Phật Quang Đại Từ Điển

A DỤC VƯƠNG TRUYÊN

Sách truyện gồm 7 quyển, do ngài An pháp khâm đời Tây Tấn dịch, thu vào Đại chính tạng tập 50. Sách này ghi lại sự tích của vua A dục và nhân duyên của các tôn giả Ma ha ca diếp, Ưu ba cúc đa v.v… Có tất cả mười một phẩm:

  1. Bản thí thổ duyên.
  2. A dục vương bản duyên truyện.
  3. A thứ già vương đệ bản duyên.
  4. Câu na la bản duyên.
  5. Bán am la quả nhân duyên.
  6. Ưu ba cúc đa nhân duyên.
  7. Ma ha Ca diếp Niết bàn nhân duyên.
  8. Ma điền đề nhân duyên.
  9. Thương na hòa tu nhân duyên.
  10. Ưu ba cúc đa nhân duyên.
  11. A dục vương hiện báo nhân duyên.

Bản dịch khác của tập truyện này là: kinh A dục vương 10 quyển (cũng được thu vào Đại chính tạng tập 50), do ngài Tăng già bà la dịch vào đời Lương, gồm có 8 phẩm:

  1. Sinh nhân duyên.
  2. Kiến Ưu ba cấp đa nhân duyên.
  3. Cúng dường bồ đề thụ nhân duyên.
  4. Cưu na la nhân duyên.
  5. Bán am ma lặc thí tăng nhân duyên.
  6. Phật kí Ưu ba cấp đa nhân duyên.
  7. Phật đệ tử ngũ nhân truyền thụ pháp tạng nhân duyên.
  8. Ưu ba cấp đa đệ tử nhân duyên.

Trong đây, bốn phẩm 1, 2, 5, 10 trong truyện A dục vương là cùng bản với chương 26 đến chương 29 trong bản tiếng Phạm Divyàvadàna (do E. B. Cowell, R. A. Neil v.v… xuất bản vào năm 1886 Tây lịch) và  quyển 23, 25 trong kinh Tạp a hàm. Phẩm Cưu ma na nhân duyên tương đương với bản dịch Tây tạng Ku-na-la#i rtogspabrjodpa. Ngoài ra, học giả người Pháp E. Burnouf dịch bộ phận ghi chép truyện vua A dục trongDivyàvadàna ra tiếng Pháp vào năm 1845 Tây lịch, và in chung trong tác phẩm Ấn độ Phật giáo sử tự luận (Introduction à l’histoire du Bouddhisme indien) của ông. Còn L. Feer thì dịch A dục vương truyền thuyết bản Tây tạng ra tiếng Pháp, đề là Légende du roi Azoka (A dục vương truyền thuyết), ấn hành ở Paris năm 1865. Lại ngoài Divyàvadàna nói ở trên, còn có bản tiếng Phạm nữa là Azokavadàna, được R. Mitra (người Anh) dịch đại ý trong tác phẩm Nepalese Buddhist Literature (văn học Phật giáo Népal) của ông vào năm 1882. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Khai nguyên thích giáo lục Q.2, Q.6; Phật giáo sử địa khảo luận (Ấn thuận, Diệu vân tập hạ biên 9 đệ tam)].