A-Dục

Từ Điển Đạo Uyển

阿 育; S: aśoka; P: asoka; cũng gọi là A-du-ca, dịch nghĩa là Vô Ưu, không ưu sầu, lo nghĩ;

Tên của một vị vua xứ Maurya miền Bắc Ấn Ðộ, trị vì từ năm 272 đến
236 trước Công nguyên, mất năm 231. Trong lịch sử Ấn Ðộ, ông đã để lại
nhiều dấu tích quan trọng. Sau một cuộc viễn chinh đẫm máu năm 260 ông
có dịp được nghe Phật pháp và tỉnh ngộ, quyết định thành lập một “Vương
quốc phụng sự Phật pháp.” Ông đích thân đi khắp các miền trong nước để
bảo vệ luật lệ và chính pháp. Ông cũng là người cổ vũ việc ăn chay và
chống tệ nạn giết thú vật cúng tế. Trong thời A-dục vương, đạo Phật
phát triển mạnh ở Tích Lan. Người con trai của A-dục vương là Ma-hi-đà
(mahinda) cũng góp phần rất nhiều trong việc truyền bá đạo Phật.

Tài liệu về A-dục rất nhiều sai khác. Theo tài liệu từ văn hệ Pā-li
thì ông là một quốc vương chỉ phụng sự cho đạo Phật. Theo một số tài
liệu của giới khảo cổ, nhất là tư liệu khắc trên đá do chính A-dục cho
ghi lại thì ông cũng ủng hộ rất mạnh các giáo phái khác, đúng như trách
nhiệm của một nhà vua. Các tư liệu khắc trên đá hay dùng chữ “Pháp”
(s: dharma). Người ta thấy rằng Pháp nói ở đây không chỉ phải là Phật
pháp mà là một hệ thống luân lí do nhiều trào lưu tôn giáo thời đó tổng
hợp lại. Quan điểm của A-dục vương là làm sao thần dân có một cuộc đời
hạnh phúc; trong đó gồm sự tự do, lòng từ bi, tránh chém giết, biết
tuân lời, tôn trọng sự thật, hướng nội…

Dưới thời A-dục vương có một sự can thiệp của triều đình vào Tăng-già
khi Tăng-già đứng trước nạn chia rẽ. Lần đó, một số tỉ-khâu bị loại ra
khỏi giáo hội, buộc phải hoàn tục.