A-Chin-Ta

Từ Điển Đạo Uyển

S: aciṅta, aciṅtapa; cũng gọi A-chin-ta-pa,với biệt danh là “Nhà tu hành mê của”
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, được xem là đệ tử của Kam-ba-la (s: kam­ba­la), sống trong cuối thế kỉ thứ 9.

Ông là một người đốn củi nghèo tại Ða-ni-ru-pa (s: dhanirupa), chỉ mong được giàu có. Bị ý nghĩ này hành hạ, ông trốn vào rừng sống
độc cư và gặp Du-già sư (s: yogin) Kam-ba-la. Kam-ba-la hướng dẫn ông vào Saṃ-va-ra-tan-tra, dạy cho ông phép đối trị lòng tham muốn giàu
sang:

Tham muốn là những gì?

Tham muốn là con trai,

của một người đàn bà

mất khả năng sinh sản.

Hãy giải thoát khỏi nó.

Quán thân là bầu trời,

lúc đó Thần giàu sang,

sẽ tự hiện trước mắt,

và ước nguyện thành tựu.

A-chin-ta quán tưởng đúng như lời Ðạo sư chỉ dạy. Tâm thức thèm
khát của ông biến mất trong ánh sáng đầy tinh tú, tinh tú lại biến mất
trong không gian rộng lớn nên tâm thức ông trống rỗng. Ông báo lại với
thầy tâm mình đã trống, Kam-ba-la dạy tiếp:

Tự tính bầu trời ư?

Có vật gì không nào?

Ngươi còn thèm vật gì,

không màu sắc, hình tướng?

Còn gì để quán tưởng?

Khi A-chin-ta nghe câu nói này, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Thánh đạo ca (s: dohā) của ông như sau:

Trong Ðại ấn vô tướng,

vạn tư duy giả dối,

đã biến thành trống rỗng.

Mọi hiện tượng chỉ là,

tâm thức đang biến hiện,

thật tại ta chính là,

Ðại thủ ấn không khác.