Phật Quang Đại Từ Điển

A GIÀ SẮC

Cũng gọi A ca sắc. A già, Phạm: agha. Bao hàm hai nghĩa trái nhau.

1. Nghĩa tích tập, rất chướng ngại. Chỉ sự tích tập những vật chất (sắc pháp) có hình tướng và thô tạp, một mặt chúng bị các thứ vật chất khác làm chướng ngại, mặt khác chúng cũng lại gây chướng ngại cho các thứ vật chất khác. Theo nghĩa này, thì sắc của“hư không giới” lấy sáng, tối làm thể tính, phải tiếp cận với sắc a già vốn có tính chướng ngại, thì mới có thể cấu thành ý nghĩa vật chất tồn tại được. Bởi vì, nếu đứng về mặt trạng thái tồn tại của vật chất mà nói, thì trong thế gian tuyệt không có một vật gì tồn tại một cách đơn độc cả, như một cái cây, một trái núi, cho đến nhỏ như một hạt bụi, nếu không tiếp cận hư không, mà chỉ gần sát các vật chất khác, thì cây, núi, bụi lại có thêm các vật chất khác gần sát, chứ không còn là trạng thái cây, núi, bụi như trước nữa. Duy chỉ tiếp cận hư không, mới có thể giữ lại và hiển hiện rõ cái trạng thái vật chất nguyên gốc. Cây, núi, bụi nói trên tức làsắc a già có đủ tính chướng ngại, còn sắc hư không giới thì gần sát với sắc a già, vì thế gọi là sắc gần với sắc a già (Phạm:agha-sàmantaka).

2. Nghĩa không ngại, nghĩa này trái lại với nghĩa trên, chỉ cho sắc hư không giới không có hình tướng và rất nhỏ nhiệm, không bị bất cứ thứ vật chất nào làm trở ngại, cũng không cấu thành chướng ngại đối với bất cứ thứ vật chất nào khác. Sắc hư không giới này thế tất phải gần gũi với các vật chất khác có tính chướng ngại, cho nên gọi là Lân a già sắc, nghĩa là sắc a già gần sát vật chất có tính chướng ngại. [X. luận Câu xá Q.1; Câu xá thích luận Q.1; Câu xá luận quang kí Q.1; Câu xá luận bảo sớ Q.1 hạ; Huyền ứng âm nghĩa Q.24].