Phật Quang Đại Từ Điển

A DU ĐÀ QUỐC

Phạm:Ayodhyà,Pàli:Ayojjhà. Một nước xưa ở trung Ấn độ, là một trong những nơi trung tâm văn minh của Ấn độ cổ đại. Cũng gọi A tì đà quốc, A tì xà quốc, A du xà quốc, A dụ đà quốc, A nghinh xà quốc. Dịch ý là nước khó thắng, nước không ganh đua, nước không hơn được, nước không thể đánh. Đại đường tây vực kí quyển 5 chép, nước này chu vi hơn năm nghìn dặm, thủ đô rộng hơn hai mươi dặm, thóc lúa dồi dào, hoa quả xanh tốt, hơn trăm ngôi chùa với ba nghìn vị tăng, học tập cả Đại thừa, Tiểu thừa, có mười ngôi đền thờ trời, các đạo khác rất ít. Nước này từng là nơi nhiều vị đại đức Phật giáo cư trú, như ngài Thất lợi la đa đã làm luận Tì bà sa của phái Kinh bộ ở một ngôi chùa cách thủ đô nước này vài dặm về mạn tây bắc. Ngài Vô trước ở trong rừng Đại am một la cách thủ đô nước này năm, sáu dặm về phia tây nam, nghe luận Du già sư địa, Đại trang nghiêm kinh luận, luận Trung biên phân biệt v.v… của bồ tát Di lặc. Ngài Thế thân cũng ở nước này, nghe theo ngài Vô trước mà trở về với Đại thừa, rồi soạn hơn một trăm bộ luận Đại thừa. Về tiếng gốc, trong giới học giả cận đại, cũng có người chủ trương nước A du đà là Ayuda. Về thủ đô nước này, nhà khảo cổ học người Anh là A. Cunningham suy đoán là ởKakùpun, cách Cawnpore hiện nay hơn ba mươi cây số về mạn tây bắc. Còn nhà học giả Ấn độ học người Anh là ông V. A. Smith thì cho là ở Aphui, cách Fatehpur hiện nay độ năm mươi cây số về phía đông nam. [X. kinh Tạp a hàm Q.10; kinh Thủy mạt sở phiêu; kinh Chúng hứa ma ha đế Q.1; kinh Đại bảo tích Q.118; Bà tẩu bàn đậu pháp sư truyện; Huyền ứng âm nghĩa Q.5; S. N. Majumdar: Cunningham’s Ancient Geography of India; T. Watters: On Yuan Chwang; T.W. Rhys Davids: Buddhist India].