OAN GIA
Tỳ kheo Thích Trí Siêu

 

Vấn Đáp

Chương này ghi lại sự vấn đáp giữa thầy và các Phật tử qua những buổi giảng về Oan gia.

Hỏi: Người ta thường nói “con là nợ, vợ là oan gia”. Vậy con là oan gia hay vợ là oan gia?

Đáp: Người ta thường nói cho có vần “con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo”, chứ thật ra oan gia đến với mình dưới nhiều hình thức, có thể là vợ, là chồng, là con, là cha mẹ, anh em, bạn bè, v.v…

Con cũng là oan gia, nhưng thường đòi nợ về tài sản, vật chất, thí dụ như mình phải nuôi con tốn nhiều tiền bạc mà không bao giờ tính đếm. Còn oan gia vợ chồng thường có tính cách tình cảm, đến đòi nợ tình, phụ bạc, ân oán, hận thù.

Hỏi: Nếu mình có tranh chấp với những người ngoại quốc làm việc chung với mình, đó có phải là oan gia của mình không?

Đáp: Đây là loại oan gia xã hội.  Trong vòng sinh tử luân hồi, con người đi đầu thai ở những xứ sở khác nhau. Khi nhân duyên hội tụ đầy đủ thì sẽ gặp lại nhau để thanh toán những ân oán tiền kiếp.

Hỏi: Những kẻ giết người, cướp giật, có phải cũng là oan gia hay không?

Đáp: Đó cũng là oan gia. Thí dụ như gặp một người nghèo khổ, mình chạnh lòng thương, đem về nhà giúp đỡ, cho họ ở nhờ. Nhưng sau đó người này lại trộm cắp hay cướp giật của mình. Tại sao khi mình đem người khác về nhà thì không sao, nhưng đem người này về thì họ lại cướp giật của mình? Đó là vì mình và họ có ân oán từ đời trước.

Hỏi: Nếu một cặp vợ chồng giàu có, mang một người bạn nghèo về nhà, cho ăn ở để giúp đỡ. Một thời gian sau, người bạn này và bà vợ lại có liên hệ bất chánh. Phải chăng đây là oan gia?

Đáp: Đây là oan gia về tình cảm. Người vợ là oan gia của người chồng, vì hành động của bà làm chồng đau khổ. Người chồng trong một tiền kiếp cũng đã ngoại tình, làm trái tim bà tan nát.  Nhân quả xui khiến ông đem người bạn về để vợ ông có cơ hội phản bội, làm ông đau khổ để trả cái nợ ngày xưa.

Hỏi: Khi mình làm một việc thiện hay việc phước nào, mình có thể hồi hướng cho oan gia trái chủ để giải bớt nghiệp xấu với họ hay không?

Đáp: Điều này rất tốt và nên làm. Thông thường ai làm mình đau khổ thì mình muốn trả thù. Ai chửi mình một câu thì mình muốn chửi trả lại hai câu. Và người kia sẽ trả đũa và từ từ  leo thang, đến mức tệ hơn là ấu đả nhau. Đức Phật dạy “Chỉ có từ bi mới xóa bỏ được hận thù”.

Theo luật nhân quả, người kia làm ta đau khổ là bởi vì trong kiếp trước ta đã từng làm họ đau khổ. Không phải tự nhiên vô duyên cớ mà người ta đến làm khổ mình. Bây giờ chúng ta tu tập các công đức như: sám hối, tụng kinh, trì chú, lạy Phật, ngồi thiền, bố thí, phóng sinh, v.v…rồi hồi hướng cho oan gia trái chủ và cầu cho họ được an vui, hạnh phúc.

Trong đời sống vợ chồng, khi ghét nhau, chửi nhau thì lại càng bị sống với nhau lâu hơn vì tạo thêm nghiệp oan trái. Ngược lại, nếu ta đi chùa đọc kinh cầu nguyện, hồi hướng cho oan gia được mạnh khỏe, bình an, vui vẻ thì có một ngày nào đó họ sẽ buông tha ta, như đòi chia tay, ly dị, v.v…Như vậy là ta trả hết nghiệp với họ.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma có kể một câu chuyện:

Những vị Lạt Ma Tây Tạng bị người Trung Quốc bắt, đánh đập, hành hạ thường xuyên. Các vị Lạt Ma phải tìm cách trốn khỏi Tây Tạng. Có một vị sư lớn tuổi trốn thoát được qua đến Ấn Độ và đến đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài hỏi vị sư:

– Ông bị tù bao lâu?

– Dạ gần 20 năm.

– Trong thời gian đó ông bị hành hạ ra sao?

– Dạ mỗi ngày họ lôi con ra đánh đập, tra tấn cho đến khi con chịu hết nổi, ngất xỉu thì họ mới ném con trở lại trong phòng giam.

– Vậy trong lúc bị đánh ông làm cái gì?

– Trong gần 20 năm trong tù, những lúc bị đánh đập, con cố gắng giữ tâm từ bi, thương xót tội nghiệp kẻ đang đánh đập con và không khởi niệm thù ghét họ.

Chúng ta thấy gần 20 năm trong tù, vị Lạt Ma này đã tu hạnh từ bi. Người không biết tu thì khi bị đánh đập chắc chắn sẽ chửi thầm trong bụng. Như vậy trong lúc trả nghiệp, họ vô tình tạo ra nghiệp mới, nghiệp sân hận. Trong khi đó, vị Lạt Ma này cũng tạo ra nghiệp mới, nhưng đó là nghiệp từ bi. Nhờ vậy mà ngài đã trả hết nghiệp oan gia và trốn thoát khỏi Trung Quốc.

Hỏi: Nếu một người chết đi trong khi ân oán chưa trả hết thì sao?

Đáp: Khi một người chết đi thì “duyên” tan rã, nhưng cái “nhân” (tức sự ân oán trong tâm thức) vẫn còn, đến một kiếp nào đó nhân duyên hội tụ đầy đủ thì họ sẽ trả tiếp. Cho nên chết là thân xác chết chứ ân oán không chết.

Hỏi: Có những trường hợp một người bị bệnh nặng nhưng không chết được. Gia đình phải thỉnh quý thầy đến tụng kinh, cầu cho oan gia trái chủ buông tha để người bệnh ra đi nhẹ nhàng. Việc này như thế nào? Quý thầy có cầu được không?

Đáp: Khi một người bệnh nặng nhưng có nhiều oan gia trái chủ không chịu buông tha, họ sẽ phải kéo dài cảnh sống dở chết dở. Oan gia trái chủ có thể là hữu hình, hoặc vô hình.

– Đối với oan gia hữu hình: người bệnh hấp hối còn một uẩn ức, hay ân hận cần phải giải bày hay xin lỗi với một người nào đó. Nếu giúp họ gặp và giải bày được thì họ sẽ ra đi nhẹ nhàng nhanh chóng.

– Đối với oan gia vô hình: quý thầy tụng kinh cầu xin oan gia trái chủ tha thứ cho người bệnh, nhưng có kết quả hay không tùy thuộc vào sự ân oán nặng hay nhẹ. Nếu ân oán nhẹ thì họ có thể tha thứ, nhưng nếu nặng và họ không chịu bỏ qua thì quý thầy cũng không thể làm gì hơn.

Hỏi: Mình có thể “xóa nợ” cho con nợ được không? Và bằng cách nào khi mà người thiếu nợ nhất định đòi trả nợ?

Đáp: Nếu mình là chủ nợ thì mình có thể xóa nợ hay tha nợ, bằng cách nói cho họ biết là họ không còn nợ mình và không cần phải làm gì cho mình nữa. Nhưng nếu họ nhất quyết đòi trả nợ thì cứ để cho họ trả. Không nên lợi dụng, xài xể, hay khinh thường họ. Có thể vì kiếp trước họ lường gạt mình nên luật nhân quả bắt họ phải trả thì họ mới tiêu nghiệp. Thí dụ như chuyện của Mạt Lợi phu nhân và bốn tên khiêng kiệu.

Hỏi: Người có con nhiều và người không có con, người nào tốt hơn?

Đáp: Có con nhiều mà toàn là oan gia tới đòi nợ thì không tốt. Nhưng nhiều con mà là ân gia tới trả nợ cha mẹ thì tốt. Còn người không có con cũng có hai trường hợp: – Tự ý không muốn có con, vì không có nợ con cái.  Đây là điều tốt, sở cầu như ý.

– Người muốn có con mà không có được, do vì đời trước đã từng phá thai, hoặc sinh con ra mà không nuôi nấng đàng hoàng, bỏ rơi chúng nó. Đây là điều bất hạnh.

Hỏi: Các vị đại đệ tử của Đức Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp…khi gặp Đức Phật và tu đắc đạo thì họ cũng đã tu hành từ nhiều đời trước.

Còn bà Patachara, khi gặp Đức Phật, bà cũng tu hành đắc đạo. Vậy trong những tiền kiếp của bà, bà có tu hành hay không, hay chỉ gặp Phật rồi tu đắc đạo ngay trong một đời mà thôi?

Đáp: Câu chuyện không có nói rõ. Nhưng dựa vào luật nhân quả thì chúng ta có thể hiểu rằng những người sinh cùng thời và gặp được Phật để tu hành là những người đã nhiều đời nhiều kiếp có nhân duyên với Phật. Các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp…đã từng là đệ tử, từng theo Đức Phật trong nhiều kiếp khi Ngài còn là Bồ tát. Nhưng không phải kiếp nào cũng được gặp và theo Phật. Như chúng ta cũng vậy, khi chết thì đi qua kiếp khác chứ không thể ở đó chờ người thân cùng đi đầu thai một lượt. Mỗi người sẽ theo nghiệp riêng mà luân hồi.  Cho đến một kiếp nào đó, đủ thời gian tính, đủ nhân duyên mới gặp lại nhau.

Nàng Patachara cũng có những kiếp làm ác phải trả nghiệp và những kiếp tu hành gặp Đức Phật khi ngài còn là Bồ tát. Trong vòng luân hồi vô lượng kiếp thì 500 kiếp để trả nghiệp ác cũng không có là bao. Cho đến kiếp cuối cùng đang trả nghiệp ác thì cùng lúc nghiệp lành đã tạo ngày xưa cũng chín mùi. Hai nghiệp xấu và tốt cùng trổ ra một lúc. Trong cái rủi có cái may, trong lúc đau khổ thì nàng gặp lại Đức Phật và được Ngài giáo hóa. Tại sao lúc hoạn nạn, điên khùng, nàng không tìm đến các đạo sĩ khác mà lại đi đến nơi đức Phật đang thuyết pháp? Cái gì đã dẫn nàng đi tới đó? Đó là Nhân Duyên. Bởi vậy, khi nghe danh một vị thầy hoặc một vị đạo cao đức trọng, mình phải cố gắng tìm tới để gieo duyên với vị ấy.

Hỏi: Ma Ba Tuần là loại ma nào, có được những công đức gì mà lại được sống rất lâu và có nhiều thần thông?

Đáp: Trong đạo Phật, ma là cái gì đó làm cản trở đường tu, hay sự giác ngộ giải thoát của mình. Có nhiều loại ma như: tử ma, thiên ma, nội ma, ngoại ma. Ma Ba Tuần là một loại thiên ma, loại ma cao nhất trong sáu cõi trời (Tứ Thiên Vương, Dạ Ma, Đao Lợi, Đâu Suất, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại). Ma Ba Tuần cũng như tất cả chư thiên đều có phước rất lớn, nhưng chấp vào phước của mình và có tâm ngã mạn. Ma Ba Tuần là vua cai trị tất cả chư thiên.  Khi Đức Phật sắp giác ngộ, ánh sáng của Ngài chiếu khắp nơi. Ma Ba Tuần trông thấy liền xuống tìm cách phá phách, cản trở sự thành đạo của Ngài. Ngoài ra, nó cũng biết rằng sau khi thành đạo Đức Phật sẽ giáo hóa cho nhiều người giác ngộ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nó. Vì vậy nó luôn tìm cách phá rối, ngăn cản sự tu hành của người khác.

Hỏi: Trở lại câu chuyện hai vợ chồng nhà giàu giúp đỡ người bạn nghèo rồi bị phản bội. Trong trường hợp này, ai nợ ai và ai trả cho ai?

Đáp: Thí dụ người chồng đi làm về đưa hết tiền cho vợ để vợ toàn quyền sử dụng, tiêu xài. Đó là ông ấy trả nợ (tiền) cho vợ. Nếu sau này ông khám phá ra sự phản bội của vợ thì ông sẽ đau khổ. Trong trường hợp này, vợ ông vừa là chủ nợ (tiền) vừa là oan gia (làm ông đau khổ).

– Phần người vợ: nếu lấy tiền của chồng lo cho con cái thì bà ấy chỉ thiếu nợ mấy đứa con. Nếu gửi cho cha mẹ thì bà trả nợ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nếu mang tiền cho tình nhân thì bà thiếu nợ và trả nợ (tiền) cho ông ta.

– Nếu người tình của bà sau khi lấy tiền rồi phản bội, đi lấy người khác, bà vừa mất tình vừa mất tiền thì ông ta vừa là chủ nợ (tiền) vừa là oan gia của bà ta.

– Trong khi người chồng đang trả nghiệp xấu đã tạo từ đời trước thì người vợ và ông bạn kia, do hành vi xấu xa, lường gạt cả tình lẫn tiền, lại đang tạo ra nghiệp xấu mới cho những kiếp về sau.

Trong cuộc đời, ân tình, oán hận cứ chạy lòng vòng cho nên “tình là giây oan”. Những người có tình cảm ướt át thì cố vui đùa, nhào lộn mãi trong cõi Ta bà. Ngày nào thức tỉnh ra được như bà Patachara thì mới biết dừng lại và tìm đường thoát ra.

Hỏi: Có khi nào mình bị đòi trả nợ nhiều hơn số mình thiếu không?

Đáp: Thông thường khi đòi đủ số nợ thì chủ nợ sẽ bỏ đi. Nhưng rất tiếc là lúc đó con nợ thường không chịu nhả ra. Vì trong lúc trả nợ, con nợ không ý thức là mình đang trả nợ, họ nghĩ là đang cho vay nên có ý muốn đòi lại khi người kia bỏ đi. Thí dụ: trong thời gian chung sống với nhau, người chồng sắm sửa, cung phụng cho vợ đủ mọi thứ bà ấy muốn. Ông không biết là ông đang trả nợ. Ngược lại, ông nghĩ là mình đang ban phát cho vợ. Đến một ngày nào đó, khi đã lấy đủ số nợ, bà ấy sẽ bỏ đi với người khác. Người chồng lúc đó, do không hiểu được việc nợ nần trong tiền kiếp nên chạy theo đòi lại những gì ông đã “cho” vợ trước kia. Cái khổ của chúng sinh là không hiểu được khi mình đang chung sống với ai mà họ bỏ ra đi vì yêu người khác hoặc qua đời, thì đó là dấu hiệu nợ nần, oan gia chấm dứt. Do không hiểu điều đó nên mình thường níu kéo, tiếc nuối…

Con cái cũng vậy. Có đứa tới làm mình hao tiền tốn của, nhưng cũng có đứa hiếu thảo, hết lòng lo lắng, săn sóc mình. Đó là những đứa thiếu nợ mình và đến để trả nợ. Khi trả hết nợ rồi thì nó sẽ ra đi. Lúc đó mình lại hết sức tiếc thương, đau khổ, không chịu nhả nó ra.

Mình níu kéo là mình tạo một nghiệp ái luyến mới, làm người ta bị khổ sở, níu kéo, hoặc trở mặt hất hủi, xô đẩy mình ra. Lúc đó yêu thương trở thành thù hận, và cứ như thế mà chạy lòng vòng từ yêu thương đến thù ghét, rồi tái sinh để tiếp tục thù ghét, yêu thương.

Hỏi: Nếu hai vợ chồng giữ tiền chung với nhau, một người lén lút lấy tiền đó gửi cho cha mẹ mình thì có tạo nợ với người kia không?

Đáp: Nếu lấy trong phạm vi số tiền mình đóng góp vào thì không sao, còn nếu lấy hơn thì tạo nợ với người kia.

Hỏi: Nếu một người đến trong đời mình mang lại khó khăn, phiền não cho mình thì nên làm gì là tốt nhất? Bỏ chạy trốn hay tìm cách làm cho họ vui lòng?

Đáp: Có 3 giải pháp:

1/ Trước hết mình phải cố gắng chuyển hóa tình trạng, kiên nhẫn sửa mình và sửa hoàn cảnh để chuyển nghiệp oan gia.

2/ Nếu cố gắng hết sức mà không sửa đổi được hoàn cảnh thì mình phải tập chấp nhận và lấy cơ hội này để tu hành, suy nghĩ xem nhân quả nào đã khiến mình rơi vào hoàn cảnh này để cố gắng chuyển nghiệp.

3/ Sau khi đã cố gắng làm hai điều trên mà họ vẫn làm khổ mình quá thì nên bỏ trốn, lánh xa. Nhưng trong thời gian đó vẫn phải tiếp tục tu hành, tích tụ phước đức, hồi hướng cho oan gia. Vì bỏ trốn không thể trả hết nghiệp, mà chỉ là tạm ngưng trả, để có thì giờ tích tụ phước đức rồi trả nợ sau.

Hỏi: Nếu mình làm cho một người đau khổ nhưng người đó từ bi tha thứ cho mình thì mình có phải trả cái nghiệp ác đã làm người ta đau khổ không?

Đáp: Nếu người đó tha thứ cho cô thì họ không gây nghiệp oan gia (oán thù) với cô. Nhưng bài học nhân quả cô chưa học được, đó là “không nên làm khổ người khác”. Do đó cô vẫn phải trả quả, không phải với người đã tha thứ cô mà với những người đã bị cô làm khổ từ nhiều kiếp trước. Thí dụ như Đề Bà Đạt Đa phá hại Đức Phật, và Ngài từ bi tha thứ, nhưng luật nhân quả vẫn khiến cho Đề Bà Đạt Đa phải đọa địa ngục.

Hỏi: Làm sao để biết mình là chủ nợ hay là người thiếu nợ?

Đáp: Khi mình là người thiếu nợ thì chủ nợ sẽ tự động tìm đến đòi. Thí dụ một người em họ của mình ở tiểu bang khác bị thất nghiệp tới xin ở nhờ nhà mình để tìm việc làm. Nhưng rồi nó cứ ở lỳ nhà mình không chịu dọn đi, cũng không lo tìm việc làm, bắt mình nuôi mà không làm gì cả. Đó là chủ nợ tìm đến đòi nợ. Khi nào đòi hết nợ thì nó sẽ dọn đi.

Ngược lại, nếu người em họ đó đến ở và giúp đỡ mình làm tất cả mọi việc dù mình không nhờ, như nấu cơm, lau nhà, hút bụi, săn sóc, lo lắng cho mình, thì mình là chủ nợ.

Hỏi: Bạch Thầy, cho vay ăn lời có tạo nghiệp không?

Đáp: Bất cứ hành động nào cũng đều tạo nghiệp, chỉ có điều là nghiệp tốt hay xấu. Nếu lấy lời vừa phải thì tạo nghiệp nhẹ, nếu lấy lời cắt cổ thì tạo nghiệp nặng, đời sau sẽ bị người khác cho vay cắt cổ lại.

Hỏi: Nếu người ta không trả thì sao?

Đáp: Thì người ta mắc nợ. Nếu mình bị người ta giựt nợ thì tại đời trước mình đã giựt của người ta. Còn người giựt nợ thì lại tạo nghiệp xấu mới.  Bởi vậy nhân quả cứ chằng chịt không dứt.  Biết thế thì mình nên xả bỏ những gì xảy ra với mình, còn người ta làm điều gì không tốt thì đó là chuyện của họ.

Hỏi: Nếu mình cho vay không lấy lời mà người ta không trả thì sao?

Đáp: Thì đó là mình đang trả nghiệp đã giựt của người ta trong kiếp nào đó. Và mình nên xả bỏ luôn cho hết nghiệp. Nếu thù ghét, thưa kiện thì nghiệp không chấm dứt. Còn nếu cứ ấm ức, tức giận thì kiếp sau sẽ đi tìm để giựt lại.

Hỏi: Như vậy thì mình có thụ động quá không? Thí dụ mình có 5 đứa con, như 5 thằng chủ nợ, phải chạy tiền để nuôi chúng nó. Trong khi đó thì người khác lại giựt tiền của mình mà mình lại nói kiếp sau mới đi tìm đòi.

Đáp: Ý anh muốn nói anh đang lo trả nợ cho 5 thằng con chưa xong mà còn bị người khác giựt nợ nữa thì làm sao lo cho nổi, phải vậy không? Anh đừng lo, nhân quả luôn để cho anh có đủ để trả.  Dù có bao nhiêu người giựt nợ của anh thì 5 thằng chủ nợ vẫn kiên nhẫn chờ anh trả, chờ đến 70 tuổi chúng nó vẫn chờ được.

Hỏi: Bạch thầy, gian lận thuế bị tội gì?

Đáp: Đây là vấn đề thuộc giới trộm cắp. Theo nhân quả mình sẽ phải trả lại, có thể ngay trong kiếp này bị phạt tù, không cần chờ đến kiếp sau. Nghiệp trổ nhanh hay chậm tùy loại, giống như trồng cây, có loại mọc nhanh, có loại mọc chậm hơn.

Hỏi: Nếu mình cúng dường, ấn tống kinh sách, giúp đỡ các hội thiện mà lấy biên nhận để khai thuế thì có được công đức gì không?

Đáp: Nếu người ta sẵn sàng hay tự động làm biên nhận cho mình thì không sao, mình vẫn được phước như thường. Còn nếu mình cúng dường mà yêu cầu họ làm biên nhận để mình khai thuế thì vẫn có phước nhưng ít hơn, bởi vì cúng dường mà có mưu lợi.

Hỏi: Hai người khác đạo lấy nhau thường hay gặp khó khăn. Thời gian đầu còn nhường nhịn nhau, nhưng từ từ có sự rạn nứt vì những sự xúc phạm tới các đấng thiêng liêng. Kính xin thầy cho biết những khó khăn gì thường gặp phải khi hai vợ chồng khác tôn giáo và làm sao để hóa giải?

Đáp: Chúng ta biết vợ chồng thường là oan gia, gặp lại nhau vì những ân oán tiền kiếp chưa giải quyết. Ban đầu mới yêu nhau nên còn nể nang, nhường nhịn nhau, đạo của ai người nấy giữ, không ai xúc phạm đến niềm tin của ai. Nhưng mỗi người đều có cái ngã (hay tự ái) của mình. Sau một thời gian, cái ngã từ từ trỗi dậy trở lại và bắt đầu có những lục đục, xích mích với nhau.  Sự khác tôn giáo làm cho họ có thêm một vấn đề để gây sự, cãi vã với nhau. Vì là oan gia của nhau nên tìm cách làm cho nhau tức giận chứ không phải tại Phật hay Chúa. Nếu thương nhau thật sự thì không có lôi Phật hay Chúa của nhau ra mà bôi bác. Chỉ vì sống với nhau không hạnh phúc nên mới “giận cá chém thớt”. Muốn hóa giải vấn đề khác biệt tôn giáo thì phải đặt tình thương lên trên hết. Ngồi lại nói chuyện với nhau một cách thành thật, và tìm cách xây dựng hạnh phúc gia đình.

Hỏi: Có một ông cụ gốc đạo Phật nhưng vì lập gia đình với người theo đạo thiên chúa nên bắt buộc phải theo đạo của vợ. Đến khi ông già sắp chết thì cứ lăn lộn mãi không chết được. Ông năn nỉ vợ mời một vị thầy của Phật giáo đến tụng kinh cho ông. Nhờ đó ông ra đi được nhẹ nhàng. Xin Thầy giải thích dùm việc này.

Đáp: Ông cụ này vì thương vợ nên đành bỏ Phật theo Chúa. Đây là sự ép buộc chứ trong lòng ông không tin Chúa và mang mặc cảm tội lỗi với Phật. Đến lúc sắp chết thì ông lo sợ, không biết sẽ đi đâu, ai sẽ tiếp dẫn ông. Khi người sắp chết mà có nỗi niềm uẩn ức, chưa nói được thì thường trăn trở không đi được. Nhờ thỉnh được vị thầy đến tụng kinh nên ông trút bỏ được mặc cảm tội lỗi đã bỏ Phật theo Chúa, và nhờ đó yên lòng ra đi nhẹ nhàng.

Từ những kinh nghiệm này, chúng ta nên sắp xếp trước mọi chuyện: xin lỗi, cám ơn, chia chác tiền bạc, tài sản, hậu sự…để khi chết chúng ta yên lòng, ra đi được nhẹ nhàng.

Hỏi: Con là người công giáo, bây giờ con muốn quy y thì phải làm thế nào?.

Đáp: Tu theo Phật, cô không cần phải bỏ đạo Chúa mà chỉ cần nương theo lời Phật dạy để sống an lạc, hạnh phúc. Nhưng nếu cô muốn trở thành một Phật tử thì nên tìm đến một chùa nào đó, xin vị thầy hoặc sư cô làm lễ quy y cho. Điều quan trọng là không nên nghĩ mình phản bội Chúa.  Mình không phản bội ai cả. Vì Chúa và Phật không cần mình theo và không bao giờ bắt lỗi những chuyện nhỏ nhặt như vậy.

Hỏi: Nhưng nếu mình làm như vậy thì giống như mình đi hai hàng. Khi chết linh hồn mình sẽ như thế nào?

Đáp: Nhiều người quan niệm rằng không được quyền đi theo hai đạo một lúc, giống như đi hai hàng, khi chết linh hồn sẽ bị xé đôi. Đây là một quan niệm ngây thơ và ấu trĩ. Không ai đi hai hàng được và cũng không ai có thể xé linh hồn ra được. Giống như ông cụ nói trên, tự ông có mặc cảm tội lỗi với Phật. Cả đời ông phải giả bộ theo Chúa, nhưng trong lòng ông vẫn theo Phật, nên đến giờ chết ông cần phải trở về với Phật thì mới đi được.

Đạo giáo hay tôn giáo là những giáo lý hướng dẫn mình sống một cuộc đời đạo đức, bình an, hạnh phúc. Con người là chủ nhân tạo nghiệp và cũng là kẻ thừa tự nghiệp của mình. Khi sống mà tạo nghiệp ác, dù theo một đạo hay nhiều đạo, khi chết vẫn tái sinh trong cảnh khổ. Khi sống mà tạo nghiệp tốt, ăn hiền ở lành, dù không theo đạo nào hay theo nhiều đạo, khi chết vẫn tái sinh cảnh giới an lành. Việc phân chia tôn giáo để níu kéo, thâu phục tín đồ là những quan niệm ngây thơ, ấu trĩ.

Hỏi: Người thân trong gia đình có lúc hành xử như ân gia, có lúc như oan gia. Như vậy làm sao biết tới bao giờ mới trả nợ xong?

Đáp: Ân gia và oan gia là người đến để trả nợ và đòi nợ. Thường thì tiến trình đòi nợ và trả nợ không đơn giản rõ ràng như hôm nay tôi trả nợ, mai tôi đòi nợ, mà sự việc đòi và trả đan lồng vào nhau như màng nhện. Đại khái khi sống với nhau mà có ưa có ghét, có buồn có giận, ngay khi đó là quý vị đang sống và tạo nghiệp oan gia. Đời sống không đơn giản, nó thay đổi thường xuyên giống như mưa nắng bốn mùa, đâu có mưa hoài hoặc nắng hoài. Hồi sáng mới thấy nắng đẹp, bây giờ mây đen kéo tới. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, có lúc giận hờn, cãi lộn, rồi xin lỗi, rồi mời nhau đi ăn làm hòa, hòa xong rồi lại gây lộn nữa. Như vậy cuộc đời mới thú vị, đủ mùi chua, cay, đắng, chát, mặn, ngọt. Oan gia trong cuộc đời cũng chuyển biến như vậy. Cho đến khi nào tâm không còn ưa, ghét, buồn, giận, không còn muốn kéo vào hoặc đẩy ra thì lúc đó nghiệp oan gia của mình mới chấm dứt. Bởi vậy, các vị A La Hán khi chứng quả rồi thường nói: “Những gì cần làm ta đã làm rồi, phạm hạnh đã xong. Kiếp này là kiếp chót không còn tái sinh nữa”. Tại vì các ngài không còn nợ ai nữa nên đi luôn không trở lại cõi này.

Có những cặp vợ chồng chán nhau quá, thường nói “thôi kiếp này là kiếp chót, kiếp sau không gặp lại nữa”. Gặp lại nhau hay không, đâu có tùy theo ý mình mà tùy theo luật nhân quả. Nếu còn thương, ghét, thì còn nghiệp oan gia và sẽ gặp lại nhau dưới những hình thức khác, không hẳn là vợ chồng. Chỉ khi nào tâm không còn thương, ghét nữa thì mới hết gặp lại nhau.

Hỏi: Kính bạch thầy! Trong tiến trình vay trả, trả vay, khi mình đang trả nợ thì làm thế nào để đừng vay nữa?

Đáp: Tùy mình nợ tình hay nợ tiền?

Đa số nợ tình khó trả hơn nợ tiền. Nợ tình là gì? Thí dụ: Có một cô gái nọ rất xinh đẹp và dùng sắc đẹp của mình để làm quyến rũ 5 chàng trai ở trường cô đang học. Cô đối xử khéo léo khiến họ lầm tưởng là cô yêu thương họ. Anh nào cũng tưởng cô ta thương mình nên hết lòng chiều chuộng cung phụng cô. Nghĩa là lúc đó các anh chàng này đều trao tình cho cô. Nhưng cuối cùng cô bỏ rơi cả 5 anh và đi lấy một ông triệu phú. Sự việc này xảy ra bình thường ở đời và không ai buồn để ý. Nhưng cô ta đã thọ nhận nhiều tình cảm và đặc ân của 5 anh chàng. Cho nên những kiếp sau, các anh chàng này sẽ đi tìm cô để đòi lại cái ân tình mà họ đã trao cho cô, nghĩa là đòi cô phải yêu thương, chiều chuộng họ như họ đã từng cho cô trong kiếp quá khứ.

Nợ tiền thì dễ trả hơn nhiều. Chủ nợ đến đòi tiền thì mình chỉ cần chi ra cho đến khi nào họ đòi đủ số là xong. Nhưng có những trường hợp các ông chồng đi làm đem tiền về đưa cho vợ nói: “Tiền nè, em thích cái gì thì cứ mua sắm thoải mái, không cần phải hà tiện”. Bà vợ nhận tiền xài thoải mái nhưng vẫn cảm thấy không hài lòng, không hạnh phúc. Vì sao vậy? Vì họ cần tình chứ không phải tiền. Bởi vậy trong vấn đề trả nợ, ta cần phân biệt rõ ràng chủ nợ đòi tình hay tiền. Người ta đòi tình mà mình đưa tiền thì người ta không hài lòng. Ngược lại, người ta đòi tiền mà mình đưa tình thì họ bảo: “Anh nói yêu tôi mà cái nhẫn hột xoàn chưa mua. Nói kiểu này ai mà tin?” hoặc “Anh nói thương em, muốn cái gì anh cũng cho hết. Anh nói hay lắm! Nhưng cái nhẫn hột xoàn nhỏ xíu cũng không có, ngày sinh nhật của em cũng không nhớ, bông thì không bao giờ tặng được một cái”.

Trong đời sống hằng ngày, vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em, họ đòi hỏi mình cái gì, tức là mình thiếu nợ họ cái đó. Chỉ có vậy thôi!  Khi trả nợ, nghĩa là khi đáp ứng những đòi hỏi của chủ nợ thì đừng khởi tâm ưa, ghét, vui buồn, giận hờn đối với họ.

Có những người chán ghét nhau nhưng vẫn tiếp tục sống với nhau, và như vậy thì dễ tiếp tục tạo thêm nghiệp xấu. Có người nghĩ “thôi ráng ở để trả nghiệp”. Nhưng làm sao trả nghiệp được khi ở với nhau mà giận hờn, bực bội, chiến tranh lạnh, gờm nhau, không thèm nhìn nhau, rồi ra ngoài nói xấu nhau. Họ tưởng đang trả nghiệp nhưng thực ra là đang tạo thêm nghiệp oan gia, tưởng là trả nợ mà thực ra là đang vay thêm.

Trả nợ mà không vay thêm là khi nào người ta yêu cầu, đòi hỏi mình cái gì thì mình làm cái đó với tâm không ưa, không ghét. Họ cần giúp đỡ thì mình giúp đỡ. Họ mắng chửi thì mình nhịn và tập hỷ xả. Nếu người ta mắng chửi mà mình nổi giận, chửi lại là vô tình mình đang vay, đang tạo nghiệp mới.

Hỏi: Trong vấn đề sinh sản hữu tính, cần phải có tinh cha, huyết mẹ và một thần thức nhập vào thì mới có một chúng sinh ra đời. Vậy thì trong sinh sản vô tính có thần thức hay không? Nếu có thì làm sao nó biết để nhập vào cái trứng thụ thai trong phòng thí nghiệm, và chúng ta sẽ giải thích thế nào về oan gia?

Đáp: Một chúng sinh ra đời cần có ba điều kiện là tinh cha, huyết mẹ và một thần thức, dù đó là sinh sản hữu tính hay vô tính. Như một người máy rô-bô cần một hình thể vật chất và điện. Nếu không có điện thì rô-bô không thể hoạt động, nhúc nhích được. Thần thức của một chúng sinh cũng tương tự như điện làm cho rô-bô hoạt động vậy. Thần thức còn được gọi là tâm thức, nói theo bình dân là linh hồn. Bởi vậy một chúng sinh sống được thì phải có thần thức dự phần vào.

Câu hỏi kế tiếp là giải thích sao về oan gia? Quý vị biết chư Bồ tát hay các vị Lạt ma Tây Tạng khi tái sinh trở lại, các ngài có tự nhiên xuất hiện lù lù như một đứa bé rồi lớn lên dần dần trước mặt quý vị không? Không thể được!  Khi tái sinh trở lại cõi này, các ngài cũng phải tuân theo tiến trình của chúng sinh ở đây. Họ cũng cần tinh cha huyết mẹ cho dù nằm trong bụng hay nằm trong ống nghiệm.

Có những đứa con (khách gia) không có ân oán với cha mẹ, nó chỉ nương nhờ cha mẹ như cửa ngõ để trở lại cõi này hoàn tất nghiệp của riêng nó. Nếu quý vị có dịp xem phim phóng sự về các vị Tulku (Lạt ma tái sinh) thì sẽ thấy sự khác biệt.  Một đứa bé hai tuổi bình thường lúc nào cũng bám chặt mẹ nó không rời nửa bước, trong khi các vị Lạt ma tái sinh dù chỉ hai tuổi, nhưng khi gặp đệ tử của mình đời trước liền đi theo họ một cách dễ dàng, không ngó ngàng gì đến mẹ mình nữa. Họ chỉ nương theo cha mẹ để được sinh ra, lớn lên và tiếp tục con đường tu hành.  Họ không có tình cảm ái luyến với cha mẹ.

Nói chung, những chúng sinh nào không có nghiệp oan gia với cha mẹ thì họ sẽ tìm tới các phòng thí nghiệm sinh sản vô tính để chờ cơ hội tái sinh.

Hỏi: Kính bạch thầy!  Vợ chồng chúng con vẫn còn sống chung với nhau, nhưng 10 năm nay hai người không còn quan hệ nữa. Như vậy con muốn biết là con với ông ấy còn nghiệp quả với nhau hay không?

Đáp: Vợ chồng là do duyên nợ, nhưng thu hút nhau bởi cái tình (tình yêu và tình dục). Lúc mới lấy nhau thì tình còn nóng bỏng. Nhưng sống chung lâu ngày thì tình có thể phai dần và nguội lạnh. Cô hỏi làm sao biết nghiệp quả của hai bên còn hay hết? Nếu hai người đối xử với nhau như tình bạn, nghĩa là khi cô có người khác thì ông ấy dửng dưng, và khi thấy ông đi với người khác thì cô cũng tỉnh bơ, không ghen tuông, bực tức, thì biết là nghiệp vợ chồng đã hết rồi. Còn nếu chưa được như vậy thì chưa hết nghiệp.

Hỏi: Như thầy đã dạy đối với ân gia chúng ta cần phải xả. Nhưng có ân gia mặc dù mình đã xả, không muốn họ trả cho mình nữa, nhưng họ cứ tìm đến mình để trả. Nếu mình quyết định dứt bỏ họ, không nhận những gì họ trả cho mình, và xa rời họ để đi làm việc khác thì như vậy trong những kiếp sau mình có phải tái ngộ lại với họ để cho họ trả cho mình nữa không, thưa thầy?

Đáp: Khi cô từ chối không nhận sự trả ơn mà họ không chịu rời bỏ thì phải xét lại xem đó có thật là ân gia hay không? Bởi vì có thể là oan gia trá hình, họ dâng tặng cho cô để ngầm đòi cái khác.  Ở đời hiếm có tình cho không biếu không lắm, nhất là đối với phụ nữ. Người đời làm gì cũng có ý đồ, hoặc để cầu cạnh, nhờ vả, hoặc mong chờ ân huệ của cô. Tốt nhất là nên giữ tâm không ưa, không ghét. Giống như Mạt Lợi Phu Nhân, bà tha cho bốn tên khiêng kiệu, nhưng chúng nó nhất định ở lại để trả nợ thì bà cũng đành chấp nhận và mặc kệ tụi nó. Hãy giữ tâm bình thường khi người ta trả cho mình. Khi người ta mắc nợ, muốn trả, thì cứ để họ trả nhưng mình không bận tâm vào điều đó, không xua đuổi, cũng không níu kéo hay lợi dụng. Khi nào trả nợ xong thì tự động họ sẽ ra đi. Nếu mình quyết định dứt bỏ họ, và xa rời họ để đi làm việc khác thì họ chưa trả nợ hết. Kiếp sau cô và họ sẽ tái ngộ lại và họ sẽ trả tiếp cho cô.

Còn nếu vì họ mà cô không làm được việc khác thì họ trở thành oan gia rồi. Thí dụ như người đó cho cô nhiều ân huệ nhưng nói: “Tôi cho cô tất cả mọi thứ nhưng cô không được đi chùa”, như vậy là cho mà có ý đồ, đó là oan gia trá hình. Bởi vì ân gia thì cho vô điều kiện, không đòi hỏi một cái gì hết.

Hỏi: Con có nhiều bệnh tật. Nhiều Phật tử cho biết là con có nhiều oan gia trái chủ từ vô thỉ kiếp, do con đã giết hại chửi rủa người ta, nên bây giờ họ đến đòi nợ làm cho con bị những bệnh khó trị. Kính xin thầy giảng cho con được rõ?

Đáp: Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (kinh Trung Bộ số 135) dạy rằng nếu kiếp trước mình đánh đập, tra tấn, hành hạ kẻ khác, làm cho họ đau đớn thể xác thì đời này mình thường bệnh hoạn, đau đớn hay tàn tật để cảm nhận được những gì mà mình đã làm cho người khác. Nếu đời trước sát hại chúng sinh thì đời này sẽ bị đoản mạng, chết yểu. Nếu đời trước tạo khẩu nghiệp, mắng nhiếc, chửi rủa, vu oan kẻ khác, thì đời sau sẽ bị người ta chửi rủa, bêu xấu làm mình bị tai tiếng.

Từ trước đến giờ chúng ta nói về oan gia thứ thiệt, có da có thịt, tới đòi nợ mình rõ ràng, mắt trần có thể trông thấy được. Nhưng cũng có loại oan gia vô hình như ma nhập hay người âm theo, gặp trường hợp này thì nên cúng kiến, tụng kinh, sám hối hoặc làm điều lành hồi hướng công đức cho họ siêu thoát, bởi vì họ không có thân vật chất nên thần thức của họ lẩn quẩn xung quanh chờ cơ hội nhập vào mình để trả thù (xem chuyện oan gia vô hình ở chương trước).

Hỏi: Làm thế nào để kềm chế và tự chủ khi gặp oan gia hay ân gia?

Đáp: Muốn tự chủ thì chúng ta phải thường xuyên tu tập làm chủ tâm ý của mình. Khi oan gia đòi quá thì ráng giữ tâm bình tĩnh đừng nổi sân bằng cách chú tâm niệm Phật, nếu tu thiền thì chú tâm vào hơi thở, hít thở vài hơi thật sâu, thở ra thật chậm. Còn đối với ân gia thì ráng giữ tâm không dính mắc, đừng đem lòng ái luyến, lợi dụng khi họ trả nợ cho mình.

Hỏi: Bạch thầy, hồi trước con đi vượt biên, đem theo 4 đứa con, nhưng 2 đứa bị chết trên biển. Bây giờ, sau 20 năm con vẫn không quên được hình ảnh tụi nó, mỗi lần nhớ đến thì con rất đau khổ.  Con nghĩ đó là lỗi tại mình và ông chồng cũng nói là lỗi tại con. Con rất là khổ tâm, bây giờ con phải làm sao?

Đáp: Có ba loại con. Loại thứ nhất là oan gia tới đòi nợ mình, đó là những đứa con bất hiếu, phá nhà phá cửa, mắng cha chửi mẹ. Loại thứ hai là ân gia tới trả nợ mình, đó là những đứa con hiếu thảo, lo lắng săn sóc trả hiếu cha mẹ. Loại thứ ba là khách gia không có ân oán gì với mình mà chỉ nương cha mẹ đi ra sống cuộc đời riêng của nó, tại vì đúng ngày giờ đó, nó cần phải tái sinh lại.  Sinh tử là cửa ngõ ra vào, cha mẹ là phương tiện để những chúng sinh đó tái sinh. Bởi vậy đừng tưởng mình là cha mẹ thì có quyền trên con cái. Mình hãy nên xem và đối xử với con cái như những chúng sinh. Không nên xài xể, khinh thường mà cũng đừng có cưng chiều, cung phụng quá mức.

Hai đứa con nhỏ chết sớm như vậy là nó chỉ nương theo bác đi ra. Khi mãn duyên phần, nghĩa là nghiệp hỗ trợ sinh mạng hết thì gặp nhân duyên đi vượt biên đưa đẩy nó rời khỏi cuộc đời này mà thôi. Bác không nên mang mặc cảm tội lỗi.

Bây giờ tới cái khổ vì thương. Thương hai đứa đó, tội nghiệp chúng nó chết sớm quá!  Nếu nó sống thì bây giờ chắc cũng thành bác sĩ, kỹ sư, cũng nhà cao cửa rộng như ai. Thường cái hình ảnh đó nó trở đi trở lại hoài. Tại sao vậy? Vì cái tưởng của mình nó luôn chiếu lại những hình ảnh quá khứ. Mình không làm chủ được cái tưởng, nó là cái máy quay phim trong đầu mình. Chính cái tưởng làm mình khổ. Bây giờ phải làm sao? Phải dạy dỗ cái tâm của mình. Mỗi lần nó chiếu cuốn phim cũ đó lên thì bác phải dùng ý thức nói liền: “Đây là cuốn phim cũ rồi, không còn hợp thời nữa, ta không xem đâu”, và nó sẽ tự động tắt.

Đức Phật đã dạy trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả (kinh Trung Bộ số 131): “Đừng tìm về quá khứ, vì quá khứ đã qua rồi. Đừng tưởng đến tương lai, vì tương lai thì chưa tới. Kẻ thức giả an trú vững chãi trong hiện tại”. Tưởng về quá khứ là hồi tưởng những gì đã xảy ra, còn tưởng tới tương lai là tưởng tượng những gì chưa xảy đến.  Nhớ về quá khứ thì hay buồn phiền, nuối tiếc. Tưởng tới tương lai thì hay lo sợ. Người khôn là người biết sống trong hiện tại, chú tâm vào những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây. Thí dụ bây giờ tôi đang làm bếp, thì chú tâm vào sự nấu nướng, chứ không nên đang làm bếp mà tâm cứ nhớ đến hai đứa con.

Đức Phật ngày xưa dạy rất đơn giản, nhưng chúng sinh thường làm cái gì? Sự việc qua rồi thì cứ nhớ hoài. Tương lai chưa tới thì cứ tưởng rồi lo trước. Tóm lại Đức Phật dạy ta muốn hết khổ thì hãy “chấm dứt cái tưởng”. Tưởng là gì? Tưởng là một tâm sở, nhiệm vụ của nó là chiếu phim quá khứ hoặc tương lai cho mình xem. Và mình phải có khả năng quyết định “phim này cũ rồi, không xem nữa”, và tắt nó đi. Nếu tắt chưa được thì phải ráng tu tập niệm Phật hay Thiền quán để làm chủ tâm ý.

Hỏi: Oan gia và nghiệp có khác gì không?

Đáp: Oan gia là người có thù oán với mình từ đời trước, nay gặp lại để đòi nợ. Còn nghiệp là hành động. Khi mình mắng chửi một người nào đó là mình đang tạo khẩu nghiệp. Khi mình đánh đập, chém giết ai thì mình đang tạo nghiệp ác về thân, gọi là thân nghiệp. Khi mình nghĩ xấu chuyện gì đó là tạo ý nghiệp. Nghiệp có hai loại: nghiệp nhân (karma) và nghiệp quả (karmaphala).  Nghiệp nhân là hành động. Nghiệp quả là quả báo của hành động đó.

Tóm lại oan gia và nghiệp khác nhau. Oan gia là người, còn nghiệp là một hành động.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt giữa oan gia và nghiệp trả trong kiếp này?

Đáp: Thí dụ trong gia đình, người chồng ăn hiếp vợ thì người chồng là oan gia của vợ, và người vợ đang trả nghiệp. Oan gia và nghiệp đi đôi với nhau. Oan gia là người đòi nợ, gây khó khăn với mình. Còn nghiệp là sự trả nợ giữa hai người đó.

Hỏi: Tại sao chủ nhân hay chèn ép, ăn hiếp nhân viên hay thợ làm việc, nói những lời móc họng, mỉa mai?

Đáp: Tại vì người chủ đó là chủ nợ của mình. Đa số những chủ nợ đều làm như vậy, tức là hay xài xể con nợ. Luật oan gia nó khiến như vậy. Chủ nợ thì phải đòi nợ, và đòi nợ thì phải xài xể.  Nếu con nợ không làm vừa ý họ thì họ nói móc họng mỉa mai, nhiều khi còn đuổi nữa.

Hỏi: Kính xin thầy cho biết giữa thầy trụ trì của một ngôi chùa và Phật tử có oan gia hay không?

Đáp: Oan gia là gì?  Nói đơn giản là người làm phiền, làm khổ mình, dù cố ý hay vô tình. Nếu giữa thầy trụ trì và Phật tử có sự xích mích, khó chịu, buồn bực, giận hờn nhau thì đó là oan gia.

Hỏi: Nếu là oan gia thì làm sao biết sự cúng dường của mình là trả nợ hay cúng dường?

Đáp: Ban đầu mình đến chùa cúng dường Tam Bảo với lòng thành kính, không mong cầu gì hết thì đó là cúng dường thanh tịnh. Nhưng sau một thời gian, xảy ra sự bất hòa với thầy trụ trì.  Hai bên bất đồng ý kiến, xích mích, rồi buồn giận nhau mà mình cứ tiếp tục cúng dường thì đó là trả nợ. Bởi vì trong đạo Phật, làm bất cứ một việc thiện nào cũng đều phải xuất phát từ sự tự nguyện và hoan hỷ, gọi là “phát tâm”, như thế mới sinh ra phước đức. Còn khi cúng dường mà tâm không hoan hỷ vì bị ép buộc hay phiền não thì đó là trả nợ chứ không còn là cúng dường thanh tịnh nữa.

Hỏi: Nếu hội ngộ với vị thầy rồi, mình cứ muốn theo vị thầy ấy để tu tập, cúng dường, tôn kính không rời xa, thì đây là loại gia gì?

Đáp: Cái này gọi là “gia vị”. Ở đây cẩn thận vì có thể là oan gia trá hình. Tại sao gọi là gia vị, bởi vì nó có thể đắng, cay, mặn, ngọt. Quý vị cười, nhưng mình phải cẩn thận. Nếu muốn theo vị thầy ấy để tu tập, cúng dường, tôn kính thì rất tốt. Thấy một vị thầy đáng kính thì mình tôn kính. Đáng cúng dường, mình đến cúng dường. Đáng tu học, mình đến tu học. Điều này rất tốt. Nhưng có một chữ nguy hiểm, đó là “không rời xa”. Cái này là ái luyến, dính mắc với vị thầy đó. Đa số Phật tử hay bị kẹt vào chữ “không rời xa” này! Tới chùa thấy thầy đó dễ thương quá!  Sao thầy hiền quá!  Ban đầu tìm đến thầy với tâm cầu đạo, tôn kính, cúng dường, nhưng từ từ cái tâm tôn kính đó chuyển thành dính mắc, ái luyến, không muốn rời xa thầy. Một khi dính mắc rồi thì nó chuyển thành oan gia lúc nào không biết, và khi đó sẽ nếm đủ mùi “gia vị” phiền não, cay, đắng, mặn, ngọt.

Hỏi: Làm sao biết được mình đòi nợ, và lỡ đòi nhiều quá thì đâm ra mình nợ lại?

Đáp: Sống với người xung quanh như vợ hay chồng mà mình cứ đòi hỏi người ta phải thế này thế nọ thì biết là mình đòi nợ rồi. Nếu mình là chủ nợ thì không cần phải đòi làm chi cho mệt, bởi vì ai thiếu nợ mình thì tự động họ sẽ phải trả. Giống như câu chuyện bà mẹ có ba đứa con gái ở trên. Đứa con thứ ba, bà không thương và cũng không đòi gì nó mà nó vẫn trả nợ đầy đủ, lo lắng cho bà. Trong khi đó, bà đòi tình thương của hai đứa con lớn. Nhưng chúng nó có trả không? – Không!  Bởi vì chúng nó đâu có thiếu nợ gì bà.

Người này hỏi, nếu lỡ mình đòi nhiều quá, đâm ra mình nợ lại. Quý vị đừng có lo. Nếu đòi nhiều hơn, người ta không có trả đâu!  Không có ai có thể đòi nhiều hơn những gì mình cho vay. Thí dụ ngân hàng cho quý vị vay 200.000$. Sau đó họ đến đòi 250.000$, quý vị có chịu trả không? Giả dụ họ tính lời là 30.000$. Cả vốn lẫn lời là 230.000$. Nhưng họ đòi tổng cộng là 250.000$. Quý vị có chịu trả 250.000 không? Hay là chỉ trả 230.000? Quý vị không bao giờ chịu lỗ, phải vậy không? Thì con nợ cũng vậy, quý vị không bao giờ đòi nhiều hơn được. Quý vị có chạy theo đòi cách mấy đi nữa, họ cũng đạp quý vị ra. Bởi vậy, điều quan trọng là đừng đòi nợ ai hết. Ai thiếu nợ mình thì tự động họ sẽ trả, hãy để cho luật nhân quả giải quyết.

Hỏi: Một người có oan gia với nhiều người. Như thầy giảng là mình nên xa lánh người đó thì họ sẽ tự biết lỗi và hối cải. Nhưng chính họ cũng có ân gia hoặc bạn bè, người thân mà họ sẽ không bao giờ cảm thấy cô lập. Và như vậy họ sẽ không học được gì thì phải làm sao để cải hóa người đó?

Đáp: Tiếng Anh có một câu đơn giản là “let go”, có nghĩa là “buông xả” hãy để cho nó đi. Cái gì bắt mình phải ở với một người khó chịu, sân si, ái ố hay làm khổ mình để mà cải hóa họ? Cái nghiệp phải không?  Nếu oan gia làm mình khổ quá, đòi nợ dữ quá thì mình nên làm gì? Nên lánh xa. Nếu không xa lánh được là vì tình cảm. Tình là giây oan! Người đó đánh đập, mắng chửi, hành hạ mình, nhưng mình không bỏ đi được. Cái gì không cho mình bỏ đi? Tại vì mình thương người đó. Vì thương nên không bỏ đi được!

Ý người này muốn nói là thầy khuyên nên xa lánh người oan gia khó chịu kia một thời gian thì họ sẽ cảm thấy cô lập, và từ từ sửa đổi tánh tình. Nhưng kẹt một điều là người đó cũng có những ân gia như bạn bè, người thân tới chơi và không cảm thấy cô lập nên không sửa đổi tánh xấu. Vậy phải làm sao cải hóa người đó?

Những người kia là ân gia cho nên họ đối xử tốt với nhau. Còn mình với người đó là oan gia cho nên họ đối xử xấu với mình. Vậy mình nên làm gì? Nên bỏ đi thôi. Chỉ trừ khi nào mình bỏ đi, người oan gia đó khóc lóc năn nỉ mình ở lại thì mình có thể nói: “Được, tôi ở lại nhưng đây là lần thứ nhì. Nếu mắng chửi, đánh đập tôi lần nữa là tôi bỏ đi luôn”. Khi đó mình mới có cơ hội cải hóa họ. Còn nếu họ bất cần, không tôn trọng mình thì mình không thể nào cải hóa họ được. Trong cuộc đời này, chúng ta thường phạm lỗi lầm lớn là “luôn luôn muốn thay đổi tánh tình của người khác”, nhất là đối với oan gia. Muốn chồng mình phải như thế này, muốn vợ mình phải như thế kia, muốn con mình phải như thế nọ. Nhưng người ta có muốn thay đổi tánh tình theo ý của mình không?

Không!  Và mình cứ bị trái ý, bất mãn, đau khổ dài dài. Cho đến một ngày nào mình hiểu được “chúng sinh không bao giờ nghe theo ý mình, mà họ chỉ nghe theo cái nghiệp của họ, nghe theo những cái tưởng, hành, thức của họ” và mình buông xả thì hết khổ.

Hỏi: Nếu không chuyển hóa được oan gia nên mình tránh hoặc xa lánh oan gia thì có tạo nghiệp cho kiếp sau hay không?

Đáp: Mình không có “tạo thêm” nghiệp oan gia cho kiếp sau, nhưng nghiệp oan gia với họ chưa chấm dứt. Mình chỉ có tạm ngưng lại thôi. Thí dụ quý vị phải trả nợ vào tháng 10, nhưng vì chưa đủ tiền nên khất nợ một tháng, đến tháng 11 sẽ phải trả.

Hỏi: Con có đứa con bị bệnh tâm thần, con biết là con mắc nợ nó nên phải lo cho nó, nhưng bây giờ con đã lớn tuổi, sợ chết đi không có ai lo cho nó? Xin thầy dạy phải làm sao?

Đáp: Những người có con cái tật nguyền mà mình phải trông nom suốt đời, đó đúng là mắc nợ nó. Điều quan trọng là hãy thương yêu và lo cho nó hết lòng trong khi mình còn sống. Như đã nói ở phần trước, khi nghiệp oan gia hết thì sẽ có một người ra đi, hoặc mình chết trước hoặc nó chết trước. Nếu mình chết trước thì nghiệp của nó sẽ lo cho nó. Giống như chuyện của bà mẹ nuôi cô con gái nằm trong hôn mê 42 năm. Sau khi bà qua đời thì cô ta còn sống thêm 4 năm nữa rồi mới chết. Còn nếu nó chết trước thì coi như mình hết nợ.

Hỏi: Con có chồng bị tai biến mạch máu não, toàn thân bại liệt đã 8 năm qua, con phải chăm lo săn sóc rất cực khổ. Chồng con vẫn còn nói được, nhưng luôn khó chịu bực bội la mắng con.  Đây có phải là con mắc nợ ông ấy không?

Đáp: Trường hợp này đúng là cô mắc nợ ông chồng, nhưng cùng lúc ông ấy cũng đang trả một nghiệp quả không tốt. So ra thì quả báo của ông nặng hơn của cô, và người đau khổ nhất là ông, bởi vì ông bị bại liệt, còn cô thì tay chân vẫn còn lành lặn. Cô nên mừng là mình còn khỏe mạnh để mà lo cho chồng và trả được món nợ oan gia. Cô hãy kiên nhẫn với ông, bởi vì có ai bị bại liệt mà vui vẻ đâu? Nếu cô thương và hiểu được nỗi khổ của chồng thì sẽ không còn khó chịu với sự bực bội la mắng của ông ấy. Đến một ngày nào đó, nghiệp oan gia hết thì một trong hai người sẽ ra đi. Thí dụ như trường hợp của tài tử Christopher Reeve, người từng đóng vai Superman rất nổi tiếng. Anh đi thi cưỡi ngựa, con ngựa đang chạy ngon trớn bỗng nhiên đứng khựng lại, hất anh té xuống gẫy xương cổ và bại liệt toàn thân. Khi ấy anh 43 tuổi và mới cưới cô vợ thứ nhì được 3 năm. Cô vợ này phải chăm sóc anh suốt 9 năm trước khi anh mất. Sau khi anh mất được một năm thì cô bị ung thư và qua đời năm sau. Cô vợ này đã kiên nhẫn trả nợ đẹp cho tới khi anh ra đi, và hai năm sau cô cũng ra đi vì không còn nợ nần với ai nữa.