A DI ĐÀ TAM DA TAM PHẬT TÁT LÂU PHẬT ĐÀN QUÁ ĐỘ NHÂN ĐẠO KINH

Từ Điển Bách Khoa Phật Học Việt Nam

阿彌陀三耶三佛薩樓佛檀過度人道經

Phạn: Amitasamyaksambuddhasattvaloka- praõidhànasåtra

Hán: (pâ) A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh 阿彌陀三耶三佛薩樓佛檀過度人道經, Phật Thuyết Chư Phật A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh 佛説諸佛阿彌陀三耶三佛薩樓佛檀過度人道經, A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Đàn Quá Độ Nhân Đạo Kinh 阿彌陀三耶三佛薩樓檀過度人道經, Đại A Di Đà Kinh 大阿彌陀經, A Di Đà Kinh 阿彌陀經, Vô Lượng Thọ Kinh 無量壽經, Quá Độ Nhân Đạo Kinh 過度人道經, Nhị Thập Tứ Nguyện Kinh 二十四願經

Tên kinh, hai quyển, Đại tạng kinh 12, Bảo tích bộ H ĐTK 362, Chi Khiêm dịch, ghi lại tiền thân của đức Phật A Di Đà là tỳ kheo Pháp Tạng cùng với hai mươi bốn nguyện, rồi tả quốc độ Tu ma đề của đức Phật ấy với việc kế ngôi của Bồ tát Quán Âm và Đại Thế Chí, cũng như việc vãng sinh của ba hạng người về nước đó.

Nội dung kinh chia làm hai quyển. Quyển thượng bắt đầu về việc Đức Thích Ca ở tại núi Kỳ xà quật, thành La duyệt kỳ trả lời những câu hỏi của A Nan, nói về sự kiện vào đời quá khứ vô ương số kiếp có ba mươi ba vị Phật xuất thế, kể từ Phật Đề Hòa Kiệt La trở xuống. Đến thời Phật Lâu Di Hoàn tại thế, có vị đại quốc vương nghe kinh của Phật, vui vẻ bỏ nước nhường ngôi, xuất gia làm sa môn hiệu là Đàm Ma Ca, phát nguyện làm Phật, trang nghiêm nước Phật, khiến cho nhân dân và chư thiên sinh về nước ấy, tự mình thấy được hai trăm mười ức quốc độ của các đức Phật và lựa chọn theo sở nguyện của mình. Tổng kết bản nguyện của Đàm Ma Ca có hai mươi bốn lời và được ghi lại nguyên văn từng lời một. Rồi nói đến việc Đàm Ma Ca sẽ thành Phật quang minh đệ nhất. Tới đây thì có sự xuất hiện của vua A Xà Thế và các người khác tới nghe kinh. Đức Phật tiếp tục mô tả quốc độ thù thắng của Phật A Di Đà với đất nước nhà cửa cây cối đều làm bảy báu, nhân dân chỉ gồm các vị Bồ tát, La hán, mà không có phụ nữ, và bản thân đức Phật A Di Đà thì sống lâu vô lượng, sau khi niết bàn, Bồ tát Ạp Lâu Hoàn được bổ xứ thành Phật, và sau khi Bồ tát ấy niết bàn, Bồ tát Ma Ha Na Bát lại thành Phật kế tục giáo hóa.

Quyển hạ phân biệt ba hạng người vãng sinh, thường gọi là tam bối. Trong ba hạng này, trừ hạng thượng, hai hạng trung và hạ, cũng có những người còn nghi hoặc mà bị thoái lui. Những người này sẽ sinh trong thành bảy báu ở ven nước Tu ma đề, năm trăm năm sau mới ra khỏi thành đó. Rồi đức Phật nói với A Dật Đa về năm ác, năm thiêu và năm thống của chư thiên và nhân dân. Tiếp theo Ngài vận thần thông cho A Nan thấy đức Phật A Di Đà và nước Tu Ma Đề, kể ra số Bồ tát vãng sinh ở mười bốn cõi Phật. Cuối cùng để kết thúc, đức Phật nói việc kinh này sẽ lưu lại trăm năm sau khi các kinh pháp khác đã diệt tận một ngàn năm.

Nội dung kinh này như thế chứng tỏ nó là một bản dịch khác của Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh, bởi vì cả hai bản đêu đề cập đến tiền thân tỳ kheo Pháp Tạng và ghi Pháp Tạng có hai mươi bốn bản nguyện. Và cũng vì có nội dung như thế, nó thuộc về hệ thống các kinh Vô lượng thọ sau này, tức Vô lượng thọ kinh, Vô Lượng Thọ Như Lai hội của Đại bảo tích kinh và Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh. Các bản in Tống, Nguyên và Minh đều có tên A Di Đà kinh ở đầu cũng như cuối sách. Riêng bản in Cao ly ở đầu kinh có tên A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, còn cuối kinh thì đề A Di Đà Kinh. Sự kiện bản in Cao ly có một đề kinh dài như thế không phải là mới mẻ. Xuất tam tạng ký tập 2 dưới mục A Di Đà kinh hai quyển, có chua thêm “bên trong đề A Di Đà tam da tam Phật tát lâu đàn quá độ nhân đạo kinh. Chúng kinh mục lục 2 của Pháp Kinh và Chúng kinh mục lục 2 của Tĩnh Thái chỉ ghi tên A Di Đà kinh. Đến Đại Đường nội điển lục 2 và Khai nguyên thích giáo lục 2 đều có ghi đầy đủ cả hai tên, theo đúng câu chú của Xuất tam tạng ký tập. Đại Châu san định chúng kinh mục lục 3 có hai hạng mục, một mang tên Tam da tam Phật tát đàn quá độ nhân đạo kinh, một bộ hai quyễn và nói là do Khương Tăng Khải dịch, một mang tên A Di Đà kinh, một bộ hai quyển do Chi Khiêm dịch. Cả hai hạng mục này, nó ghi là rút từ Lịch đại tam bảo ký của Phí Trường Phòng. Nhưng khảo Lịch đại tam bảo ký 5 thì Khương Tăng Khải chỉ có dịch Vô lượng thọ kinh, còn A Di Đà kinh với lời chua bên dưới là bên trong “đề A Di Đà tam da tam Phật tát lâu đàn quá độ nhân đạo kinh”. Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục ghi theo Khai nguyên thích giáo lục với lời chua: “Bên trong đề Chư Phật A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đẳng đạo kinh”

Như vậy, theo các kinh lục, A Di Đà tam da tam Phật tát lâu đàn quá độ nhân đạo kinh cũng có tên A Di Đà kinh. Theo Cảnh Hưng trong Vô lượng thọ kinh liên nghĩa thuật văn tán T thì “Thời Ngô, Chi Khiêm đặt tên Chư Phật A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh, cũng gọi là Đại A Di Đà”. Nói khác đi, từ thế kỷ thứ VII vì để phân biệt với A Di Đà kinh của La Thập, bản dịch của Chi Khiêm được gọi là Đại A Di Đà kinh. Còn về tên A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh hẳn là một hỗn hợp vừa phiên âm chữ Phạn vừa dịch nghĩa Trung quốc. Quá độ nhân đạo, hay Quá độ nhân đẳng đạo chắc chắn là một dịch nghĩa. A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn thì hẳn là một phiên âm. Tên phiên âm này cho đến nay chưa ai đề nghị một tên Phạn tương đương. Theo chúng tôi, nó có thể là phiên âm của tên Amitasamyaksambuddhasattvaloka- pranidhàna, nghĩa là lời nguyện đối với thế giới chúng sinh của đức Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Lượng. Phiên âm Amitasamyaksambuddha bằng A Di Đà tam da tam Phật, tất không có vấn đề gì. Tát lâu là một phiên âm của sattvaloka, tuy cũng có một số vấn đề nhưng không quan trọng lắm, bởi vì ta đã có kèm theo những chữ dịch nghĩa là nhân đạo hay nhân đẳng đạo. Còn lại là chữ Phật đàn, mà một số đề nghị là phiên âm của buddhàn / buddham, song không có nghĩa lắm. Chúng tôi nghĩ nó hẳn là một phiên âm của pranidhàna, nếu không là buddha / dhyàna. Trong hai phiên âm này, chúng tôi thấy pranidhàna có nghĩa hơn.

Từ bản kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất tam tạng ký tập 2 và tiền thân của nó là Tổng lý chúng kinh mục lục của Thích Đạo An (312-385), dịch giả của A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh là Chi Khiêm. Tuy nhiên, những người nghiên cứu căn cứ vào dịch ngữ và dịch phong của bản văn thì nghĩ nó là bản dịch của Chi Lâu Ca Sấm. Song nếu khẳng định như thế thì không lý bản kinh lục xưa nhất đáng tin cậy vừa nêu đã tỏ ra sai lầm chăng? Cho nên, Okayama đã đưa ra thuyết dung hòa, nói rằng bản văn nguyên do Chi Lâu Ca Sấm dịch, rồi sau đó được Chi Khiêm san định lại. Thuyết này xuất phát từ một nhận xét của Chi Mẫn Độ trong Hiệp thủ lăng nghiêm ký ở Xuất tam tạng ký tập 7, theo đó, kinh Thủ lăng nghiêm nguyên do Chi Lâu Ca Sấm dịch, sau đó Chi Khiêm “không thích những chỗ Sấm dịch, lời nó chất phác, có nhiều tiếng Hồ, nên những chỗ khác bèn tước đi mà định lại, còn những chỗ giống Khiêm chỉ chép ra mà không thay đổi”. Nói cách khác, nếu văn phong và dịch ngữ của A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh có nhiều điểm tương đồng với những bản văn biết chắc chắn do Chi Lâu Ca Sấm dịch, ấy bởi vì Chi Khiêm đã dựa trên bản dịch của Chi Lâu Ca Sấm mà sửa lại, “chỗ nào khác thì tước bỏ mà dịch lại, chỗ nào giống thì chép ra mà không sửa”. Cho nên, trong A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh hiện nay có những đoạn lời văn rất chải chuốt. Đoạn nói về năm ác hiên không thấy tương đương trong Phạn bản, lại mang nhiều sắc thái Trung quốc, lời văn lưu loát, là một thí dụ. Và sự thực một số kinh lục như Đại Đường nội điển lục 1 đã ghi nhận là Chi Lâu Ca Sấm dịch

Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh, một dị bản của bản dịch Chi Khiêm. Tất nhiên, bản Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh hiện vẫn còn và được ghi nhận là của Chi Lâu Ca Sấm, có phải là của Chi Lâu Ca Sấm không, đang là một vấn đề bàn cãi. Chỉ cần nhấn mạnh là Chi Lâu Ca Sấm có liên hệ ít nhiều đến việc dịch một truyền bản của hệ thống kinh Vô lượng thọ. Dẫu sao chăng nữa, các kinh lục đã nhất trí ghi A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh là một dịch phẩm của Chi Khiêm, và trước mắt chưa có những bằng cớ gì xác thực nói ngược lại sự ghi nhận ấy.

A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh dù là bản dịch của Chi Khiêm hay của Chi Lâu Ca Sấm, là một trong những bản dịch xưa nhất cùng với Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh của hệ thống kinh Vô lượng thọ hiện còn. Nó tượng trưng cho giai đoạn đầu của quá trình tín ngưỡng A Di Đà. Ở giai đoạn này, nó còn giữ những điểm cộng thông với những kinh điển khác. Thí dụ, cùng với A Di Đà cổ âm vương thanh đà la ni kinh, nó nhìn nhận sự nhập diệt của Phật A Di Đà và sự kế nghiệp của Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Đấy là một điểm cộng thông giữa tín ngưỡng A Di Đà và tín ngưỡng A Súc Bệ. A Sơ Bệ Phật quốc kinh H cũng nói tới sự nhập diệt của Phật A Súc. Hệ thống bản nguyện giữa hai tín ngưỡng ấy cũng có nhiều điểm nhất trí. Đối với hệ thống kinh Vô lượng thọ nó ghi nhận sự có mặt và phát nguyện vãng sinh Tịnh độ của vua A Xà Thế, sự nhập diệt của Phật A Di Đà, Quán Âm thành đạo. Đây là những điểm mà những kinh trong hệ thống đó không có, trừ Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh. Về tư tưởng bản nguyện, hệ thống hai mươi bốn nguyện của nó có thể nói tượng trưng cho nỗ lực đầu tiên của quá trình hình thành và có một quyết định ảnh hưởng đối với những phát triển về sau, đặc biệt đối với bốn mươi tám nguyện nổi tiếng.

Về thời gian và địa điểm hình thành A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh có nhiều quan điểm khác nhau. Từ xưa đã có thuyết Đại thừa phi Phật thuyết. Cho nên, kinh này với tư cách là một bộ kinh Đại thừa, tất cũng bị cho là không phải do đức Phật giảng dạy. Ngày nay, một số người nghiên cứu đã giả thuyết nó hình thành trong những vùng đất do người Hy lạp cai trị ở miền tây bắc Ấn độ. Yashioka đề xuất giả thuyết kinh Vô lượng thọ hình thành tại vùng Bamyan là một phản ảnh khách quan của tình trạng kinh tế xã hội phát triển cực kỳ rực rỡ của vùng đó dưới sự cai trị của người Hy lạp. Thêm vào đó, nội dung của các bản văn thuộc hệ thống kinh Vô lượng thọ lại không có những yếu tố như sùng bái Phật tháp. Sự vắng mặt yếu tố này tại các vùng có người Hy lạp cư trú và sự xuất hiện của tập quán lễ bái Phật tượng mà tín ngưỡng A Di Đà nhấn mạnh đến đã chứng tỏ khi người Hy lạp trở thành Phật tử, họ một mặt tiếp thu một số nguyên tắc căn bản của đạo Phật, nhưng mặt khác đã du nhập vào trong Phật giáo một số tập quán tín ngưỡng bản địa của họ. Một trong những tập quán ấy là việc lễ bái hình tượng. Quán vô lượng thọ Phật kinh mô tả quán tưởng bằng hình tượng Phật A Di Đà, chính là để đáp ứng lại yêu cầu lễ bái hình tượng vừa nói.

Tất nhiên, thuyết này không phải là không có những khó khăn. Thứ nhất, những di vật của nền nghệ thuật Phật giáo, thường gọi là nền nghệ thuật Phật giáo Gàndhàra tìm thấy cho đến nay, đã không có một hình tượng Phật A Di Đà riêng biệt nào. Thứ hai, những mô tả về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà có thể phản ảnh một phần nào vẻ đẹp phong phú và sự giàu có tuyệt vời của thủ đô Sàgala mà Những câu hỏi của Mi Lan Đà ghi lại, nhưng đồng thời chúng cũng có nguồn gốc trong Thế ký kinh của Trường a hàm kinh 18-22. Cho nên, chúng tôi nghĩ rằng, việc hình thành hệ thống kinh Vô lượng thọ, trong đó bao gồm cả A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh tại vùng cai trị của người Hy lạp ở miền tây bắc Ấn độ ngày xưa, là không thỏa đáng. Sự thật, nếu căn cứ vào những di liệu nghệ thuật cụ thể là những hình tượng chạm vào đá và những tượng khắc hiện còn, tín ngưỡng A Di Đà đã phân bố rộng rãi trên nhiều miền khác nhau của đất nước Aán độ, từ Mathura phía tây đến Orissa phía đông, từ Gàndhàra phía bắc đến Amaravatã phía nam.

Nói thế tức cũng muốn nói A Di Đà tam da tam Phật tát lâu Phật đàn quá độ nhân đạo kinh đã hình thành tại vùng bình nguyên sông Hằng ở chính cái nôi Phật giáo Ấn độ. Một khi đã khẳng định như vậy, vấn đề thời điểm ra đời của bản kinh này không thể giới hạn vào sự xuất hiện của người Hy lạp ở miền tây bắc Ấn độ ngày xưa, tức cuối thế kỷ thứ tư đầu thế kỷ thứ ba trước dl.; mà phải truy về chính thời đại đức Phật.

Xem thêm Fujita Kotatsu, Genshi Jòdò Shisò No Kenkyù (Tokyo 1973); Okayama Hajime, Dai Amida Kyò Yakusha Ni Kansuru Ichi Kasetsu (IBA 28/2 (1980) 735-8); Yoshioka Ryòon, Muryòja Kyo Seiritsu No Minzokuteki Haikei (IBK 17/1 (1968) 366-9)