Phật Quang Đại Từ Điển

A DỤC VƯƠNG KHẮC VĂN

Cũng gọi A dục vương pháp sắc.

4 các bài văn răn dạy, mang nội dung Phật pháp, do vua A dục thuộc triều đại Khổng tước ở Ấn độ đời xưa, ra lệnh khắc ở các vách núi và trên các cột đá. Những bài văn này được khắc vào khoảng năm 250 trước Tây lịch. Văn tự dùng để khắc là một thứ tiếng địa phương (thổ âm) gần với tiếng Phạm và tiếngPàli. Hiện nay người ta đã phát hiện được năm loại: bảy chỗ vách núi lớn, bảy chỗ vách núi nhỏ, mười cột đá, bài minh khắc trong hang đá và trên bản đá. Chỉ trong các pháp sắc khắc trên vách núi nhỏ là có tên vua A dục, ngoài ra, các loại khác đều dùng tên Vua Thiên ái hỉ kiến (Phạm: Devànaôpiya piyadrazi, Pàli: Devànaôpiya piyadassin). Loại văn khắc pháp sắc này có phạm vi rất rộng, hầu như rải rác khắp Ấn độ. Cao tăng Pháp hiển truyện và Đại đường tây vực kí đã nhiều lần đề cập đến những cột đá này, về sau bị mai một, nên người đời không còn ai biết đến nữa. Mãi đến năm 1356, vua Hồi giáo là Fìroz Shàl mới phát hiện hai cột đá: một ở nơi cách Dehli hơn một trăm sáu mươi cây số và một ở chỗ khác cách Dehli hơn sáu mươi cây số, tất cả được dời về Dehli. Đến cách nay một trăm năm về trước, hai cột đá này được Thượng úy Hoare thuộc công ty đông Ấn độ của người Anh chú ý, rồi từ đó các cột khác được lục tục tìm thấy ở Ấn độ, Népal, A phú hãn v.v…

Sau nhờ Prinsep khổ công nghiên cứu, đến năm 1837 mới xác nhận được đó là văn khắc của vua A dục. Việc nghiên cứu lịch sử Ấn độ và lịch sử Phật giáo từ đó tỏa ra nhiều màu sắc mới lạ. Những văn khắc của vua A dục hoàn toàn ăn khớp với Đại sử, Đảo sử lưu truyền ở Tích lan, nhờ đó có thể biết được lĩnh vực chính trị và công việc truyền giáo của vua A dục. Đồng thời, nó phản ánh quan điểm đối với chính trị, đạo đức, Phật giáo và chế độ quản lí hành chính của vua A dục. Những bài minh khắc trên vách núi lớn đều khắc trên tảng đá to hoặc trên gò đá, trong đó có chỗ khuyết lược, đều có mười bốn chương cáo văn, nhưng cũng có chỗ khắc riêng hai chương để thay thế. Văn tự dùng để khắc là chữ thể xưa Khư lô sắt để (Phạm:Kharowỉhì) hoặc tiếng Phạm cổ (Phạm: Brahmè). Khảo xét phần ghi chép, có thể biết những văn khắc này được khắc vào khoảng từ mười hai đến mười bốn năm sau khi vua A dục lên ngôi. Nói một cách khái quát, đại ý của những văn khắc này là cấm chỉ sát sinh, xây dựng các bệnh viện, viện dưỡng lão, đào giếng, sửa lại và định chế độ hội nghị, phát thuốc và khuyến khích trồng cây thuốc. Cứ năm năm một lần, vua mở đại hội Vô già, quan dân đều tham dự, hoằng pháp lợi sinh, bảo đảm sự hưng thịnh của Phật pháp và hạnh phúc yên vui của nhân dân; tôn trọng tự do tín ngưỡng, khéo léo hòa giải sự xích mích giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau; cấm chỉ các nghi lễ giả dối trái đạo đức, phải đề cao những nghi thức hợp với chính pháp, vì phúc lạc ở đời sau, phải thoát ly tội nghiệp đời trước. Cáo văn này bày tỏ niềm hối hận sâu xa của vua A dục về nỗi bi thảm do cuộc chinh phục nước Yết lăng ca mang lại. Chính vì đó mà vua qui y Phật giáo và hết lòng hoằng dương chính pháp, tin rằng chỉ có chinh phục bằng chính pháp là sự chinh phục hơn hết. Nhưng mục đích chủ yếu của vua là truyền bá Phật giáo cho người Hi lạp.

Những cáo văn khắc trên vách núi nhỏ có một chương hoặc hai chương, có giống nhau, khác nhau, nhưng hoàn toàn khác với mười bốn chương nói ở trên. Đại ý các Pháp Sắc của Vua A Dục khắc trên đá văn khắc là: đối với bên ngoài thì mở rộng khu vực truyền bá đại pháp, đối với bên trong thì phải nêu cao sự hiếu thuận chân thực. Ngoài ra, còn có một chương riêng dạy bảo chư tăng nước Ma yết đà phải giữ gìn và tiếp nối đại pháp cho lâu dài. Trong mười cột đá, thì trên sáu cột khắc sáu chương cáo văn giống nhau. Bốn cột còn lại, mỗi cột khắc một chương văn khác nhau, và trên đầu cột của bốn cột đá này có tấm đá tròn hình cái chuông, trên để tượng sư tử, chung quanh riềm chạm trổ hoa sen, ngỗng v.v… về chiều cao, cột nhỏ cao chừng tám mét, cột lớn cao tới hơn mười mét. Khảo xét những văn khắc, có thể biết vua A dục đã làm những văn khắc này vào khoảng hai mươi sáu năm đến hai mươi chín năm sau khi lên ngôi. Nội dung cấm chỉ giết hại, các quan phải lấy nhân từ làm chính để làm cho đạo thưởng phạt không lầm; khuyên dân chúng dùng chính nghĩa để xa lìa nghiệp ác; vua đối đãi với thần dân không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tín ngưỡng, mà chỉ nhìn họ bằng đôi mắt thương yêu như một. Còn những chương văn khác thì khắc ghi nhân duyên Vương phi bố thí rừng cây v.v… hoặc ghi việc vua tham bái các Phật tích và dựng cột đá. Những văn khắc trong hang đá, đều ghi sự tích bố thí hang động. Ở gò Phạ lạp phạ nhĩ (Baràbar), cách Bồ đề già da (Phạm: Buddha-gaya) hơn hai mươi cây số về mạn bắc, có bốn hang đá, trong đó, ba hang có văn khắc ghi chép việc bố thí hang động. Bản đá mới tìm thấy gần đây vốn là đá vách của một nhà nông ở gần Orissa. Trong các loại văn khắc trên đây, đặc biệt đáng chú ý là điều 13 trong văn khắc trên vách núi, nội dung nói về việc vua A dục giao thiệp với nước ngoài. Nhân vật xuất  hiện trong văn là ông vua Hi lạp vào khoảng năm 260 đến 258 trước Tây lịch, nhờ đó có thể suy đoán mà biết niên đại vua A dục ra đời và khu vực truyền bá Phật giáo. [X. Ấn độ tông giáo sử khảo; Phật điển kết tập; A dục vương sự tích; É. Senart: Inscriptions de Piyadasi; E. Hultsch: Corpus Inscriptionum Indicarum; V. A. Smith: Asoka].