Phật Quang Đại Từ Điển

A DI ĐÀ KINH NGHĨA SỚ

I. A di đà kinh nghĩa sớ, 1 quyển. Ngài Cô sơn Trí viên đời Tống soạn. Cũng gọi Phật thuyết A di đà kinh sớ tinh tự,thu vào Đại chính tạng tập 37. Là sách chú thích kinh A di đà do ngài Cưu ma la thập dịch. Trước khi giải thích phần chính văn, soạn giả lập ra năm lớp nghĩa sâu kín: 1. Lấy hai đức Phật đã chứng quả ở hai cõi là đức Thế tôn ở Ta bà và đức Di đà ở Tịnh độ làm tên kinh. 2. Lấy thực tướng phương đẳng làm thể của kinh. 3. Lấy tín, nguyện, tịnh nghiệp làm tông chỉ của kinh. 4. Lấy bỏ khổ được vui làm dụng. 5. Lấy sinh tô phương đẳng Đại thừa làm giáo. Toàn văn chia làm ba phần: Tựa, Chính tông, Lưu thông, rồi lần lượt theo thứ lớp mà giải thích chương cú.

II. A di đà kinh nghĩa sớ, 1 quyển. Ngài Linh chi Nguyên chiếu đời Tống soạn,thu vào Đại chính tạng tập 37. Cũng là sách chú thích bản dịch kinh A di đà của ngài Cưu ma la thập. Trước phần chính văn, soạn giả lập ra bốn môn: giáo, lí, hành, quả. 1. Giáo, chia làm hai thứ: Giáo hưng, Giáo tướng. Giáo hưng, trình bày ý nghĩa đức Như lai ra đời, mục đích là khiến chúng sinh chán nỗi khổ Ta bà, hâm mộ Tịnh độ cực lạc, chấp trì danh hiệu mà được vãng sinh. Giáo tướng, nói rõ giáo môn Tịnh độ là pháp Đại thừa viên đốn thành Phật. 2. Lí, là thể của giáo. Nói về nghĩa chung, Đại thừa là lí được giải thích rõ ràng (lí sở thuyên). Nói về nghĩa riêng, lấy công đức y báo, chính báo trang nghiêm không thể nghĩ bàn của đức Phật A di đà tu nhân cảm quả làm lí sở thuyên. 3. Hành, là tông chỉ của giáo. Nói theo nghĩa chung, thì chỉ cho sáu độ muôn hạnh; nói theo nghĩa riêng, thì chỉ cho tịnh nghiệp. Kinh này chuyên nêu rõ pháp trì danh, đó chính là tông chỉ của kinh. 4. Quả, là dụng của giáo. Quả gần, được thân pháp tính, ở Tịnh độ Đồng cư. Quả xa, được A nậu bồ đề không trở lui, chứng pháp thân trong sạch, ở cõi Pháp tính, rốt ráo thành Phật.