ba nghĩa kể trên, nghĩa ứng cúng tương đối thích hợp hơn cả. Ngoài ra, trong Đại thừa nghĩa chương quyển 20 phần cuối, ngài Tuệ viễn dùng bốn nghĩa ứng hóa hết thảy chúng sinh, dứt hết các hoặc, để giải thích A la hán. Lại Thiện kiến luật tì bà sa quyển 4 thì nêu ra giải nghĩa về năm loại A la hán, như bẻ nát nan hoa bánh xe ba cõi, xa lìa tất cả nghiệp ác, không che giấu v.v…

Lại nói về chủng loại A la hán, thì A la hán trong bốn quả Thanh văn, tùy sự khác nhau về căn tính bén nhạy hay chậm lụt, mà có thể chia làm sáu loại. Cứ theo luận Tạp a tì đàm tâm quyển 5, luận Câu xá quyển 25, thì đó là: 1.Thoái pháp A la hán, cũng gọi Thoái tướng A la hán, chỉ những người mới chỉ gặp một chút ác duyên đã dễ dàng đánh mất quả vị đã chứng được. 2.Tư pháp A la hán, cũng gọi Tử tướng A la hán, chỉ những người vì lo sợ sẽ mất quả vị mà nghĩ đến việc tự sát. 3.Hộ pháp A la hán, cũng gọi Thủ tướng A la hán, chỉ những người có khả năng giữ gìn mà không để mất quả vị. 4.An trụ pháp A la hán, cũng gọi là Trụ tướng A la hán, chỉ những người không lui cũng không tiến, mà ở yên nơi quả vị. 5.Kham đạt pháp A la hán, cũng gọi là Khả tiến tướng A la hán, chỉ những người có khả năng tiến tới nhanh chóng mà đạt đến pháp bất động. 6.Bất động pháp A la hán, cũng gọi là Bất hoại tướng A la hán, chỉ những người vĩnh viễn không đánh mất pháp đã chứng được.

Trong sáu loại A la hán được tường thuật ở trên, năm loại trước là những người độn căn, cho nên được Thời giải thoát hoặc Thời ái tâm giải thoát, còn loại sau cùng là thuộc những người lợi căn, cho nên được Bất thời giải thoát hoặc Bất động tâm giải thoát. Nói cách rõ ràng hơn, nếu gặp được nhân duyên tốt mà vào định giải thoát thì gọi làThời giải thoát, còn bất cứ lúc nào cũng có thể vào định, mà không cần phải đợi chờ một nhân duyên đặc biệt nào mới được giải thoát, thì gọi làBất thời giải thoát. Lại những người tự mình khéo giữ gìn quả A la hán đã chứng được và giải thoát mọi phiền não, thì gọi làThời ái tâm giải thoát, còn những người đã giải thoát rồi không bị phiền não quấy rối trở lại, làm mất quả vị, thì gọi là Bất động tâm giải thoát. Ngoài ra, Bất động pháp A la hán, vì sự hình thành lợi căn, nên lại chia làm hai loại, đó là: 1. Những người bẩm sinh là bất động chủng tính, gọi là Bất thoái pháp A la hán, Bất thoái tướng A la hán. 2. Những người nhờ tu hành tinh tiến mà đạt đến pháp bất động, gọi là Bất động pháp A la hán. Hai loại này cộng với năm loại thuật ở trên thành là bảy loại A la hán. Nếu lại thêm Duyên giác và Phật nữa, thì gọi chung là chín loại A la hán, hoặc gọi là chín Vô học. Lại nữa, kinh Trung A hàm quyển 30, luận Thành thật quyển 1, đem Tuệ giải thoát, Câu giải thoát thay cho Duyên giác và Phật mà thành chín Vô học. Trong đó, A la hán dùng sức trí tuệ để giải thoát phiền não, thì gọi là Tuệ giải thoát A la hán. Nếu A la hán đã được định Diệt tận, mà cả hai phương diện tâm và tuệ đều được giải thoát, thì gọi là Câu giải thoát A la hán. Hai loại này, nếu lại thêm Vô nghi giải thoát A la hán (những người trong Câu giải thoát thông suốt tất cả văn nghĩa mà được bốn vô ngại giải), thì thành là ba loại A la hán. [X. kinh Phật bản hạnh tập Q.34, Q.42; kinh Niết bàn (bản Bắc) Q.18; kinh Di lặc thượng sinh; luận Đại thừa a tì đạt ma tập Q.14; luận Cam lộ vị Q.thượng; luận Đại tì ba sa Q.94; Pháp hoa nghĩa sớ Q.1; Đại nhật kinh sớ Q.1; Phiên phạm ngữ Q.1; Huyền ứng âm nghĩa Q.8]. (xt. Cửu Vô Học, Lục Chủng Tính, Tứ Hướng Tứ Quả).

Từ Điển Đạo Uyển

阿 羅 漢; S: arhat; P: arahat, arahant; T: dgra com pa; dịch nghĩa là Sát Tặc (殺 賊), là diệt hết bọn giặc phiền não, ô nhiễm; Ứng Cung (應 供), là người đáng được cúng dường; Bất Sinh (不 生) hoặc Vô Sinh (無 生), là người đã đạt Niết-bàn, đoạn diệt sinh tử.

A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, người đã đạt cấp »vô học« của Thánh đạo (s: āryamārga; p: ariyamagga), không bị ô nhiễm (s: āśrava; p: āsava) và Phiền não (s: kleśa; p: kilesa) chi phối. Thánh quả A-la-hán có khi được gọi là Hữu dư niết-bàn (s: sopadhiśeṣanirvāṇa; p: savupadisesanibbāna).

A-la-hán là hiện thân của sự Giác ngộ trong thời Phật giáo nguyên thuỷ. Khác với hình ảnh của Bồ Tát, hiện thân của Phật giáo Ðại thừa của thời hậu thế với mục đích Giải thoát mọi chúng sinh, A-la-hán tu tập nhằm giải thoát riêng mình. A-la-hán là các vị đã giải thoát 10 Trói buộc thế gian như: Ngã kiến, Nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên (trạo), Vô minh. A-la-hán được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.

Ngữ Vựng Danh Từ Thiền Học

A La Hán là quả vị của Thanh Văn thừa. Tiểu thừa dứt trừ kiến hoặc và tư hoặc của tam giới thì chứng được Hữu Dư Niết Bàn gọi là A La Hán, dịch là Bất Lai, nghĩa là chẳng đến thọ sanh nơi tam giới nữa.

Từ Điển Phật Học Việt Nam

A LA HÁN – Hán dịch chữ Sanskrit Arhat. A La Hán là quả Thánh cao nhất của Phật giáo Nguyên thủy. Có ba nghĩa:

1. Ứng cúng: xứng đáng để cho thế gian tôn sùng và cúng dường.

2. Sát tặc: (từ ví dụ), vị A La Hán đã giết sạch tất cả mọi giặc phiền não, mê lầm.

3. Vô sinh: đã thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi, không phải tái sanh nữa.

Ở Việt Nam thường gọi là La Hán. Tại chùa Tây Phương gần Hà Nội có tượng 18 vị La Hán rất đẹp.

Từ Điển Phật Học Tuệ Quang