A DI ĐÀ TỰ 阿彌陀寺

Từ Điển Bách Khoa Phật Học Việt Nam

Tên chùa, một tên thường dùng nhất để đặt cho các chùa thuộc phái Tịnh độ ở Nhật bản. Hiện có năm chùa nổi tiếng nhất biết dưới tên ấy.

    1. Chùa A Di Đà ở tại thôn Mâu lễ, quận Tá ba, tỉnh Châu phòng, nay thuộc tỉnh Yamaguchi phía tây Nhật bản. Gọi đủ là Hoa cung sơn A Di Đà tự (Keguzam Amidaji). Nó do Tuấn Thừa Thường Trùng Nguyên khai sơn. Nguyên vào năm 1180, chùa Đông Đại bị cháy, triều đình bổ Trùng Nguyên vào chức Đại khuyến tấn, giao cho hai tỉnh Châu phòng và Bị tiền để lấy tiền và vật tư, mà đứng ra dựng lại chùa ấy. Năm 1186 Trùng Nguyên vào Châu phòng thiết lập bản doanh để tính chuyện sửa chùa. Bản doanh đó sau này trở thành chùa A Di Đà. Sau khi Trùng Nguyên chết trải qua bốn mươi lăm đời, chùa do tỉnh quản lý chứ không do chư tăng làm trụ trì. Đến khoảng 1661-1673, chùa được trùng tu, và từ phái Tịnh độ tôn, chùa trở thành sở hữu của phái Cổ nghĩa chân ngôn tôn. Tuy thế, chùa vẫn giữ Niệm Phật đường, ngoài Bản đường và Khai sơn đường. Ngày mười bốn và rằm tháng bảy là hai ngày hội lớn của chùa, có nhiều người tham dự. Chúng trùng với ngày kỵ của vị Tổ khai sơn chùa. Chùa hiện có một số tượng tháp và giấy tờ được tuyên bố là quốc bảo, chủ yếu là pho tượng ngồi bằng gỗ của Trùng Nguyên và quyển A Di Đà tự điền hoàng chú văn tịnh miễn trừ trạng.

Xem thêm Đông đại tự tạo lập cúng dường ký, Ngô Thê kính 7, 15; Viên Quang đại sư hành trạng họa đồ dực tán 35; Bản triều cao tăng truyện 65; Quốc bảo mục lục.

  1.  Chùa A Di Đà ở vùng Tự địa dinh, thuộc Giới thị, tỉnh Hoa tuyền; nay thuộc phủ Osaka, thuộc Tịnh độ tôn do Trừng Viên vâng lệnh thiên hoàng Hậu Đề Hồ (1318-1340) dựng. Chính tên là Đại a di đà kinh tự, cũng gọi Đại a di đà kinh tự núi Cam lộ, hay Húc liên xã, hay Đại kinh tự. Nguyên trước Trừng Viên xuất gia với Viên Nhã chùa Đông đại, sau qua Trung quốc học Tịnh độ tôn ở Lô sơn vào năm 1317. Trở về nước, vâng lệnh Hậu Đề Hồ dựng chùa ấy, truyền bá phép tu Ban châu tam muội, đặt tên chùa (là) Húc liên xã, bắt chước tên Bạch liên xã ở Lô sơn. Năm 1337, thiên hoàng Hậu Thôn Thượng (1341-1368) ban tên Đại a di đà kinh tự. Cao dã tham nghệ nhật ký của Tam Điều Tây Thật Long ở mục ngày 28 tháng 4 chỉ gọi tắt là A di đà tự. Trải qua lịch sử, chùa từng nổi tiếng cho đến khoảng thế kỷ mười bảy. Từ đó trở đi, chùa bắt đầu suy vi, mà trầm trọng nhất là lúc Minh trị duy tân. Tới năm 1895, chùa khởi công trùng tu. Hiện nay, chính điện của chùa thờ tượng Phật A Di Đà một trượng sáu, và điện Tỳ sa môn thiên vương có thờ tượng Tỳ sa môn, tương truyền do Không Hải tạo.

Xem thêm Tịnh độ truyền đăng tôn hệ phổ T, Tịnh độ trấn lưu tổ truyện 4, Tân soạn vãng sinh truyện 3, Bản triều cao tăng truyện 17, Tục Nhật bản cao tăng truyện 11, Hòa tuyền danh sở đồ hội

  1. Chùa A Di Đà ở thôn An thổ, quận Bồ sinh, tỉnh Cận giang, nay thuộc phủ Shiga, thuộc Tịnh độ tôn. Chính tên Tịnh nghiêm viện, cũng gọi Từ ân tự, hay Thần hàn a di đà tự. Nguyên trước Tịnh Nghiêm tham học với Duệ Sơn. Sau cảm mộng, đến núi Kim thắng kết am chuyên tu niệm Phật. Am ấy sau gọi là Tịnh nghiêm phòng. Đến đời đệ tử thứ ba có Tá Tá Mộc Cao Lại đem hết gia sản mình cúng vào am, dựng ở phía đông núi đó một ngôi chùa đặt tên là A di đà tự. Chính nơi đây, năm 1486 đã lần đầu tiên mở hội “bất đoạn niệm Phật, lục thời thường hành”. Năm 1488 thiên hoàng Hậu Thổ Ngự Môn đã ban tên Thần hàn a di đà tự. Năm 1573 dời Tịnh nghiêm phòng xuống dưới chân thành An độ. Sáu năm sau ở đó đã xảy ra cuộc tranh biện nổi tiếng giữa tôn Tịnh độ và phái Nhật liên, kết tinh nên quyển An độ vấn đáp. Hiện nay, chính điện, phương trượng, kho tàng cũng như các nhà phụ đều còn. Chính điện chùa được gọi là A di đà đường (x.) và chỉ định là thuộc quốc bảo, trong ấy thờ tượng gỗ A Di Đà.

Xem thêm Tịnh độ truyền đăng tôn hệ phổ, Truy bạch vãng sinh truyện T, Tịnh độ trấn lưu tổ truyện 4, Cẩn giang danh sở đồ hội 4, Nhật bản danh thắng địa chí 4, Quốc bảo mục lục.

  1. Chùa A Di Đà ở Ái tri cốc, quận Ái ngạn, tỉnh Sơn thành (phủ Kyoto ngày nay), thuộc Tịnh độ tôn, do Đàn Thệ dựng trong khoảng 1596-1614. Cũng gọi Nhất tâm qui mạng quyết định quang minh sơn. Đây là nơi Đàn Thệ viên tịch. Chùa ở sâu trong núi thẳm, có cây to bóng mát, khe suối nước trong vắt. Dưới núi có bảng đá khắc Đàn Thệ phật nhất lưu bản sơn. Trên núi sau nhà hậu có hang di tích, hang Khai sơn, hang Thiền công. Chùa gồm chính điện và các kho tàng. Mỗi năm đến ngày hai mươi lăm tháng năm gặp ngày kỵ vị tổ khai sơn là ngày hội của chùa, nam nữ tụ hội đông đảo.

Xem thêm Đàn Thệ thượng nhân hội từ truyện H, Tục Nhật bản cao tăng truyện 9, Sơn thành danh tích tuần hành chí 3, Đô danh sở đồ hội 3.

  1. Chùa A Di Đà ở thôn Tháp trạch, quận Túc bỉnh hạ, tỉnh Tượng mô (phủ Kanagawa ngày nay), thuộc Tịnh độ tôn. Cũng gọi Phóng quang minh luật viên núi A dục. Năm 1609, Đàn Thệ đến ở trong hang núi ấy. Sau đệ tử của mình là Niệm Quang dựng chùa, thờ tượng A Di Đà,

Quán Âm và Địa Tạng. Có thuyết nói chùa do An Tẩu Tôn Lăng khai sáng, đệ tử là Trí Hải Triết xây dựng, và Đàn Thệ trùng hưng. Sau chùa có hang Đàn Thệ, còn tháp A Dục vương thì truyền thuyết nói Đàn Thệ đào được tháp Xá lỵ và đặt thờ ở đây.

Xem thêm Tục Nhật bản cao tăng truyện 9, Liên môn tinh xá cựu từ 18, Tân biên tượng mô quốc phong thổ ký cảo 30.

  1. Chùa A Di Đà ở núi Diệu pháp vùng Na trí dinh quận Mâu lũ tỉnh Kỷ y, nay thuộc phủ Wakayama, thuộc Chân ngôn tôn, cũng gọi Diệu pháp tự. Theo truyền thuyết, chùa do Liên Tịch thuộc Thiên thai sơn Trung quốc dựng. Ban đầu chùa là một thảo am dựng giữa lòng núi để thờ tượng A Di Đà do chính Liên Tịch khắc vào năm Đại bảo thứ ba (703) của thiên hoàng Văn Vũ. Trong khoảng Hoằng Nhân (810-823) Ứng Chiếu đến xây dựng thêm. Ứng Chiếu ở núi Na trí cạnh đây tụng kinh Pháp Hoa, rồi hỏa thiêu. Sau Tâm Địa Giác Tâm đến ở trong khoảng Vĩnh nhân (1293-98). Tới thời Đức xuyên mạt kỳ, chùa lại được trùng tu, đúc tượng Thích Ca để thờ, và thuộc về Thiền tôn. Hiện nay nó thuộc về phái Chân ngôn tôn.

Xem thêm mục NA TRÍ SƠN.