Phật Quang Đại Từ Điển

A KÌ NI

Phạm:Agni.

I. A kì ni. Hỏa thần trong Bà la môn giáo của Ấn độ. Còn gọi là A nga na, Ác kì ni. Dịch ý là lửa. Cứ theo Lê câu phệ đà chép, thì nguồn gốc hoặc hình thức tồn tại của thần lửa có ba loại, tức trong ba cõi, ở cõi trời là thái dương, ở cõi không là ánh chớp, ở cõi đất là lửa tế lễ. Đây là mầm mống của tư tưởng về ba thần trong Ấn Độ giáo là Phạm thiên, Tì thấp nô và Thấp bà. Trong Lê câu phệ đà, đặc biệt các bài ca tán tụng thần lửa đã chiếm một phần trong toàn bộ năm phần của các bài ca tán, chỉ đứng sau Nhân đà la. Khi tế tự, thần lửa có khả năng đưa các phẩm vật cúng tế đi phân phát cho các thần, vì thế, thần lửa được coi là sứ giả giữa các thần và người. Trừ loài người và cầm thú ra, thần lửa cũng tồn tại khắp trong các thực vật và trong nước; ngoài sự tế lễ theo phép tắc nhất định, thần lửa còn được cúng tế vào những dịp sinh nhật, sang nhà mới và kết hôn. Toàn thân màu hồng, phát ra ánh sáng như mặt trời, sắc mặt mầu sữa, không đầu không chân, hoặc ba đầu bảy lưỡi, có mặt khắp mười phương, mắt vàng, nghìn mắt v.v…Trong các thần, mối quan hệ giữa loài người và Thần lửa A Kì Ni thần lửa gần gũi nhất, có khả năng phá trừ bóng tối, đốt hết những vật nhơ bẩn, hàng ma trừ quái, cũng được coi là “người tiêu diệt loài La sát (ác ma)”. Ngoài ra, có thể ban ân cho những người sùng bái và giải cứu nguy nan.

II. A kì ni. Tức là nước A kì ni, một nước xưa ở vùng Tây vực. Cũng gọi là Ô kì quốc, Yên kì quốc. Phía đông giáp Cao xương, phía tây giáp Cưu tư. Nay tức là vùng đất Khách lạt sa nhĩ (Karashahr), về phía đông bắc con đường ở nam núi Thiên sơn thuộc Tân cương. (xt. A Kì Ni Quốc).