Phật Quang Đại Từ Điển

A ĐÀ NA THỨC

Cũng gọi Đà na thức. A đà na, Phạm: Àdàna, các nhà dịch mới dịch ý là chấp, chấp trì, chấp ngã, và cho nó là tên khác của thức thứ tám. Các nhà dịch cũ thì dịch là vô giải, và cho đó là tên khác của thức thứ bảy.

1. Tên khác của thức thứ tám. Vì thức này là thức gốc giữ gìn cảm quan, thân thể, không để hư nát. Hơn nữa, thức này nắm giữ hạt giống của các pháp, không để mất mát. Lại vì nó nắm giữ chính nó, làm cho sự kết sinh nối nhau liên tục, bởi thế gọi là Chấp trì thức (thức nắm giữ). Các nhà dịch mới của tông Pháp tướng, như ngài Huyền trang, Khuy cơ v.v… cho thức A đà na là cái thế lực nắm giữ nghiệp thiện ác và thân thể hữu tình, không để hư hoại, vì thế cho nó là tên khác của thức A lại da thứ tám.

2. Là tên khác của thức Mạt na thứ bảy. Vì thức A đà na nắm giữ hạt giống và thân thể hữu tình, còn thức Mạt na thì thường tương ứng với bốn phiền não căn bản ngã là: si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái, đồng thời, thường lấy kiến phần của thức A lại da thứ tám làmta, của ta mà chấp chặt lấy. Ý nghĩa mà thức A đà na và thức Mạt na biểu thị thực ra là giống nhau, cho nên các nhà dịch cũ thuộc các tông Địa luận, Nhiếp luận, Thiên thai v.v… mới cho thức A đà na là tên khác của thức Mạt na thứ bảy nắm giữ thức A lại da làm tự ngã. Thức này còn được dịch là vô minh thức, nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức, trí thức, tương tục thức, vọng thức, chấp thức, phiền não thức, nhiễm ô thức v.v… [X. kinh Giải thâm mật Q.1 phẩm Tâm ý thức tướng; Nhiếp đại thừa luận bản Q.thượng; luận Thành duy thức Q.3; Đại thừa nghĩa chương Q.3; Pháp hoa huyền nghĩa Q.5].