Phật Quang Đại Từ Điển

A DỤC VƯƠNG

Phạm:Azoka,Pàli:Asoka. Cũng gọi A du ca, A du già, A thứ già, A thú khả, A thúc. Dịch ý: Vô ưu vương (vua không lo). Còn có tên Thiên ái hỉ kiến vương (Phạm: Devànaôpriya priyadrasì, trời thương yêu thấy thì mừng). Là vua đời thứ ba của triều đại Khổng tước nước Ma yết đà trung Ấn độ. Vua ra đời khoảng thế kỉ thứ III trước Tây lịch, thống nhất Ấn độ, là nhà bảo hộ Phật giáo mạnh mẽ nhất. Ông nội vua là đại vương Chiên đà la cấp đa (Phạm: Candragupta), người sáng lập triều đại Khổng tước; thân phụ là vua Tân đầu sa la (Phạm:Bindusàra), thân mẫu là A dục vi đạt na (Phạm:Azokàvadàna) con gái của một nhà Bà la môn ở thành Thiệm ba. Lúc còn nhỏ, A dục rất cuồng bạo, không được vua cha yêu mến. Gặp khi nước Đức xoa thi la (Phạm:Takwazìla) làm phản, vua cha sai ông đi dẹp loạn, cốt ý cho chết ngoài chiến trận.

Nhưng không ngờ A dục lại đánh tan quân phản loạn và quyền uy lừng lẫy. Sau khi vua cha mất, ông giết hết anh em rồi lên làm vua. Có chỗ nói, A dục giết chết chín mươi chín người anh em; sau khi lên ngôi vẫn rất bạo ác, tàn sát đại thần, phụ nữ, làm thêm nhà ngục, giết hại trăm họ vô tội, bởi thế gọi là Chiên đà A dục vương (Phạm:Caịđàzoka – vua A dục bạo ác). Ấn độ Phật giáo sử của Đa la na tha gọi ông là Ái dục A dục (Phạm: Kàmàzokavua A dục tham muốn). Nhưng trong các chương 4, 5, 6 của Pháp sắc khắc trên vách núi lớn, chương 7 trong Pháp sắc khắc trên cột đá và Pháp sắc của Hoàng hậu v.v… đều chép rằng, trong thời gian vua A dục cai trị, vẫn còn có anh em chị em. Bởi thế, truyền thuyết cho vua A dục đã giết hết anh em có thể đã do đời sau nói phóng đại.

Vua lấy thành Hoa thị làm thủ đô, phạm vi cai trị bao quát toàn bộ bắc Ấn độ, một nửa Đại hạ, phía nam đến Án đạt la, phía đông đến bờ biển, ngang dọc vài nghìn dặm. Vua lại thi hành chính sách hợp lòng dân, yêu chuộng chân lí, giàu tinh thần bác ái, thực là từ khi Ấn độ có lịch sử, vua A dục là nhà thống trị có thành tích lớn lao mà trước ông chưa ai có được. Về năm tháng và nhân duyên vua qui y Phật, có nhiều thuyết khác nhau. Truyện A dục vương quyển 1 nói, nhân thấy đạo  hạnh của tỉ khưu Hải (Phạm: Samudra) mà vua qui y Phật. Chương 6 trong Đảo sử và Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1 thì nói, do sự cảm hóa của ngài Ni cù đà (Pàli: Nigrodha) mà vua qui y Phật. Chương 6 trong Ấn độ Phật giáo sử của Da la na tha bảo, do sự tích kì lạ của vị đệ tử của A la hán Da xá (Phạm:Yaza) mà vua qui y Phật. Theo Pháp sắc khắc trên vách núi nhỏ ghi, sau khi qui y Phật, hơn hai năm rưỡi, tuy đã là ưu bà tắc, nhưng vua chưa dốc lòng tin Phật, sau hơn một năm, vua mới gần gũi chư tăng và nhiệt tâm tu đạo.

Khảo sát chung những đoạn ghi chép trên đây với câu “Quán đính lên ngôi hơn mười năm thì đến với tam bồ đề” trong chương 8 của Pháp sắc khắc trên vách núi lớn, thì biết vua đã trở thành ưu bà tắc vào khoảng năm thứ bảy kể từ sau khi lên ngôi. Nhưng chương 6 trong Đảo sử thì chép, sau khi lên ngôi được ba năm thì vua qui y Phật. Lại theo chương 13 trong Pháp sắc khắc trên vách núi lớn chép, sau khi lên ngôi được tám năm, thì vua chinh phục Yết lăng già (Phạm:Kalinga), thấy cảnh giết chóc thảm thương, vua rất xúc động, do vậy mà niềm tin Phật giáo lại càng kiên cố.

Từ đó, vua quyết không dùng sức mạnh quân sự để mưu tìm con đường thống nhất nữa, và, với niềm tin“sự thắng lợi nhờ chính pháp mà đạt được là sự thắng lợi trên hết” (chương 13 trong Pháp sắc khắc trên vách núi lớn), vua dốc sức vào việc truyền bá Phật pháp. Do đó, phần nửa đời sau của vua được gọi là Đạt ma A dục vương (Phạm: Dharmàzoka- vua A dục chính pháp). Theo truyền thuyết, vua cho xây dựng tám vạn bốn nghìn ngôi chùa và tám vạn bốn nghìn tháp Phật khắp trong nước. Việc này đều được ghi chép trong chương 6 của Đảo sử, trong Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1, trong kinh Tạp a hàm quyển 23, trong truyện A dục vương quyển 1, v.v… Nhưng trong các Pháp sắc của vua thì không thấy ghi việc này. Lại Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 cho  biết, vua lên ngôi được mười bảy năm thì mở đại hội kết tập kinh điển lần thứ ba ở thành Hoa thị, thỉnh ngài Mục kiền liên tử đế tu (Pàli: Moggaliputta-tissa) làm Thượng tọa, có một nghìn vị Trưởng lão tham dự, qua chín tháng mới hoàn thành. Kế đó, vua phái các vị có tên sau đây đi các nơi để truyền đạo:

– Mạt xiển đề (Pàli:Majjhantika) đến nước Kế tân (Pàli:Kasmìra) và nước Kiện đà la (Pàli:Gandhàra).

– Ma ha đề bà (Pàli:Mahàdeva) đến nước Ma hê sa mạn đà la (Pàli: Mahisakamaịđala).

– Lặc khí đa (Pàli: Rakkhita) đến nước Bà na bà tư (Pàli:Vanavàsi).

– Đàm vô đức (Pàli: Yonaka-dham marakkhita) đến nước A ba lan đa ca (Pàli:Aparantaka).

– Ma ha đàm vô đức (Pàli:Mahàdham marakkhita) đến nước Ma ha lặc đà (Pàli: Mahàraỉỉha).

– Ma ha lặc khí đa (Pàli: Mahàrakkhita) đến nước Du na thế giới (Pàli: Yonaka-loka).

– Mạt thị ma (Pàli: Majjhima) đến nước Tuyết sơn biên (Pàli: Himavantapadesa).

– Tu na ca (Pàli: Sonaka) và Uất đa la (Pàli: Uttara) đến nước Kim địa (Pàli: Suvaịịabhùmi).

– Ma hi đà (Pàli: Mahinda), Uất đế dạ (Pàli: Uttiya), Tham bà lâu (Pàli: Sambala) và Bạt đà (Pàli: Bhaddasàla) đến nước Sư tử (Pàli: Tambapaịịidìpa). Lại chương 7 trong Đảo sử có chép, Ca tha bạt thâu (Pàli: Kathàvatthu) trong tạng luậnPàli đã được kết tập vào thời bấy giờ. Nhưng trong các Pháp sắc của vua không thấy ghi chép việc này. Tuy nhiên, các chương 3, 5 và 13 trong Pháp sắc khắc trên vách núi lớn có ghi: mỗi năm năm, vua mở hội nghị các quan lại thuộc ngành Tư pháp và thuế vụ để răn dạy về pháp, thụ lập pháp và đặt thêm các Đại pháp quan (Pàli:
dhamma-mahàmàta). Khu vực truyền bá chính pháp xa đến Tự lợi á (Syria), Ai cập, Mã kì đốn (Macedonia),Tắc lợi ni (Cyrene) v.v… Còn về truyền thuyết kết tập lần thứ ba, thì truyện A dục vương do phương Bắc truyền hoàn toàn không đề cập gì đến. Luận Đại trí độ quyển 2 tuy có nói (Đại 25,70 thượng): “Vua A du ca mở đại hội Ban xà vu sắt, các vị đại luận sư nghị luận khác nhau, vì thế có tên là Biệt bộ”. Tuy vậy, đây cũng không thể cho là ý kết tập. Do đó, có thể nói, truyền thuyết về cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba này, sự thật thế nào chưa được rõ. Về những kinh điển được lưu truyền đương thời vua A dục, thì trong Pháp sắc khắc trên vách núi nhỏ ở Gia nhĩ các đạt bái la đặc (Calcutta-Bairàt) có ghi bảy thứ: 1. Tì nại da tối thắng pháp thuyết (Phạm: Vinaya-samukase). 2. Thánh chủng kinh (Phạm:Aliya-vasàịì). 3. Đương lai bố uý kinh (Phạm:Anàgata-bhyàni). 4. Mâu ni kệ (Phạm: Muni-gàthà). 5. Tịch mặc hành kinh (Phạm:Moneya-sùte). 6. Ưu ba đế sa môn kinh (Phạm:Upatisa-pasine). 7. Thuyết la hầu la kinh (Phạm:Làghulovada). Mấy thứ kinh trên đây, tương đương với: – Đại phẩm trong tạng Luật, – Tăng chi bộ kinh, – Kinh tập, một bộ phận trong Trung bộ kinh thuộc Đại tạngPàli. Lại Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 thì nêu ra các kinh mà những vị sư truyền đạo do vua A dục phái đi đã giảng nói tại các nơi gồm có tám thứ sau đây: 1. Kinh Độc thí dụ (Pàli:Asivisopama-suttanta) 2. Kinh Thiên sứ (Pàli: Devadùtasutta) 3. Kinh Vô thủy (Pàli: Anamataggapariyàya-kathà) 4. Kinh Hỏa tụ thí (Pàli: Aggikkhandhopama- suttantakathà) 5. Kinh Ma ha na la đà ca diếp bản sinh (Pàli: Mahànàradakassapa-jàtaka). Kinh Ca la la ma (Pàli: Kàlakàràmasuttanta) 7. Kinh Sơ chuyển pháp luân (Pàli: Dhammacakkapavattana-suttanta) 8. Kinh Phạm võng (Pàli: Brahmajàlasuttanta) Chương 8 trong Đảo sử cũng nêu các kinh mà các nhà truyền đạo đã thuyết giảng, gồm có năm bộ: 1. Anamataggiya 2. Aggikkhandhopama-suttakathà 3.Nàradakassapa-jàtakakathà 4.Kàlakaràma-suttantakathà 5. Dhammacakkappavattana.

Tất cả các kinh nêu trên, có thể nói, đều là những kinh điển được lưu truyền ờ đương thời vua A dục. Còn theo các chương 1 đến 4 và 11 trong Pháp sắc khắc trên vách núi lớn, các chương 5, 7 trong Pháp sắc khắc trên cột đá ghi chép, thì sau khi lên ngôi, vua đã ban hành hai mươi sáu lần đặc xá. Ngoài ra, vua còn cấm sát sinh, làm việc bố thí, trồng cây hai bên đường, đào giếng v.v… Lại trên cột đá hiện còn ở trong vườn Lâm tì ni – nơi đức Phật đản sinh – có khắc câu: “Sau khi quán đính lên ngôi được hai mươi năm thì đến nơi này”. Pháp sắc khắc trên cột đá ở Ni cát lợi ngõa (Pàli: Nigliva), có chép việc vua tham bái tháp Phật Câu na hàm mâu ni (Pàli: Konàgamana) và sửa chữa tháp này. Cuối đời, vua A dục có vẻ rất buồn thảm. Theo truyện A dục vương quyển 3 chép, thì Vương hậu Đế sa la xoa (Phạm:Tassàrakkhà) muốn tư thông với Vương tử Câu na la (Phạm: Kunàla), nhưng bị cự tuyệt, do đó, bà ta sai người móc mắt Vương tử. Vua nổi giận đốt sống Đế sa la xoa, rồi đem tất cả của báu cúng dường hết, đến nỗi không còn một vật gì để cúng. Cuối cùng, vua lấy một nửa quả am ma la (Phạm: àmalaka) cúng dường chùa Kê tước (Phạm: Kurkuỉa). Về niên đại vua ra đời, xưa nay có nhiều thuyết khác nhau. Chương 13 trong Pháp sắc khắc trên vách núi lớn nói: các vua của năm Vương quốc thuộc Hi lạp ở ngôi cùng số năm là 261 trước Tây lịch, hoặc khoảng 14 hay 15 năm, từ năm 272 đến năm 258 trước Tây lịch. Như vậy, ta có thể suy đoán là vua lên ngôi vào khoảng năm 270 trước Tây lịch. Về số năm từ khi đức Phật nhập diệt đến khi vua A dục ra đời, thì kinh Tạp a hàm Bắc truyền quyển 23, kinh Hiền ngu quyển 3 phẩm A du ca thí thổ, kinh Tăng già la sát sở tập quyển hạ, kinh Tạp thí dụ quyển thượng, Đại trang nghiêm kinh luận quyển 10 và luận Đại trí độ quyển 2 v.v… ghi là vua ra đời sau đức Phật nhập diệt một trăm năm; luận Dị bộ tông luân thì chép sau Phật nhập diệt hơn một trăm năm; luận Thập bát bộ và luận Bộ chấp dị, thì bảo một trăm mười sáu năm. Lại chương 6 trong Đảo sử và Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 chép, sau đức Phật nhập diệt hai trăm mười tám năm thì vua lên ngôi, còn đức Phật nhập diệt khoảng một trăm năm thì có vua Ca la a dục (Phạm: Kàlàzoka) đang ở ngôi. Vu điền huyền kí (Li#i-yulluị- bstan-pa) văn Tây tạng chép, sau đức Phật nhập diệt hai trăm ba mươi tư năm có vua Đạt ma a dục. Còn chương 5 trong Đảo sử thì cho biết, thời gian vua A dục cai trị là ba mươi bảy năm. [X. Đại trang nghiêm kinh luận Q.3, Q.4, Q.10; Soạn tập bách duyên kinh Q.10; A dục vương truyện; A dục vương kinh; A dục vương tức hoại mục nhân duyên kinh; Phó pháp tạng nhân duyên truyện Q.3; Đạiđườngtây vực kí Q.8, A dục vương sự tích; Ấn độ tông giáo sử khảo; Ấn độ triết học nghiên cứu Q.2, Q.4].