A DI ĐÀ KINH

Phật Quang Đại Từ Điển

I. A di đà kinh, Phạm:Aparimitàyussùtra, 2 quyển. Cũng gọi A di đà tam da tam phật tát lâu phật đàn quá độ nhân đạo kinh, Đại a di đà kinh. Do ngài Chi khiêm đời Ngô (222-280) dịch, thu vào Đại chính tạng tập 12. Kinh này là bản dịch khác của kinh Vô lượng thọ, và là một bộ kinh được thành lập sớm nhất trong các bản dịch kinh Vô lượng thọ. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.2] (xt. Đại A Di Đà Kinh).

II. A di đà kinh. Phạm:Sukhàvatyamftavyùha. Dịch âm: Tốc ca ngõa đê a di lí đát vĩ dụ ha, 1 quyển. Cũng gọi Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm kinh, Tiểu vô lượng thọ kinh, Tiểu kinh, Tứ chỉ kinh, thu vào Đại chính tạng tập 12. Một trong ba bộ kinh Tịnh độ. Kinh này vốn được biên soạn ở miền bắc Ấn độ, vào lúc mà tín ngưỡng Phật A di đà đang thịnh hành, sau khi kinh Đại vô lượng thọ đã được thành lập, tức vào khoảng thế kỉ thứ nhất. Kinh này đã được ngài Cưu ma la thập (Phạm: Kumàrajìva, 344-414) dịch ra Hán văn vào năm Hoằng thủy thứ 4 (404) đời Diêu Tần. Sau bản của ngài Cưu ma la thập, có hai bản dịch khác nữa:

1. Kinh Tiểu vô lượng thọ, 1 quyển, do ngài Cầu na bạt đà la dịch vào đầu năm Hiếu kiến (454-456) đời Hiếu Vũ đế nhà Lưu Tống. Bản dịch này đã bị thất lạc từ lâu, hiện chỉ còn văn chú và văn lợi ích.

2. Kinh Xưng tán tịnh độ Phật nhiếp thụ, 1 quyển, do ngài Huyền trang dịch vào niên hiệu Vĩnh huy năm đầu (650) đời vua Cao tông nhà Đường, cũng được thu vào Đại chính tạng tập 12. Bản dịch của ngài La thập, văn dịch ngắn gọn, trong sáng và trôi chảy, nên được rất nhiều người đọc tụng. Nội dung kinh này trình bày sự trong sạch đẹp đẽ ở Tịnh độ phương tây của Phật A di đà, chư Phật chân thành khen ngợi chúng sinh sinh về Tịnh độ, chư Phật ở sáu phương ấn chứng, và trì danh niệm Phật v.v… làm cho tín ngưỡng Tịnh độ được xác nhận rõ ràng và dễ dãi. Có rất nhiều bản chú sớ về kinh này, trọng yếu hơn cả thì có: A di đà kinh nghĩa kí 1 quyển của ngài Trí khải, A di đà kinh pháp sự tán 2 quyển của ngài Thiện đạo, A di đà kinh sớ, 1 quyển của ngài Tuệ tịnh, A di đà kinh sớ 1 quyển và A di đà kinh thông tán sớ 3 quyển của ngài Khuy cơ, A di đà kinh sớ 1 quyển của ngài Nguyên hiểu v.v… Thời gần đây, nhân việc Đại học Oxford san hành kinh Di đà bản tiếng Phạm, Nhật bản bèn dấy lên phong trào nghiên cứu kinh này rất là sôi nổi. Như Đằng ba Nhất như soạn kinh A di đà văn Phạm được dịch ra bốn thứ tiếng Nhật, Anh, Trung hoa, Triều tiên; Địch nguyên Vân lai soạnba bộ kinh Tịnh độ Phạm, Tạng, Nhật, Anh đối chiếu, và Mộc thôn Tú hùng soạn The Smaller Sukhàvatìvyùha, Description of Sukhàvatì; The Land of Bliss, collaterating Sanskrit, Tibetant, Chinese texts with commentarial foot-notes. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Khai nguyên thích giáo lục Q.4, Q.5, Q.8; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.3].

 

Từ Điển Đạo Uyển

S: amitābha-sūtra; chính là bản ngắn của Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh.
Một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của tông Tịnh độ, lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam. Kinh này trình bày phương pháp nhất tâm niệm danh hiệu A-di-đà và sẽ được Ngài tiếp độ về cõi Cực lạc lúc lâm chung (Niệm Phật). Ngày nay, nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) của kinh này đã thất lạc, người ta chỉ còn tìm thấy những bản chữ Hán của hai dịch giả lừng danh là Cưu-ma-la-thập và Huyền Trang.