A-Di-đà

Từ Điển Đạo Uyển

阿 彌 陀; danh từ dịch âm từ chữ amita, dạng viết tắt của hai chữ Phạn (sanskrit) là Amitābha và A­mitāyus. Amitābha nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng, Amitāyus là Vô Lượng Thọ, là thọ mệnh vô lượng;
Tên của một vị Phật quan trọng, được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa (s: ma­hā­yāna). A-di-đà là giáo chủ của cõi Cực lạc (s: su­khāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ.

H 1: A-di-đà Phật
Trong Phật gia (s: buddhakula) thì Phật A-di-đà được tôn thờ sớm nhất trong lịch sử, vào khoảng thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Thân hình của Ngài thường được vẽ bằng màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây. Tay của Ngài bắt Ấn thiền định, giữ Bát, dấu hiệu của một giáo chủ. Những trái cây trong bình bát tượng trưng cho trí huệ phong phú của Ngài. Tao sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hai con công là biểu hiện của sự thoát hiểm, thoát khổ. Tại Ấn Ðộ và Tây Tạng, người ta tin rằng con công có thể ăn tất cả những chất độc mà không bị ảnh hưởng gì.
Phật A-di-đà cũng thường được trình bày với hình tượng mang vương miện kết bằng ngọc quý, có khi dưới dạng của Pháp Tạng tỉ-khâu, đầu cạo trọc, một dạng tiền kiếp của Ngài. Thông thường, A-di-đà được vẽ ngồi trên toà sen, tay Ngài bắt ấn thiền hay ấn giáo hoá. Cùng được thờ chung với A-di-đà là hai vị Ðại Bồ Tát, đó là Quán Thế Âm (s: avaloki­te­śva­ra), đứng bên trái và Ðại Thế Chí (s: ma­hā­sthā­ma­prāpta), đứng bên mặt của Ngài. Có khi người ta trình bày Ngài đứng chung với Phật Dược Sư (s: bhai­­ṣajyaguru-­bud­dha). Tương truyền rằng A-di-đà từng là một nhà vua. Sau khi phát tâm mộ đạo, Ngài từ bỏ ngôi báu và trở thành một tỉ-khâu với tên Pháp Tạng (s: dhar­mā­kara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và nguyện giúp chúng sinh sống trong cõi Cực lạc của mình cũng sẽ thành Phật. Ngài lập 48 đại nguyện nhằm giúp chúng sinh giải thoát. Các lời nguyện quan trọng nhất là:
(18) »Sau khi ta đạt chính quả, chúng sinh trong khắp mười phương thế giới chỉ cần nghe đến tên ta là đã khởi niệm cầu đạt quả vô thượng. Lúc họ chết mà nhớ nghĩ đến ta, ta sẽ hiện đến cùng quyến thuộc xung quanh để giúp họ khỏi sợ hãi. Nếu không được như thế thì ta quyết không thành Phật«; (19) »Sau khi ta đạt chính quả, chúng sinh trong vô số thế giới chỉ cần nghe đến tên ta, muốn thác sinh trong Tịnh độ của ta để trau dồi thiện nghiệp thì họ phải được toại nguyện. Nếu không được như thế thì ta quyết không thành Phật.« Nhờ phúc đức tu học, cuối cùng Pháp Tạng trở thành Phật A-di-đà, giáo chủ cõi Cực lạc.
Trong lịch sử đạo Phật, việc tôn xưng A-di-đà là một mốc phát triển quan trọng. Phép niệm A-di-đà là một cách tu dưỡng mới của Phật tử, không phải trải qua vô số kiếp. Ðây là cách tu dưỡng dựa vào Tha lực, dựa vào đại nguyện của một vị Phật – một phép tu »nhanh chóng, dễ dàng« hơn chứ không phải dựa vào tự lực của chính mình. Ðó là phép tu nhất tâm niệm danh hiệu »Nam-mô A-di-đà Phật« lúc lâm chung để được sinh vào cõi của Ngài.