A-ĐỀ-SA

Từ điển Đạo Uyển


阿 提 沙;

S: atīśa, atiśa;

A-đề-sa là cách đọc theo âm Hán Việt, dịch ý là »Người xuất chúng, xuất sắc«, cũng được gọi là Nhiên Ðăng Cát Tường Trí (燃 燈 吉 祥 智; s: dī­paṅ­­ka­raśrī­jñā­na);

Ðại sư người Ðông Ấn (982-1054), người đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Sư chuyên nghiên cứu các phương pháp phát triển Bồ-đề tâm (s: bo­dhi­­­citta). Là Tổ của dòng Ma-kiệt-đa (s: ma­ga­dha) và thuyết sư tại đại học Siêu Giới (s: vi­­kramaś­īla), Sư được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Sư là người sáng lập trường phái Cam-đan (t: ka­dam­pa), gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Cách-lỗ (t: ge­­lugpa) của Tông-khách-ba (t: tsong-kha-pa). Ðệ tử quan trọng nhất của Sư là Lạc-mẫu-đông (hoặc Ðông-đốn [t: drom­ton], 1003-1064).

Thế kỉ thứ 10 được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Ðộ qua Tây Tạng, thông qua vương triều miền Tây. Ban đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Ðộ thỉnh kinh, như dịch giả Lâm-thân Tang-pha (t: rinchen sangpo). Về sau nhà vua mời hẳn một Luận sư Ấn Ðộ và người đó là A-đề-sa. Năm 1042, Sư bước chân vào đất Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu giáo hoá.

Trong tác phẩm Bồ-đề đạo đăng (s: bo­dhi­pa­tha­­pra­dīpa), Sư trình bày toàn cảnh giáo pháp Ðại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ khác nhau:

  1. Hạ sĩ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành,
  2. Trung sĩ: loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa) và
  3. Thượng sĩ: loại người tu vì sự Giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ Tát). Công trình chính của A-đề-sa là xếp đặt thứ tự kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Sư là người đưa Ða-la (s: tārā) trở thành một vị nữ Hộ Thần quan trọng trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng. Trong các trứ tác, Sư thống nhất hai trường phái chính của giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật: quan điểm tính Không (s: śūnyatā) của Long Thụ (s: nāgārjuna) và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước (s: a­saṅ­ga).