LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM MỘT NIỆM ĐỦ MUÔN HẠNH THỨ 76

(Kinh Ma-ha Bát-nhã ghi: Phẩm Nhất Niệm; kinh Đại Bát-nhã hội 2 ghi: Phẩm Vô Tướng thứ 74)

KINH: Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu tính của hết thảy pháp không có sở hữu, vậy Bồ-tát thấy lợi ích gì mà vì chúng sinh cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì hết thảy pháp tính không có sở hữu nên Bồ-tát vì chúng sinh mà cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì sao? Vì có thủ đắc có chấp trước thời khó có thể giải thoát. Những người thủ đắc tướng là không có đạo, không có quả, không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, người không có thủ đắc tướng có đạo, có quả, có Vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng?

Phật dạy: Không có sở đắc tức là đạo, tức là quả, tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì pháp tính không hư hoại. Nếu pháp không có sở đắc mà muốn đắc đạo muốn đắc quả, muốn đắc Vô thượng chánh đẳng chánh giác là muốn phá hoại pháp tính.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu pháp không có sở đắc tức là đạo, tức là quả, tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cớ sao lại có Bồ-tát từ sơ địa cho đến địa thứ mười? Cớ sao có vô sinh pháp nhẫn; cớ sao có quả báo được thần thông? Cớ sao có quả báo được bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ; ở trong quả báo ấy có thể thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật và cúng dường chư Phật y phục, uống ăn, hương hoa, anh lạc, phòng xá, đồ nằm, đèn đuốc, các thứ cần dùng nuôi sống cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà phước đức ấy không dứt; cho đến xá-lợi sau khi vào Niết-bàn và các đệ tử được cúng dường? Như vậy bèn diệt tận hết?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì các pháp không có tướng sở đắc nên Bồ-tát được từ sơ địa cho đến địa thứ mười, có quả báo được năm thần thông, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật; cũng vì nhân duyên thiện căn nên có thể làm lợi ích chúng sinh cho đến xá-lợi sau khi vào Niết-bàn và các đệ tử Phật được cúng dường.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp không có tướng sở đắc, vậy các việc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ và các thần thông có gì sai khác?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Vì pháp không có sở đắc nên các việc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, thần thông không có sai khác. Vì chúng sinh chấp trước bố thí cho đến thần thông nên phân biệt nói.

Bạch đức Thế Tôn, làm sao vì pháp không có sở đắc mà các việc bố thí cho đến thần thông không có sai khác?

Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi hành Bát-nhã không thủ đắc tướng bố thí, người bố thí và người thọ thí đều không thể có được mà hành bố thí, không thể có được giới mà trì giới, không thể có được nhẫn mà hành nhẫn, không thể có được tinh tấn mà hành tinh tấn, không thể có được thiền mà hành thiền, không thể có được trí tuệ mà hành trí tuệ, không thể có được thần thông mà hành thần thông, không thể có được bốn niệm xứ, mà hành bốn niệm xứ, cho đến không thể có được tám phần thánh đạo mà hành tám phần thánh đạo, không thể có được Không, Vô tướng, Vô tác tam-muội mà hành Không, Vô tướng, Vô tác tam-muội, không thể có được chúng sinh mà thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, không thể có được quốc độ Phật mà nghiêm tịnh quốc độ Phật, không thể có được các Phật pháp mà được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên hành Bát-nhã không có sở đắc như vậy. Bồ-tát khi hành Bát-nhã không có sở đắc như vậy, ma hoặc ma trời không thể phá hoại.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồtát khi hành Bát-nhã trong một niệm đầy đủ hành sáu Ba-lamật, bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám phần thánh đạo, ba môn giải thoát, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát có bố thí gì đều không xa lìa Bátnhã; có tu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định đều không xa lìa Bát-nhã; tu bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình đều không xa lìa Bát-nhã.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồtát không xa lìa Bát-nhã nên trong một niệm đầy đủ hành sáu Ba-la-mật cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình?

Phật dạy: Bồ-tát khi hành Bát-nhã có bố thí gì không xa lìa Bát-nhã, không có hai tướng; khi trì giới cũng không có hai tướng; tu nhẫn nhục, tinh tấn, vào thiền định cũng không có hai tướng cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình cũng không có hai tướng.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồtát khi bố thí không có hai tướng cho đến tu tám mươi vẻ đẹp tùy hình cũng không có hai tướng?

Phật dạy: Bồ-tát khi hành Bát-nhã, muốn đầy đủ Thí bala-mật, trong Thí ba-la-mật thu nhiếp các Ba-la-mật khác và bốn niệm xứ, cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình.

Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồ-tát khi bố thí thu nhiếp các pháp vô lậu?

Phật dạy: Nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật trú ở tâm vô lậu mà bố thí, ở trong tâm vô lậu không thấy tướng ai thí, ai nhận thí, thí vật gì? Vì tâm vô tướng, vô lậu dứt ái, dứt xan tham ấy là bố thí. Khi ấy không thấy bố thí cho đến không thấy Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát ấy do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà trì giới, không thấy giới ấy cho đến không thấy hết thảy Phật pháp. Do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà nhẫn nhục, không thấy nhẫn ấy cho đến không thấy hết thảy Phật pháp; do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà tinh tấn, không thấy tinh tấn ấy cho đến không thấy hết thảy Phật pháp. Do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà vào thiền định, không thấy thiền định ấy cho đến không thấy hết thảy Phật pháp. Do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà tu tập trí tuệ, không thấy trí tuệ ấy cho đến không thấy hết thảy Phật pháp. Do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà tu bốn niệm xứ,, không thấy bốn niệm xứ ấy cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình.

Bạch đức Thế Tôn, nếu các pháp vô tướng, vô tác, làm sao đầy đủ Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật? Làm sao đầy đủ bốn niệm xứ cho đến tám phần thánh đạo? Làm sao đầy đủ Không, Vô tướng, Vô tác tam-muội, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi? Làm sao đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật do tâm vô tướng, tâm vô lậu mà bố thí; cần ăn cho ăn cho đến các thứ cần dùng hoặc trong hoặc ngoài, hoặc cắt xẻ thân mình, hoặc quốc thành thê tử bố thí cho chúng sinh. Nếu có người đến nói với Bồ-tát rằng: Cần gì phải bố thí? Không có ích gì. Vị Bồ-tát thực hành Bát-nhã nghĩ rằng: Người ấy đi đến trách mắng ta bố thí, ta trọn không hối hận, ta sẽ siêng hành bố thí, không nên không cho. Bố thí rồi chia sẻ cho chúng sinh cùng hồi hướng đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không thấy tướng, cũng không thấy tướng ai thí, ai nhận, thí vật gì, ai hồi hướng, thế nào là hồi hướng, hồi hướng đến chỗ nào. Nghĩa là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tướng ấy đều không thể thấy, vì sao? Vì hết thảy pháp do nội không nên không, ngoại không nên không, nội ngoại không nên không, không không, hữu vi không, vô vi không, vô thỉ không, tán không, chứng không, hết thảy pháp không, tự tướng không nên không. Quán như vậy và nghĩ rằng: Ai hồi hướng, hồi hướng về chỗ nào, dùng pháp gì hồi hướng? Ấy gọi là chính hồi hướng. Bấy giờ Bồ-tát có thể thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, nghiêm tịnh cõi Phật, đầy đủ Thí ba-lamật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Không, Vô tướng, Vô tác tam-muội cho đến mười tám pháp không chung. Bồ-tát đầy đủ Thí ba-la-mật như vậy mà không lãnh thọ quả báo thế gian; thí như trời Tha hóa tự tại, tùy ý cần dùng mà mọi sự liền được. Bồ-tát cũng như vậy, theo tâm nguyện tùy ý liền được. Bồ-tát ấy đem quả báo bố thí ấy cúng dường chư Phật và làm đầy đủ cho chúng sinh trời, người và A-tu-la. Bồ-tát ấy do Thí ba-la-mật nhiếp thủ chúng sinh, dùng sức phương tiện lấy pháp ba thừa độ thoát chúng sinh. Như vậy, Bồ-tát đối với pháp vô tướng, vô đắc, vô tác đầy đủ Thí ba-la-mật.

Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát làm sao đối với pháp vô tướng, vô đắc, vô tác đầy đủ Giới ba-la-mật? Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi hành Giới ba-la-mật, trì các giới, đó là thánh giới vô lậu trong tám phần thánh đạo, giới tự nhiên, giới do quả báo được, giới do lãnh thọ được, giới do tâm sinh… Các giới như vậy không khuyết, không phá, không nhiễm trược, không trước, giới tự tại, giới được người trí khen ngợi. Dùng giới ấy không có gì để thủ, hoặc sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc ba mươi hai tướng, hoặc tám mươi vẻ đẹp tùy hình, hoặc dòng lớn Sát-lợi, hoặc dòng lớn Bà-la-môn, đại gia cư sĩ, trời Tứ thiên vương, trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng, trời Quang Âm, trời Biến tịnh, trời Quảng quả, trời Vô tưởng, trời Vô phiền, trời Vô nhiệt, trời Diệu kiến, trời Hỷ kiến, trời A-ca-nị sắc, trời Không xứ, trời Thức xứ, trời Vô sở hữu xứ, trời Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ, hoặc quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, hoặc quả A-la-hán hoặc đạo Bích-chi Phật, hoặc Chuyển luân Thánh vương, hoặc Thiên vương mà cốt vì chung với chúng sinh hồi hướng đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Do vô tướng, vô đắc không có hai hồi hướng, chỉ vì theo pháp thế tục mà nói, chứ chẳng phải đệ nhất nghĩa. Bồ-tát ấy đầy đủ Giới ba-la-mật do sức phương tiện phát khởi bốn thiền, không mê đắm bốn thiền nên được năm thần thông. Nhân bốn thiền được thiên nhãn, Bồ-tát có trong hai thứ thiên nhãn là tu đắc và báo đắc. Được thiên nhãn rồi thấy chư Phật hiện tại ở phương đông cho đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà đúng như việc được thấy không mất. Thấy chư Phật hiện tại ở phương nam, tây, bắc, bốn góc trên dưới cho đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác vẫn như điều đã thấy không mất. Bồ-tát ấy dùng thiên nhĩ thanh tịnh hơn tai người, nghe chư Phật mười phương thuyết pháp như điều đã được nghe không mất, có thể tự mình lợi ích, cũng lợi ích người khác. Bồ-tát ấy do trí biết tâm người khác mà biết tâm mười phương chư Phật và biết tâm hết thảy chúng sinh, cũng có thể làm lợi ích hết thảy chúng sinh. Bồ-tát ấy dùng trí túc mạng biết các nghiệp duyên đời trước, các nghiệp duyên ấy không mất nên chúng sinh ấy sinh chỗ nào, nơi nào đều biết rõ. Bồ-tát ấy dùng trí lậu tận làm cho chúng sinh được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật, bất cứ ở nơi nào đều có thể khiến chúng sinh vào trong thiện pháp. Như vậy, Bồ-tát đối với các pháp vô tướng, vô đắc, vô tác đầy đủ Giới ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn, làm sao các pháp vô tướng, vô tác, vô đắc mà Bồ-tát có thể đầy đủ Nhẫn ba-la-mật?

Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát từ khi mới phát tâm trở lại đây cho đến khi ngồi đạo tràng, ở khoảng trung gian ấy nếu có chúng sinh đi đến dùng ngói đá, dao gậy gia hại Bồ-tát, khi ấy Bồ-tát không khởi tâm giận cho đến không sinh một niệm. Bấy giờ Bồtát tu hai thứ nhẫn: Một là nếu chúng sinh ác khẩu mắng nhiếc hoặc dùng dao gậy ngói đá gia hại, không khởi tâm giận; hai là hết thảy pháp không sinh, Bồ-tát nhẫn được pháp ấy, nếu có người đến ác khẩu mắng nhiếc, hoặc dùng ngói đá, dao gậy gia hại, Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Mắng ta là ai? Chê trách ta là ai? Đánh đập ta là ai? Ai là người chịu? Khi ấy Bồ-tát nên suy nghĩ thực tính của các pháp là rốt ráo không, không có pháp, không có chúng sinh. Pháp còn không thể có được, huống gì chúng sinh! Khi quán các pháp tướng như vậy, không thấy người mắng, không thấy người cắt xẻ. Khi Bồ-tát quán các pháp tướng như vậy liền được vô sinh pháp nhẫn.

Thế nào gọi là vô sinh pháp nhẫn? Biết các pháp tướng thường không sinh, các phiền não từ xưa lại đây cũng thường không sinh. Bồ-tát trú nơi hai nhẫn ấy có thể đầy đủ bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, cho đến tám phần thánh đạo, ba môn giải thoát, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, đại từ đại bi. Bồ-tát trú trong thánh pháp xuất thế gian vô lậu ấy không chung với Thanh văn, Bích-chi Phật đầy đủ thần thông của bậc thánh. Có thần thông của bậc thánh rồi dùng thiên nhãn thấy chư Phật ở phương đông, người ấy được niệm Phật tammuội cho đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác trọn không dứt mất; thấy chư Phật ở phương nam, tây, bắc, bốn góc trên dưới cũng như vậy. Bồ-tát dùng thiên nhĩ nghe chư Phật mười phương thuyết pháp đúng như điều được nghe, vì chúng sinh mà nói lại. Bồ-tát ấy cũng biết tâm chư Phật mười phương và biết tâm niệm của hết thảy chúng sinh, biết rồi theo tâm họ mà thuyết pháp. Bồ-tát ấy dùng trí túc mạng biết thiện căn đời trước của chúng sinh, vì chúng sinh mà thuyết pháp, khiến họ được hoan hỷ. Bồ-tát ấy do lậu tận thông giáo hóa chúng sinh khiến được ba thừa. Bồ-tát ấy hành Bát-nhã ba-la-mật, do sức phương tiện thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, đầy đủ trí Nhất thiết chủng, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Chuyển pháp luân. Như vậy, Bồ-tát đối với pháp vô tướng, vô đắc, vô tác đầy đủ Nhẫn ba-la-mật.

Tu-bồ-đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồ-tát đối với các pháp vô tướng, vô tác, vô đắc mà có thể đầy đủ Tấn ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát khi hành Bát-nhã thành tựu thân tinh tấn, tâm tinh tấn, vào sơ thiền cho đến thiền thứ tư được các sức thần thông, có thể phân một thân làm nhiều thân, cho đến có thể lấy tay sờ mặt trăng, mặt trời. Thành tựu thân tinh tấn ấy nên bay đến phương đông quá vô lượng trăm ngàn vạn ức thế giới Phật, cúng dường chư Phật đồ uống ăn, y phục, thuốc men, đồ năm, hương hoa, anh lạc các thứ cần dùng cho đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà quả báo phước đức trọn không tiêu hết. Bồ-tát ấy khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, hết thảy thế gian trời người siêng năng thiết bày cúng dường y phục, uống ăn cho đến khi lưu lại xá-lợi, sau khi vào Niết-bàn và đệ tử được cúng dường. Cũng do sức thần thông ấy nên đi đến chỗ Phật nghe, lãnh thọ giáo pháp cho đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác trọn không trái mất. Bồ-tát ấy khi tu trí Nhất thiết chủng nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh. Như vậy, Bồ-tát tu Bát-nhã ba-la-mật thành tựu thân tinh tấn, có thể làm đầy đủ Tấn bala-mật.

Này Tu-bồ-đề, làm sao thành tựu tâm tinh tấn mà có thể đầy đủ Nhẫn ba-la-mật? Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tâm tinh tấn, do tâm ấy tinh tấn tu thánh pháp vô lậu, vào chánh tinh tấn trong tám phần thánh đạo, không để thân, khẩu nghiệp bất thiện được xen vào; cũng không chấp thủ các pháp tướng hoặc thường hoặc vô thường, hoặc khổ hoặc vui, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc hữu vi hoặc vô vi, hoặc cõi Dục, hoặc cõi Sắc, hoặc cõi Vô sắc, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc sơ thiền cho đến đệ tứ thiền, hoặc từ bi hỷ xả, hoặc vô biên hư không xứ, cho đến Phi-hữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ, hoặc bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám phần thánh đạo, hoặc không, vô tướng, vô tác, hoặc mười lực của Phật cho đến mười tám pháp không chung, đều không chấp thủ tướng; hoặc thường, hoặc vô thường, hoặc khổ hoặc vui, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật, đạo Bồ-tát, quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác; hoặc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-lahán; hoặc Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật đều không chấp thủ tướng. Chúng sinh ấy dứt ba kiết sử phần dưới nên được Tu-đà-hoàn; chúng sinh ấy ba độc mỏng nên được Tư-đà-hàm; chúng sinh ấy dứt trọn năm phần kiết sử phần dưới nên được A-na-hàm; chúng sinh ấy dứt trọn năm kiết sử phần trên nên được A-lahán; chúng sinh ấy do đạo Bích-chi Phật nên làm Bích-chi Phật; chúng sinh ấy hành đạo chủng trí nên gọi là Bồ-tát, cũng không chấp thủ các tướng ấy, vì sao? Vì không thể do tính chấp thủ tướng, vì tính ấy không có. Bồ-tát do tâm tinh tấn ấy nên làm lợi ích rộng lớn cho chúng sinh, cũng không thủ đắc tướng chúng sinh. Như vậy là Bồ-tát đầy đủ Tấn ba-la-mật. Đầy đủ các Phật pháp, nghiêm tịnh cõi Phật, thành tựu tuệ giác cho chúng sinh, vì không thể có được.

Bồ-tát ấy thân tinh tấn, tâm tinh tấn thành tựu nên nhiếp thủ hết thảy thiện pháp; pháp ấy cũng không chấp trước nên từ một cõi Phật đi đến một cõi Phật, vì lợi ích chúng sinh, làm các thần thông tùy ý không ngại; hoặc mưa hoa, mưa danh hương; hoặc làm kỷ nhạc, hoặc làm chấn động đại địa, hoặc phóng hào quang, hoặc chỉ bày quốc độ bảy báu trang nghiêm; hoặc hiện các thân, hoặc phóng ánh sáng đại trí khiến biết thánh đạo, khiến xa lìa sát sinh cho đến tà kiến; hoặc lấy việc bố thí lợi ích chúng sinh, hoặc vì trì giới, hoặc cắt xẻ thân thể, hoặc đem vợ con, hoặc đem thân mình cấp thí, tùy theo phương tiện có được làm lợi ích chúng sinh. Như vậy, Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với các pháp vô tướng, vô tác, vô đắc, dùng thân tâm tinh tấn có thể đầy đủ Tấn ba-la-mật.

Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật?

Ở trong pháp vô tác, vô đắc mà có thể đầy đủ Thiền ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát trừ thiền định của chư Phật, tất cả thiền định tam-muội khác đều có thể đầy đủ. Bồ-tát ấy lìa các dục, các pháp ác bất thiện; lìa dục sinh hỷ lạc, có giác có quán vào sơ thiền cho đến vào đệ tứ thiền, lấy tâm từ bi hỷ xả trải khắp một phương cho đến mười phương, hết thảy thế gian. Bồ-tát ấy vượt qua hết thảy sắc giới, diệt tướng hữu đối, không nghĩ đến tướng khác biệt nên vào vô biên không xứ định cho đến vào Phihữu-tưởng Phi-vô-tưởng xứ. Bồ-tát ấy trú trong Thiền ba-la-mật nghịch và thuận vào tám bội xả, định chín thứ lớp, Không, Vô tướng, Vô tác tam-muội, hoặc thời vào tam-muội Như điển chớp, hoặc có khi vào tam-muội Thánh chánh, hoặc có khi vào tammuội Như kim cương. Bồ-tát ấy trú trong thiền định tu ba mươi bảy pháp trợ đạo, dùng Đạo chủng trí vào hết thảy thiền định, vượt qua Càn tuệ địa, Tánh địa, Bát nhân địa, Kiến địa, Bạt địa, Ly dục địa, Dĩ biện địa, Bích-chi Phật địa mà vào Bồ-tát vị. Vào Bồ-tát vị rồi đầy đủ Phật địa. Ở trong các địa ấy tu cho đến khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, không ở giữa đường thủ chứng đạo quả, Bồ-tát ấy trú trong Thiền ba-la-mật, từ một cõi Phật đến một cõi Phật cúng dường chư Phật, ở chỗ chư Phật gieo trồng căn lành, nghiêm tịnh cõi Phật, từ một cõi Phật đến một cõi Phật làm lợi ích chúng sinh: Lấy việc bố thí nhiếp thủ chúng sinh; lấy việc trì giới hoặc lấy tam-muội, hoặc lấy trí tuệ, hoặc lấy giải thoát, hoặc lấy giải thoát tri kiến nhiếp thủ chúng sinh, dạy chúng sinh khiến được quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật; những thiện pháp có thể làm cho chúng sinh đắc đạo đều giáo hóa khiến đắc. Bồ-tát ấy trú trong Thiền ba-la-mật có thể phát sinh hết thảy môn Đà-la-ni, được bốn trí không ngại, thần thông do quả báo được. Bồ-tát ấy trọn không vào thai mẹ, không chịu năm dục, không sinh, chẳng sinh, tuy sinh mà không bị sự sinh làm ô nhiễm, vì sao? Vì Bồ-tát ấy thấy tất cả pháp tạo tác đều như huyễn mà lợi ích chúng sinh, cũng không thủ đắc tướng chúng sinh và hết thảy pháp; mà dạy chúng sinh khiến được chỗ không có sở đắc. Đây là theo nghĩa thế tục mà nói chứ chẳng phải theo nghĩa đệ nhất. Bồ-tát trú trong Thiền ba-la-mật, tất cả hành thiền, định, giải thoát, tam-muội cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác trọn không lìa Thiền ba-la-mật. Bồ-tát ấy khi hành Đạo chủng trí như vậy được trí Nhất thiết chủng, dứt hết thảy phiền não và tập khí; dứt rồi tự lợi ích cho mình, cũng lợi ích người khác; ích mình ích người rồi, vì hết thảy thế gian người, trời, A-tu-la làm ruộng phước. Như vậy, Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật đầy đủ Thiền ba-la-mật vô tướng.

Bạch đức Thế Tôn, làm sao Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật trú trong pháp vô tướng, vô pháp, vô đắc mà có thể tu đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật?

Phật dạy: Bồ-tát khi tu Bát-nhã ba-la-mật, đối với các pháp không thấy tướng thật có nhất định. Bồ-tát ấy thấy sắc không nhất định, chẳng phải thật tướng, cho đến thấy thức không nhất định, chẳng phải thật tướng; chẳng thấy sắc sinh cho đến chẳng thấy thức sinh; nếu không thấy sắc sinh cho đến không thấy thức sinh thời hết thảy pháp hoặc hữu lậu hoặc vô lậu không thấy chỗ đến, không thấy chỗ đi, không thấy chỗ tích chứa. Khi quán như vậy không thủ đắc tính sắc cho đến tính thức, cũng không thủ đắc tính hữu lậu, vô lậu pháp. Bồ-tát khi hành Bát-nhã, tin hiểu hết thảy pháp không có tướng sở hữu. Tin hiểu như vậy rồi hành nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, đối với pháp không đắm trước gì, hoặc sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát ấy hành Bát-nhã không có sở hữu, có thể đầy đủ Bồ-tát đạo, tức là sáu Ba-la-mật cho đến ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn trí không ngại, mười tám pháp không chung, ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình.

Bồ-tát ấy trú trong Phật đạo sâu xa tức là sáu Ba-la-mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo, thần thông do quả báo được, đem các pháp ấy lợi ích chúng sinh; cần lấy bố thí nhiếp thủ dạy khiến bố thí, cần lấy trì giới nhiếp thủ dạy khiến trì giới; cần lấy thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến nhiếp thủ dạy tu thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến; cần lấy các đạo khác dạy thời dạy khiến được quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-la-hán, đạo Bích-chi Phật; cần lấy Phật đạo giáo hóa thời dạy khiến được Bồ-tát đạo đầy đủ Phật đạo. Như vậy, tùy theo đạo pháp và cấp bậc thích hợp mà giáo hóa khiến đều có chỗ được. Bồtát ấy khi hiện sức thần thông, vượt qua vô lượng hằng hà sa quốc độ độ thoát chúng sinh, theo chỗ nhu cầu của họ đều giáo hóa, cung cấp khiến được đầy đủ, từ một cõi nước đến một cõi nước thấy cõi nước Tịnh diệu, theo đó tự trang nghiêm cõi Phật của mình; thí như ở cõi trời Tha hóa tự tại, vật cần dùng nuôi sống đều tùy ý đi đến; cũng như các cõi Phật thanh tịnh lìa sự tham muốn, người ấy do quả báo được Thí ba-la-mật cho đến Bát-nhã ba-la-mật, do quả báo được năm thần thông hành đạo chủng trí của Bồ-tát, thành tựu hết thảy công đức, sẽ được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát ấy bấy giờ không lãnh thọ sắc pháp cho đến thức, không lãnh thọ hết thảy pháp hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc hữu vi hoặc vô vi; hết thảy pháp như vậy đều không lãnh thọ. Bồ-tát ấy khi được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, những vật nuôi sống có được trong quốc độ đều không có chủ, vì sao? Vì Bồ-tát tu hạnh không lãnh thọ hết thảy pháp, vì không thể có được. Như vậy, Bồ-tát ở trong pháp vô tướng có thể đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật.

LUẬN – Hỏi: Người hỏi người đáp đều nói không có sở hữu, vậy làm sao phân biệt đó là hỏi, đó là đáp?

Đáp: Pháp nói ra tuy một mà tâm có sai khác. Người hỏi đem tâm chấp trước mà hỏi, người đáp lấy tâm không chấp trước mà đáp. Ý Tu-bồ-đề muốn nói: Trong không có sở hữu không thể phát tâm. Tu-bồ-đề vì người nghe có tâm chấp trước nên mới hỏi. Trong các pháp Không không thấy Bồ-tát phát tâm, không thấy chúng sinh có thể lợi ích, không thấy Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thế nên, đối với pháp không có sở hữu sinh ra vấn nạn: Nếu hết thảy pháp không có tính sở hữu vậy thấy lợi gì nên phát tâm? Tu-bồ-đề đối với Bồ-tát, chúng sinh, Vô thượng chánh đẳng chánh giác không nghi, mà chỉ hỏi pháp không có sở hữu. Phật đáp rằng: Chính vì pháp Không không có sở hữu nên mới phát tâm. Nếu Không, không có sở hữu, thời Bồ-tát, chúng sinh, Vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng đều không, không có sở hữu, thời làm sao còn khởi lên vấn nạn? Nếu chúng sinh, Bồ-tát và Vô thượng chánh đẳng chánh giác lìa không, không có sở hữu mới có thể nạn như vậy. Như trước nói: Rốt ráo không đối với các pháp không có chướng ngại gì, thời đâu có chướng ngại việc phát tâm? Phật lại do không, không có sở hữu phá câu hỏi của Tu-bồ-đề, cũng lại tự nói nhân duyên: Người có tâm chấp trước thời khó được giải thoát. Người ấy từ vô thỉ sinh tử lại đây do phiền não nên nhiễm đắm các pháp, nghe có cũng nhiễm đắm, nghe không cũng nhiễm đắm; được hay mất cũng nhiễm đắm; chúng sinh như vậy khó được ra khỏi. Thế nên Bồ-tát phát tâm vô thượng đạo, tự lấy tướng trang nghiêm thân, được tâm thanh tịnh, được đại oai đức, biết cội gốc tâm ba đời của chúng sinh, dùng sức thần thông và nhân duyên, thí dụ vì họ nói pháp không có sở hữu, nói không giải thoát môn để dẫn dắt tâm họ. Chúng sinh thấy việc hiếm có như vậy tức thời tâm kia nhu nhuyến, tin Phật, thọ pháp. Thế nên kinh nói: Người nhiễm trước có thời khó được giải thoát, người có sở đắc thời không có đạo, không có quả, không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tu-bồ-đề hỏi: Nếu người có sở đắc thời không có đạo, không có quả, không có Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vậy người không có sở đắc có đạo, có quả chăng?

Phật đáp: Không có sở hữu tức là đạo, tức là quả, tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nếu người không phân biệt là có sở đắc, là không có sở đắc mà vào trong thật tướng rốt ráo không là cũng không có sở đắc, tức là đạo, tức là quả, tức là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, vì không phá hoại thật tướng các pháp. Pháp tính tức là thật tướng các pháp.

Tu-bồ-đề hỏi: Pháp tính, chánh hạnh, tà hạnh thường không thể phá hoại, cớ gì Phật nói pháp tính không phá hoại là đạo, là quả?

Phật đáp: Pháp tính tuy không phá hoại, song vì chúng sinh tà hạnh nên gọi là phá hoại; như hư không bị mây mù, bụi bặm tuy không thể làm bẩn nhơ cũng gọi là hư không bất tịnh; như người thật muốn làm nhơ bẩn hư không, thế là người ấy muốn làm nhơ bẩn pháp tính, không thể có việc ấy. Phật nói ví dụ: Như người muốn phá hoại pháp tính, người ấy muốn đối với pháp không có sở hữu được đạo, được quả, được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Nếu không có sở hữu tức là đạo, làm sao có các pháp của Bồ-tát trong mười địa như kinh nói rộng?

Hỏi: việc ấy Phật đã đáp trước rồi, nghĩa là nếu pháp không thời Bồ-tát thấy lợi gì nên phát tâm? Còn nay nói: Nếu pháp không thời làm sao có từ sơ địa đến đệ thập địa? Phật đều lấy Không để đáp, nay Tu-bồ-đề cớ gì còn hỏi?

Đáp: Tu-bồ-đề vì chúng sinh còn tâm chấp trước nên hỏi. Trong chúng ấy có hàng Bồ-tát mới phát tâm nghe các pháp thật tướng không liền sinh tâm chấp trước không. Phật phá tâm chấp trước ấy, họ lại đắm trước vào pháp bị phá; vì hạng người ấy nên Tu-bồ-đề lại hỏi. Phật đáp rằng: Do không có sở đắc nên có sơ địa cho đến có xá lợi được cúng dường sau khi vào Niết-bàn. Trong pháp có chấp trước thời không thể nói có sơ địa và các công đức, lại cũng do không có sở đắc nên từ bố thí cho đến các thần thông không có sai khác; không có sai khác nên không nên vấn nạn.

Tu-bồ-đề lại hỏi: Làm sao không có sở đắc mà bố thí cho đến các thần thông không có sai khác?

Phật đáp: Bồ-tát từ khi mới phát tâm trở lại đây tương tợ như tướng Vô thượng chánh đẳng chánh giác tịch diệt, tướng bố thí rốt ráo không, nghĩa là không thủ đắc tướng người thí, người nhận thí và tài vật mà hành bố thí. Bố thí như vậy không có phân biệt, cho đến không thủ đắc Bồ-đề mà được Vô thượng chánh đẳng chánh giác cũng như vậy; ấy gọi là Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật không có sở đắc. Hành Bát-nhã ba-la-mật không có sở đắc ấy ma hoặc ma trời không thể phá hoại.

Trong một niệm hành sáu Ba-la-mật là:

Hỏi: Cớ gì Tu-bồ-đề hỏi công đức trong một niệm hành sáu Ba-la-mật?

Đáp: Tu-bồ-đề theo Phật nghe nói Bát-nhã ba-la-mật không có tướng sở hữu, nơi các pháp không có tướng chướng ngại, nếu như vậy thời không có việc gì không thể, không có việc gì không làm, làm sao Bồ-tát trong một niệm có thể thu nhiếp sáu Ba-la-mật cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình? Khi mới phát tâm, vì tâm nhiễm trước, có và không nặng, nên dần dần thứ lớp hành, nay tâm chấp trước có và không đều xả bỏ có, không, nên không có gì không làm được; thế nên hỏi.

Phật đáp: Bồ-tát không lìa Bát-nhã ba-la-mật hành các công đức bố thí không có chướng ngại nên có thể trong một niệm tu hành đầy đủ; nếu xa lìa Bát-nhã ba-la-mật thời phải dần dần thứ lớp hành.

Tu-bồ-đề hỏi: Thế nào gọi là không xa lìa?

Phật đáp: Bồ-tát không do hai tướng tu hành bố thí.

Lại hỏi: Làm sao không do hai tướng?

Phật đáp: Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật, muốn đầy đủ Thí ba-la-mật, trong một niệm bố thí thu nhiếp hết thảy thiện pháp, như trước đã nói.

Thế nào là một niệm? Đó là Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn, dứt hết thảy phiền não, trừ mọi ức tưởng phân biệt, an trú tâm vô lậu mà bố thí hết thảy. Tâm vô lậu là tướng vô tướng, Bồ-tát an trú tâm ấy nên không thấy ai thí, ai nhận và vật gì. Tâm lìa hết thảy tướng mà bố thí, không thấy có một pháp cho đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác còn không thấy, huống gì pháp khác; ấy gọi là không hai tướng. Cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình cũng như vậy.

Tu-bồ-đề lại lấy việc khác hỏi nghĩa này rằng: Bạch đức Thế Tôn, các pháp vô tướng, vô tác, vô khởi, thời làm sao có thể đầy đủ Thí ba-la-mật cho đến tám mươi vẻ đẹp tùy hình?

Phật đáp: Bồ-tát đối với pháp vô tướng, vô tác vì không thủ tướng, tâm không chướng ngại mà bố thí; cần ăn cho ăn như trong kinh đã nói rõ.

Vô lậu, vô tướng, sáu Ba-la-mật có hai: Một là sở hành của Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn; hai là sở hành của Bồ-tát chưa được vô sinh pháp nhẫn. Sở hành của Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn như trong đây nói, vì sao? Vì trú trong tâm vô tướng, vô lậu mà hành bố thí.

Hỏi: Sinh thân Bồ-tát vì tham tiếc chưa trừ, bị cắt xẻ thì rất đau khổ, việc ấy là khó; còn Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn giống như người biến hóa làm, dù bị cắt xẻ cũng không đau khổ, vậy đâu có ân nghĩa gì!

Đáp: Bồ-tát được vô sinh pháp nhẫn hành sáu Ba-la-mật là khó, vì cớ sao? Vì được vô sinh pháp nhẫn thời tâm tịch tịnh, lẽ đáng thọ cái vui Niết-bàn, song bỏ cái vui Niết-bàn tịch diệt ấy trở lại vào trong chúng sinh chịu các thân hình; hoặc làm người hèn, hoặc làm súc sinh, việc ấy mới là khó. Sinh thân Bồ-tát vì tham ái chưa trừ, đắm trước thân Phật nên dùng thân bố thí, ấy là có hi vọng, chẳng phải thanh tịnh bố thí, cho nên không bằng.

* Lại nữa, thực hành sáu Ba-la-mật vô lậu vô tướng, thời có thể đầy đủ còn hữu lậu, hữu tướng, thời không thể đầy đủ; thế nên, người có thể đầy đủ có ân đức lớn.

(HẾT CUỐN 87 THEO BẢN HÁN)