Phật Quang Đại Từ Điển

A DI ĐÀ TỊNH ĐỘ BIẾN

Tranh vẽ biểu hiện cảnh Tịnh độ cực lạc của đức Phật A di đà. Cũng gọi Tây phương tịnh độ biến, Tây phương biến tướng, Tịnh độ mạn đà la, Cực lạc biến mạn đồ la. Ở Trung quốc, người đầu tiên vẽ tranh này là ngài Thiện đạo đời Đường. Quán niệm pháp môn của ngài Thiện đạo nói, nếu có người y theo kinh Quán vô lượng thọ v.v…, vẽ cảnh Tịnh độ trang nghiêm, rồi ngày đêm quán tưởng đất báu, niệm niệm không rời, thì có thể trừ diệt tội sống chết trong tám mươi ức kiếp. Kim ngân nê họa Tịnh độ biến tướng tán của Lí bạch nói, Tần phu nhân ở quận Phùng dực, dùng kim nhũ vẽ Tịnh độ biến tướng phương tây để cầu siêu cho chồng là Vi công, quan Thứ sử Hồ châu. Cứ theo Lịch đại danh họa kí của Trương ngạn viễn đời Đường chép, thì trên vách phía tây của Đại Phật điện trong chùa An quốc, có Tây phương biến do Ngô đạo tử vẽ; trong Tiểu Phật điện chùa Vân hoa, có Tịnh độ biến do Triệu vũ thụy vẽ. Đến đời Tống, Liên xã niệm Phật và tranh vẽ Tịnh độ biến khá thịnh hành. Pháp nhiên thượng nhân truyện kí quyển 2 của Nhật bản chép, vào đời Tống, Tuấn-thừa-phòng-trùng-nguyên đến Trung quốc, thỉnh được Quán kinh mạn đồ la về Nhật bản. Lại gần đây, mấy loại tranh A di đà tịnh độ biến đã được tìm thấy ở Đôn hoàng. Ở Nhật bản, từ thời Bạch phụng (673-685) về sau, dần dần mới có họa phẩm Tịnh độ biến, như bức tranh vẽ trên vách hiện còn ở chùa Pháp long, nhưng kiểu tranh đơn giản, chỉ có hình Di đà tam tôn, các trời và cảnh người vãng sinh trong ao báu. Còn bức tranh Tịnh độ biến ở viện A di đà, cứ theo A di đà viện bảo vật trướng chép, thì trong Bảo điện đặt hai bậc trên dưới, thờ Di đà tam tôn, mười vị bồ tát Âm thanh, hai vị La hán. Lại trong những bức tranh Tịnh độ biến hiện còn, thì Đương ma mạn đồ la là bức tranh rõ ràng tỉ mỉ và hoàn bị hơn cả. [X. Vãng sinh tây phương tịnh độ thụy ứng san truyện; Tây phương yếu quyết thích nghi thông qui; Quán kinh cửu phẩm đồ hậu tự  (Nguyên chiếu); Bạch thị văn tập Q.70, Q.71; Dậu dương tạp trở tục tập Q.5 Thường lạc phường Triệu cảnh công tự điều; Diên lịch tự tọa chủ Viên trân truyện; Lạc bang văn loại Q.2, Q.3; Thập di vãng sinh truyện Q.hạ].